Kinh tế xã hội hôm nay

Ban quản lý tòa nhà yêu cầu từ chối khách thuê là tiếp viên hàng không: Kỳ thị là tội ác!

MangYTe - Tối ngày 17/3, cộng đồng mạng bức xúc chia sẻ bản thông báo của ban quản lý tòa nhà S.G.C.A.R ở Lương Yên, Hà Nội. Theo thông báo này, ban quản lý tòa nhà này đề nghị chủ các căn hộ dừng và từ chối nhận khách thuê là tiếp viên hàng không và hướng dẫn viên du lịch.

Người dân bức xúc vì yêu cầu vô lý, vô tình của ban quản lý tòa nhà

Thông báo của toà nhà này căn cứ vào việc có 1 tiếp viên của Việt Nam Airline bị dương tính với COVID-19 (BN số 46) sau khi phục vụ chuyến bay VN0054 từ London đến Hà Nội ngày 9/3.

Ban quản lý tòa nhà S.G.C.A.R đã "đề nghị chủ sở hữu các căn hộ làm dịch vụ homestay dừng và từ chối nhận khách thuê (ngắn hạn/dài hạn) là tiếp viên hàng không và hướng dẫn viên du lịch do ban quản lý toà nhà không thể chủ động kiểm soát hoàn toàn lịch trình di chuyển của khách hàng và nguồn nguy cơ lây nhiễm".

Thông báo đang gây phản ứng dư luận của ban quản lý tòa nhà S.G.C.A.R

Thông báo trên đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng. Nhiều người cho rằng đây là một việc làm vô cảm, thiếu tình người, đi ngược lại với đạo lý và truyền thống nhân ái của người Việt.

Đặc biệt sự phẫn nộ lên cao khi thông báo này viết: "Đối với các căn đang cho các đối tượng nêu trên thuê, yêu cầu chủ sở hữu thông báo dừng việc cho thuê kể từ ngày 17/3/2020 để đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại tòa nhà".

Điều này đồng nghĩa với việc, ban quản lý tòa nhà yêu cầu chủ căn hộ "đẩy" người thuê nhà ra khỏi nơi họ ở ngay khi họ ra thông báo này ngày 17/3/2020.

"Tôi không thể hình dung được tại sao họ có thể ra một thông báo và yêu cầu bất chấp luật pháp và quyền cư trú của người khác như vậy. Không thể làm một việc vô lý như thế. Đề nghị mọi người chia sẻ, lên án hành động này", tài khoản minhthu042 bức xúc.

"Suy nghĩ thiển cận và ích kỷ nên mới như vậy. Thật là bất bình. Mong rằng các cấp chính quyền phải can thiệp sớm để dừng ngay việc kỳ thị này", tài khoản Nguyen Thu Huong lên tiếng.

Người có tên Thanh Huyen Nguyen phản ứng: "Không thể chấp nhận được ban quản lý toà nhà này, họ có quyền gì mà ra lệnh cho chủ nhà phải đuổi khách thuê nhà chứ, trong khi nhà người ta không vi phạm pháp luật gì. Cái văn bản này phi nhân đạo và vi phạm quyền tự do cá nhân. Chính quyền cần có chế tài đối với những kiểu ban quản lý chung cư như này".

Rất nhiều người lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, đặc biệt là khi đây là "giai đoạn vàng" trong việc phòng chống dịch, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 và chính Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu chống kỳ thị đối với người nhiễm bệnh trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 16/3.

Bác sĩ, nhân viên y tế cũng là đối tượng bị kỳ thị

Chắc hẳn tất cả chúng ta còn nhớ, khi có yêu cầu đón người Việt từ tâm dịch Vũ Hán trở về, đoàn bay của VietnamAirline gồm phi cơ trưởng, các tiếp viên, kỹ thuật viên cùng các bác sĩ đã tình nguyện đi đón công dân Việt về. Họ cũng cùng những người trở về tạm xa gia đình và công việc để cách ly phòng bệnh trong 14 ngày.

Vậy mà, những con người đã không quản ngại nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, sẵn sàng bay vào vùng dịch đón người Việt Nam về lại có thể bị yêu cầu rời khỏi nơi mà họ đang thuê yên ổn dài hạn.

Các bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch bệnh vất vả ngày đêm. Ảnh: VNN

Trong cuộc chiến chống COVID-19, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn dân thì vẫn còn một bộ phận người dân đang góp phần làm công cuộc phòng chống dịch gặp khó khăn.

Đó là sự thiếu hợp tác của họ trong việc khám chữa bệnh, cách ly; gian dối thiếu trung thực trong khai báo y tế. Đó là việc trốn khỏi địa phương, trốn khỏi nơi cách ly làm nhiều người vất vả. Đó cũng là sự kỳ thị người nhiễm bệnh, người bị nghi ngờ nhiễm bệnh làm công cuộc chống dịch bệnh càng khó khăn hơn.

Điều đáng nói là ngay cả những người cực kỳ vất vả, hiểm nguy trên tuyến đầu chống dịch để đảm bảo sức khoẻ, sự bình an cho người dân là các bác sĩ, nhân viên y tế... cũng bị kỳ thị.

Nhiều người đã "sốc" nặng khi hay tin bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nơi ở vì kỳ thị họ đã chữa bệnh cho người mắc COVID-19. Trong khi đó, các bác sĩ đã không ngại nguy hiểm trong lúc có dịch để chữa trị cho người bệnh. Bản thân họ không có ngày nghỉ, không được về nhà, phải xa gia đình, người thân.

Có những nữ bác sĩ phải xa con nhỏ, nhìn con qua màn hình điện thoại không kìm được nước mắt. Có trường hợp cả 2 vợ chồng đều là y, bác sĩ cùng tham gia ứng trực 24/24 giờ chống dịch xuyên Tết, xuyên đêm, nhiều ngày không thể về nhà, phải gửi các con cho ông bà nội, ngoại.

Các bác sĩ, y tá không nề hà vất vả, nguy hiểm, đối mặt với dịch bệnh hàng ngày. Ảnh: T.L

Công việc đã căng thẳng, nguy hiểm hơn ngày thường nhưng áp lực từ cộng đồng xung quanh còn mệt mỏi hơn. "Em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế", một điều dưỡng viên ở cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (nơi cách ly tập trung những người trở về từ vùng dịch COVID-19 của thành phố Hải Phòng) chia sẻ.

Bác sĩ Lưu Thị Xuân, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) từng chia sẻ với truyền thông: "Ngay gần phòng khám là chợ dân sinh, trước đây mình ra thì vô tư. Khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19, mình vẫn đi ra đấy. Ban đầu còn thấy họ túm tụm đông đúc nhưng một lúc sau ai nấy đều tản ra, lảng tránh. Ngày hôm sau thì không còn ai đến bán mua gì nữa".

Ở bên trong phòng khám, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân, người cách ly tập trung, thấm thía cảm giác bị xa lánh, kỳ thị. "Khổ nhất là tìm chỗ đặt suất ăn cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người bị cách ly ở phòng khám. Họ chở đồ ăn đến thấy khu cách ly người nhiễm COVID-19 là sợ lắm, sau vài bữa là cáo lỗi, đơn phương hủy đặt nấu ăn luôn, không đưa đồ đến nữa. Chỉ 1 tháng mà chúng tôi phải tìm, thay đến 6 cơ sở đặt suất ăn", bác sĩ Xuân giãi bày.

Trao đổi với với PV Báo Gia đình và Xã hội, bác sĩ Trần Văn Giang (Phó trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới) cho biết: "Hiện có nhiều thông tin không chính xác dành cho chúng tôi như việc bác sĩ, y tá cũng đã bị nhiễm bệnh. Điều này gây tác động không tốt cho các bác sĩ, y tá hay đặc biệt là người nhà của họ. Đặc biệt, có trường hợp y tá tại viện bị chủ nhà trọ đuổi không cho thuê vị sợ bị nhiễm COVID-19, mặc dù trước đó y tá này đều tuân thủ các biện pháp khử trùng, sát khuẩn và cách ly 7 ngày trước khi trở về nhà".

"Kỳ thị là tội ác", cần cắt bỏ thứ ung nhọt này!

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phải thốt lên rằng: "Kì thị với y, bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm hoặc những người liên quan đến vùng dịch là tội ác".

Mỗi khi vào thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, các y bác sĩ đều tuân thủ mặc bộ quần áo chuyên dụng bó sát, kín mít, không dễ chịu chút nào. Thêm vào đó, luôn phải đeo khẩu trang N95 dày, nhiều lớp, không những khó thở mà còn in vết hằn rất lâu trên gương mặt.

Công việc vất vả hơn ngày thường, thậm chí đối mặt với cả cái ch*t như nhiều đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc hoặc ở những quốc gia đang căng mình chống dịch, nhưng trớ trêu thay, sự kỳ thị của một số người xung quanh còn đáng sợ hơn căn bệnh mà họ đang đối mặt hàng ngày. Không chỉ bản thân họ mà ngay cả người thân của họ cũng bị một số người thiếu hiểu biết kỳ thị.

Những ngày này, hầu hết các y bác sỹ trên cả nước đều phải làm việc quên ngày đêm để ứng phó với dịch COVID-19. (Ảnh: VOV)

Chúng ta vẫn cho rằng kỳ thị người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sẽ khiến cho cuộc chiến với dịch bệnh khó khăn hơn, khó kiểm soát hơn. Nhưng việc kỳ thị chính những người đang góp phần chống dịch bệnh như các nhân viên y tế hay các ngành nghề khác đang ngày đêm chạy đua với cuộc chiến này thực sự là một "tội ác" như GS.TS Nguyễn Anh Trí đã nói.

"Những hành động kỳ thị như thế này thật khó chấp nhận trong một đất nước có truyền thống nhân ái, đặc biệt ở giữa Thủ đô Hà Nội", ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) nói.

Chúng ta chống dịch bệnh, song cũng cần chống cả những "mầm bệnh" vô cảm, thiếu tình người trong tâm hồn của mỗi người. Những hành động kỳ thị này là những "ung nhọt" cần phải được xử lý, cắt bỏ.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã bước qua ngày thứ 100 và cũng bước sang giai đoạn mới với sự quyết tâm cao độ cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ cho rằng giai đoạn này dịch COVID-19 khốc liệt hơn, đây cũng là giai đoạn vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm.

Trong thời điểm quyết định này, những "chiến sĩ" áo trắng ở tuyến đầu rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng, chia sẻ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng cả về nguồn lực, trang thiết bị bảo hộ và cả tinh thần để yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ trong phòng, chống dịch bệnh.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, nhân viên y tế, cùng sự tiếp sức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đoàn kết một lòng của người dân, nhất định chúng ta sẽ khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và chiến thắng trong cả cuộc chiến này.

Hà Anh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ban-quan-ly-toa-nha-yeu-cau-tu-choi-khach-thue-la-tiep-vien-hang-khong-ky-thi-la-toi-ac-2020031722462338.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY