Tâm sự hôm nay

An sinh xã hội bị ảnh hưởng vì hành vi trốn đóng BHXH, BHYT

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) (kể cả lãi chậm đóng) của 1.261 doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra là 1.440,475 tỷ đồng...
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) (kể cả lãi chậm đóng) của 1.261 doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra là 1.440,475 tỷ đồng, riêng 68 doanh nghiệp (DN) do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra số nợ là gần 360 tỷ đồng... Có thể nói tình trạng vi phạm pháp luật về chính sách BHXH, BHYT xảy ra ngày càng phổ biến, gây bất ổn cho Quỹ BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và làm tổn thương chính sách an sinh xã hội...

Theo BHXH, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT xảy ra ngày càng phổ biến, không chỉ thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và trật tự an toàn xã hội. Nợ BHXH tăng cao qua từng năm.

Năm 1997 mức nợ đóng BHXH, BHYT của các đơn vị, DN là 307 tỷ đồng, đến năm 2007 số tiền nợ chậm đóng BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng và đến hết tháng 6/2015, con số này lên tới gần 8.000 tỷ đồng; trong đó nợ BHXH gần 6.000 tỷ đồng, chiếm trên 76% tổng số nợ, còn lại là nợ BHYT và nợ bảo hiểm thất nghiệp. Hiện cả nước có trên 300.000 DN hoạt động, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý được khoảng 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH. Tức khoảng 50% số DN trốn đóng bhxh, BHYT cho người lao động.

Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp khởi kiện đối với các đơn vị vi phạm, tuy nhiên theo đại diện Ban Pháp chế - BHXH Việt Nam cho biết, biện pháp này vẫn chưa hiệu quả đối với những đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm quyết định thi hành án dân sự, dẫn đến các bản án được thi hành án thấp.

Từ năm 2010-2014, trong số 1.240 vụ án có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án liên quan đến vi phạm pháp luật về chính sách bảo hiểm, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 865 vụ, còn 375 vụ chưa được thi hành án (chiếm 30,2%). Riêng năm 2014, trong số 219 vụ có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, chỉ có 143 vụ được giải quyết, còn 76 vụ chưa được thi hành án, chiếm 34,7%.

Tại buổi sơ kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH diễn ra mới đây, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đưa ra thông tin, ở hầu hết các địa phương đều có DN ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, ký nhiều lần để trốn đóng bhxh. Còn tồn tại tình trạng DN đóng BHXH với mức tiền công và tiền lương thấp hơn so với thực tế. Năm 2014, Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề BHXH, BHYT tại 60/63 địa phương, cả 1.261 DN được thanh tra đều vi phạm chậm đóng BHXH và BHYT, số nợ đọng đến thời điểm thanh tra hơn 1.440 tỷ đồng. Riêng 68 DN do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra số nợ là gần 360 tỷ đồng.

Hầu hết các tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng các DN ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Ngoài ra, có nhiều DN cho những người lao động không làm việc tại DN tham gia đóng bảo BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (đóng không đúng đối tượng).

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các tỉnh, thành phố còn tồn tại việc DN đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn mức quy định. Nhiều DN trích tiền lương, tiền công của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác, chưa chốt được sổ và trả sổ BHXH cho người lao động đã nghỉ việc, hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác, hoặc đã đủ điều kiện để giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ mất sức nhưng chưa được giải quyết chế độ kịp thời, không được hưởng chế độ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, nghỉ ốm đau, thai sản, người lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm.

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH, BHYT gia tăng chủ yếu do hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn, nhiều DN giải thể, ngừng hoạt động; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập. Một số đơn vị, DN chiếm dụng vốn từ khoản thu BHYT, BHXH của người lao động đầu tư vào mục đích khác, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ đối với người lao động. Công tác phối hợp thực hiện xử phạt sau thanh tra, kiểm tra đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị, DN còn hạn chế. Đặc biệt, công tác khởi kiện và thi hành bản án của tòa án đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình nợ tiền BHXH, BHYT nhằm chiếm dụng. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra của cơ quan BHXH không cao.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-an-sinh-xa-hoi-bi-anh-huong-vi-hanh-vi-tron-dong-bhxh-bhyt-14812.html)

Tin cùng nội dung