12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

53 nhân viên y tế ở TP. HCM nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin, liệu có nên tiêm vắc xin vào thời điểm này hay không? Đọc ngay các thông tin hữu ích sau để rõ

Trước thực tế, 53 nhân viên y tế tại  Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 nhưng vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đã khiến chúng ta không khỏi hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, những câu hỏi xung quanh tiêm vắc xin COVID-19 lại được đặt ra…Vậy chúng ta nên hiểu vấn đề này sao cho đúng

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 1200 cán bộ, thầy thuốc và nhân viên, tuy nhiên, sau đó, 53 nhân viên y tế có triệu chứng nghi ngờ và làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

53 nhân viên y tế ở TP. HCM nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin - (Ảnh: Freepik).

Vì sao lại có hiện tượng này?

Các chuyên gia đầu ngành y tế cho biết sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định thời gian cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.

Và những người được tiêm vắc xin COVID-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể nhiễm virus bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Thực tế, sau khi xét nghiệm cho thấy lượng virus trong cơ thể các ca nhiễm bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới rất thấp. Đây có thể là do các nhân viên tại bệnh viện đã được tiêm 2 mũi vắc xin trước đó. Theo các bác sỹ, đây là tín hiệu tốt, qua đó thấy được hiệu quả của việc tiêm vắc xin.

Vì thế, qua các trường hợp này, chúng ta cần hiểu đúng về vấn đề tiêm vắc xin như sau:

Hiệu lực bảo vệ của vắc xin không phải là tuyệt đối

Cho tới nay chưa có vắc xin nào cho thấy có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Vắc xin của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với hiệu quả trên 90%, còn của AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được tiêm liều thứ 2.

Theo y văn quốc tế trong số những người đã tiêm vaccine, vẫn có tỷ lệ nhất định có thể nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì ít có khả năng phát triển thành bệnh.

Thực tế cho thấy trong số những nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhiễm SARS-CoV-2 đợt này chỉ có một người có triệu chứng nhẹ. Chính vì thế, khi các nhân viên y tế không có biểu hiện, triệu chứng của bệnh thì không thể khẳng định họ mắc COVID-19. Nói nhân viên y tế bị nhiễm virus là chính xác nhưng nói họ mắc bệnh COVID-19 là chưa chính xác.

Hiệu quả của vắc xin COVID-19 đem lại?

Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa COVID-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng - (Ảnh: Freepik).

Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin COVID-19 giảm tình trạng nặng của bệnh và không dẫn đến tử vong.

Vắc-xin COVID-19 dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng virus gây bệnh COVID-19. Sau khi được tiêm ngừa, các thành phần có trong vắc xin sẽ kích thích cơ thể tạo ra "kháng thể" đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc với cơ thể của bạn qua các dịch trong người như dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt…

Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong. Do vậy virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào của bạn và bạn sẽ không bị bệnh.

Có thể nói, các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào "chất lượng của những tấm khiên" và "mật độ của những mũi tên".

Dĩ nhiên là không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ. Trong làn mưa tên ấy vẫn có những phần trăm rất nhỏ đối với tấm khiên tốt, và phần trăm lớn hơn đối với tấm khiên có chất lượng kém hơn mà những mũi tên có thể lọt qua!

Bên cạnh đó, người đã tiêm vắc xin cũng giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng và tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Do vậy, khi vắc xin giúp giảm các yếu tố này thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng khi số lượng người được tiêm vắc xin tăng lên.

Qua các phân tích trên, chúng ta thấy được, mặc dù tiêm vắc xin không đem lại 100% hiệu quả là người tiêm sẽ không mắc bệnh. Nhưng, vắc-xin có thể làm giảm tình trạng nặng của bệnh và không dẫn đến tử vong, đặc biệt, là có thể làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Vì vậy, ta thấy được hiệu quả mà vắc-xin phòng COVID-19 đem lại là lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ. Tuy vậy, những người đã tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ vẫn nên thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế cho tới khi dịch bệnh bị đẩy lùi hoàn toàn.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/53-nhan-vien-y-te-o-tp-hcm-nhiem-virus-sars-cov-2-sau-khi-tiem-vac-xin-lieu-co-nen-tiem-vac-xin-vao-thoi-diem-nay-hay-khong-doc-ngay-cac-thong-tin-huu-ich-sau-de-ro-31176/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY