Tâm sự hôm nay

Chống cháy nổ tại các địa bàn trọng điểm: Phòng một hơn chữa mười

Đầu tháng 7, một hội thảo tầm cỡ khu vực Asean mang tên “Phòng chống hỏa hoạn ở đô thị” do Bộ Công an Việt Nam phối hợp Bộ phận Cảnh sát thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.
Đầu tháng 7, một hội thảo tầm cỡ khu vực Asean mang tên “Phòng chống hỏa hoạn ở đô thị” do Bộ Công an Việt Nam phối hợp Bộ phận Cảnh sát thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo cho thấy thực trạng cháy nổ ở các thành phố lớn đang diễn biến phức tạp cả về số vụ và con số thiệt hại. Đặc biệt là Việt Nam với những đặc thù đường phố nhỏ hẹp, nhiều nhà cao tầng, khu dân cư cũ nát cộng với ý thức phòng cháy khá kém của người dân luôn là “miếng mồi ngon” cho “bà hỏa”...

Gần 2.000 vụ, 300 người ch*t và hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Xu hướng di dân, đô thị hóa đang buộc các nước phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có nguy cơ hỏa hoạn đô thị. cháy nổ một khi đã xảy ra thường để lại hậu quả rất nặng nề về con người, kinh tế, tài chính... Các nước Asean nói chung và Việt Nam nói riêng có các đặc thù riêng khiến việc tiếp cận và tác nghiệp của lực lượng cứu hỏa luôn bị hạn chế như điều kiện đô thị: đường giao thông hẹp, dân số đông, độ cao của các tòa nhà mới và sự xuống cấp của các tòa nhà cũ, việc không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn về phòng, chống hỏa hoạn, việc lấn chiếm đường dành riêng cho cứu hộ...

Số liệu thống kê ở Việt Nam cho thấy, trong vòng 5 năm qua (2000-2014), trung bình mỗi năm cả nước xảy ra gần 2.000 vụ cháy, làm ch*t và bị thương gần 300 người, thiệt hại về tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, cháy ở khu vực thành thị luôn chiếm tỷ lệ rất cao. Riêng năm 2014 cháy ở khu vực thành thị chiếm 53,8%. Con số này tính trong 6 tháng đầu năm 2015 là 56,3%.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - cũng thừa nhận công tác cứu hỏa hiện nay của ta gặp nhiều khó khăn do đô thị cũ, hẹp, nguồn nước chưa đáp ứng, ít nơi bố trí các ụ nước cứu hỏa. Phương tiện chuyên dụng cũng còn hạn chế, cả nước mới có khoảng hơn 10 xe thang cứu hỏa, trong đó chỉ có 1 xe thang 72 mét, do đó chưa đủ khả năng để vươn tới các tòa nhà cao tầng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều khu dân cư nằm trong các ngõ, hẻm sâu hàng trăm mét, nên xe chữa cháy không tiếp cận được. Ở các đô thị còn tồn tại nhiều nhà dạng ống, chỉ có một lối thoát duy nhất lại bị che chắn bởi hàng hóa, xe gắn máy, nên khi xảy ra hỏa hoạn không có lối thoát, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tế năm 2014 cho thấy, tuy số vụ cháy và thiệt hại do cháy giảm, nhưng đã xảy ra một số vụ nghiêm trọng tại các hộ gia đình vừa là nhà ở, vừa là nơi kinh doanh và tại một số quán bar, karaoke ở trong ngõ sâu, liền kề với nhà dân, nhưng lại không có các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Phòng chống hỏa hoạn từ quy hoạch xây dựng

Đại diện cơ quan phòng chống hỏa hoạn và cứu hộ Cảnh sát Paris (Pháp) cũng đã đưa ra một số nhóm giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này ở các nước ASEAN, bao gồm việc lựa chọn các vật liệu chống cháy nổ trong xây dựng, bố trí các tòa nhà hợp lý với lối đi thông thoáng, thuận tiện cho công tác cứu hộ, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng truyền thống vừa tiết kiệm năng lượng truyền thống vừa đảm bảo an toàn...

Hiện ở các đô thị lớn tại Việt Nam đều đã thành lập lực lượng cảnh sát PCCC. Tính riêng, tại Hà Nội, có khoảng 2.000 cảnh sát PCCC phục vụ cho hơn 7 triệu dân và tại TP.Hồ Chí Minh có khoảng 3.000 cảnh sát PCCC phục vụ hơn 8 triệu dân - đều chưa kể tới số khách vãng lai. Bán kính địa bàn phục vụ đều trên 10km (trong khi quy chuẩn phải là 3km). Phương tiện cứu hỏa chưa hẳn đa dạng, tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nội lực của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cũng đã kiềm chế được các thiệt hại do hỏa hoạn, đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Các chuyên gia Pháp cũng nhấn mạnh rằng, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục về PCCC cho người dân là vô cùng cần thiết. Bởi nếu lực lượng cứu hỏa đến hiện trường trong trường hợp nhanh nhất cũng phải mất 6 phút, và trong 6 phút này lửa có thể thiêu rụi toàn bộ công trình. Trong lúc đó, chỉ có người dân sống ở gần nơi cháy mới là lực lượng ngăn chặn mức độ hỏa hoạn và có thể tự cứu bản thân trước khi lực lượng cứu hỏa tới nơi. Điều này cho thấy dù có phương tiện hiện đại và đội ngũ tinh nhuệ đến đâu, thì cách tốt nhất để chống cháy là không tạo điều kiện để xảy ra cháy.

Bình An

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-chong-chay-no-tai-cac-dia-ban-trong-diem-phong-mot-hon-chua-muoi-14861.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY