Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Bao bì xanh khó tiếp cận khách hàng

Tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2022 diễn ra tại TP.HCM mới đây, nhiều cơ sở sản xuất, dự án khởi nghiệp đã trưng bày và tiếp thị sản phẩm, ý tưởng bao bì chế tạo từ phụ phẩm nông nghiệp, nhựa tái chế, ngũ cốc, tre nứa… Đây là sản phẩm bao bì xanh, thân thiện với môi trường nhưng theo đánh giá chung thì việc tiếp cận thị trường và phổ biến chưa dễ.

Tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2022 diễn ra tại TP.HCM mới đây, nhiều cơ sở sản xuất, dự án khởi nghiệp đã trưng bày và tiếp thị sản phẩm, ý tưởng bao bì chế tạo từ phụ phẩm nông nghiệp, nhựa tái chế, ngũ cốc, tre nứa… Đây là sản phẩm bao bì xanh, thân thiện với môi trường nhưng theo đánh giá chung thì việc tiếp cận thị trường và phổ biến chưa dễ.

Sản phẩm túi ny-lông sinh học được giới thiệu tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh 2022. Ảnh: H.Lộc

Vấn đề giá cả, thói quen dùng miễn phí, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, kinh doanh bao bì chưa áp dụng là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định dùng sản phẩm xanh.

* Khó tiếp cận khách hàng

Ông hút gỗ của Công ty CP Thương mại dịch vụ công nghệ Tiến Đức (TP.Hà Nội) có chức năng như ống hút nhựa thông thường nhưng thân thiện môi trường vì làm bằng gỗ, dễ phân hủy. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến nhiều nước châu Âu, châu Á. Năm 2021, công ty bắt đầu chào hàng ở thị trường nội địa nhưng đến nay chưa nhiều khách hàng quan tâm.

Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ công nghệ Tiến Đức Nguyễn Văn Thương cho biết, doanh nghiệp đã tham gia nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng vẫn ít khách hàng. “Việt Nam là thị trường lớn, nhưng tiềm năng trong 2-3 năm tới tôi cho là thấp vì chưa có quy định cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, trách nhiệm tái chế chưa áp dụng, người tiêu dùng còn khá dễ tính, cho ống hút nào dùng loại đó” - ông Thương chia sẻ.

Tương tự, túi đựng hàng dành cho thương mại điện tử Lulupack cũng chưa được khách hàng chú ý. Chị Trần Thị Thủy Tiên (TP.HCM) - người đồng phát triển sản phẩm này chia sẻ, mua sắm trực tuyến ngày càng thịnh hành và làm phát sinh nhiều rác thải bao bì như: bìa carton, màng chống sốc, băng keo... Túi Lulupack có đặc tính bền, có thể tái sử dụng đến 100 lần, cũ rồi vẫn tái chế thành vật liệu mới. Để khuyến khích đơn vị bán hàng online dùng túi, chị áp dụng chính sách trả tiền dựa trên số lần sử dụng thay vì số lượng túi, túi càng được dùng nhiều lần thì giá càng rẻ. Trên mỗi túi có mã QR, người mua hàng online có thể quét mã tìm điểm trả lại túi, túi được sử dụng lại đơn vị bán sẽ có hậu mãi bằng cách chiết khấu lần mua kế tiếp hoặc quà tặng.

Chủ Cơ sở Bao bì Thành Thắng (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Văn Thắng cho rằng, việc phát triển bao bì giấy có quai xách và túi zip đã được cơ sở thực hiện từ năm 2020. Bao bì này không những mang lại hiệu quả về mặt sinh thái môi trường, nhờ tái chế và tái sử dụng mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh thân thiện của sản phẩm, doanh nghiệp với người tiêu dùng. Sản phẩm phù hợp sử dụng trong các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn nhanh; đóng gói gia vị, nông sản chế biến, hàng hóa…

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm khách hàng thông qua các hội nghị, hội thảo, triển lãm... Sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn đến khâu truyền thông để tăng khả năng tiếp cận khách hàng” - ông Thắng cho hay.

* Cần trách nhiệm của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng

Theo Công ty CP Thương mại dịch vụ công nghệ Tiến Đức, với mức giá từ 550-1.000 đồng cho một ống hút gỗ đẹp, bền, sạch thì không đắt so với trị giá ly nước tại quán cà phê máy lạnh, nhà hàng, khách sạn. Chủ quán có thể tính chung vào tiền nước vừa không phải mua ống hút nhựa, vừa cho người dùng trải nghiệm sự khác biệt.

Sản phẩm ống hút gỗ của Công ty CP Thương mại dịch vụ công nghệ Đức Tiến (TP.Hà Nội)

“Thị trường có, nhu cầu có nhưng thay đổi tư duy của người bán và thói quen của người dùng không dễ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực quảng bá ống hút thân thiện với môi trường đến người dùng trong nước để góp phần hạn chế rác thải nhựa. Đây cũng là cách để giảm giá thành, giảm giá bán và gia tăng sản phẩm” - ông Thương chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và tính bền vững của thương hiệu Unilever cho rằng, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp và sản phẩm có sứ mệnh phù hợp với mục đích sống của họ. Các sáng kiến xanh là một trong những mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Unilever đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra, giảm 1/2 lượng nhựa nguyên sinh đồng thời tăng cường nhựa tái chế làm bao bì sản phẩm. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của bao bì nhựa đến môi trường sống, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất và tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới.

Việc phát triển các sản phẩm thay thế túi ny-lông truyền thống không chỉ góp phần làm giảm chất thải nhựa mà còn thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Sử dụng bao bì xanh cũng là cách người tiêu dùng góp phần hạ giá thành, hạ giá bán sản phẩm.

Theo tổ chức Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, bao bì xanh (còn gọi là bao bì bền vững, giảm tác động có hại) đang là xu hướng mới trong ngành công nghiệp bao bì. Những sản phẩm từ thiên nhiên hay nguyên liệu dễ tái chế, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp, cơ sở, dự án khởi nghiệp. Thời gian gần đây, quá trình đô thị hóa, thương mại điện tử tăng, cùng với văn hóa thu gom và tái chế rác thải chưa được phổ biến trong cộng đồng, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất chưa áp dụng dẫn tới ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa ngày càng tăng.

Hoàng Lộc

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo Đồng Nai (http://baodongnai.com.vn/kinhte/202212/bao-bi-xanh-kho-tiep-can-khach-hang-3147968/)
Từ khóa:

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY