Tâm sự hôm nay

7 nhóm giải pháp tăng diện bao phủ BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015, trong thời gian 6 tháng cuối năm phải phát triển khoảng trên 3,2 triệu người tham gia BHYT (tương đương 3,6% dân số cả nước). Tuy nhiên, phần lớn số đối tượng trong diện phát triển đối tượng lại là những người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính. Và để hoàn thành mục tiêu này, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tích cực hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành. Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố có nhiệm vụ triển khai các nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị; Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020; Nghị quyết số 68 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% phải chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện BHYT tại địa phương với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng để tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, tích cực huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT; chỉ đạo Sở Y tế thành lập đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phải tăng cường sự phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT, kịp thời tham mưu giải quyết các vướng mắc trên địa bàn.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền về BHYT. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT phù hợp với vùng miền, nhóm đối tượng. Kiên trì vận động, tuyên truyền về lợi ích, hướng dẫn cách thức, các thủ tục khi tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Trình Chính phủ ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2015 - 2020 (bao gồm số đối tượng và tỷ lệ bao phủ theo dân số cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố) và coi đây là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời phải tích cực triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng cụ thể như: nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; người lao động trong các doanh nghiệp; nhóm học sinh, sinh viên; lực lượng quân đội, công an.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức khám chữa bệnh BHYT. Phấn đấu trong năm 2015 cơ bản hoàn thành kết nối dữ liệu, đảm bảo liên thông hệ thống dữ liệu, kể cả thông tin về chi phí khám chữa bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.

BHXH Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT, tiến tới việc vận hành cơ sở dữ liệu điện tử trong phạm vi cả nước và thay thế thẻ BHYT giấy bằng thẻ điện tử. Trong năm 2015, tập trung triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHYT và đề nghị cấp thẻ BHYT.

Thứ năm, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả; thực hiện các Đề án Giảm tải, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án Bác sĩ gia đình, Chương trình Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế tài chính. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ theo hướng tính đúng, tính đủ, ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện. Thống nhất việc đấu thầu, quản lý giá, thanh toán Thu*c BHYT; thống nhất phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT nhằm nâng cao chất lượng KCB, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT, hạn chế tình trạng người bệnh phải nộp thêm tiền khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn...

(lược ghi theo Cổng thông tin BHXH Việt Nam)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-7-nhom-giai-phap-tang-dien-bao-phu-bhyt-14846.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY