Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Chủ động phương án, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trước nguy cơ hạn mặn

Hiện nay, độ mặn trên sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước thô phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới, việc đưa ra các phương án ứng phó nhằm bảo đảm nguồn cung nước sạch sinh hoạt đang được thực hiện.

Hiện nay, độ mặn trên sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước thô phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới, việc đưa ra các phương án ứng phó nhằm bảo đảm nguồn cung nước sạch sinh hoạt đang được thực hiện.

Trạm bơm nước thô phục vụ sản xuất nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

* Độ mặn nguồn nước vẫn trong quy chuẩn cho phép

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh cho thấy, độ mặn nguồn nước sông Đồng Nai nhìn chung vẫn ổn định trong ngưỡng cho phép và cao hơn cùng kỳ năm 2019 là không đáng kể.

Cụ thể, đối với sông Đồng Nai đoạn 3 (từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai), độ mặn dao động từ 0,03-0,04‰, tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số khu vực trên sông Đồng Nai đoạn 3, kết quả quan trắc cũng cho thấy độ mặn có xu hướng tăng cao như: khu vực làng cá bè Tân Mai dao động từ 0,04-0,07‰, khu vực nuôi cá bè cù lao Ba Xê dao động từ 0,07-0,1‰.

Đối với sông Đồng Nai đoạn 4 (từ xã Tam An, H.Long Thành đến hợp lưu suối Nước Trong, xã Long Tân, H.Nhơn Trạch), dao động từ 0,23-3,58‰, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019, độ mặn sông Đồng Nai đoạn 4 dao động từ 0,38-2,65‰).

Theo đánh giá, ở thời điểm hiện tại, tình trạng xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai chưa xảy ra nghiêm trọng, độ mặn nguồn nước vẫn ở trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, theo dự đoán, mùa khô năm nay sẽ diễn ra khốc liệt hơn nên nguy cơ xảy ra hạn mặn trong thời gian tới cũng sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, năm 2019 có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt 92% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, mùa mưa năm 2019 cũng kết thúc sớm (vào đầu trung tuần tháng 11-2019) và hầu như không có mưa trái mùa nên mùa khô năm 2020 sẽ khắc nghiệt hơn.

Cộng với đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện tự nhiên, thu hẹp diện tích rừng, diện tích mặt nước sông ngòi, hồ ao, đầm lầy, đô thị hóa... cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng hạn mặn trong mùa khô năm 2020 sẽ diễn ra khốc liệt hơn. “Do mùa mưa năm 2019, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa mưa kết thúc sớm nên mùa khô kéo dài hơn. Cùng với đó, từ đầu mùa khô đến giờ hầu như không có mưa trái mùa bổ sung nguồn nước ngọt nên ảnh hưởng xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt, sản xuất sẽ nghiêm trọng hơn” - ông Nguyễn Phước Huy cho hay.

* Xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung nước sạch sinh hoạt

Hiện nay nguồn nước thô trên sông Đồng Nai là một trong những nguồn cung cấp nước chính để các nhà máy nước xử lý, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Đình Phương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, nước mặt sông Đồng Nai chịu ảnh hưởng chung của xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, chất lượng nước thô lấy vào để sản xuất, phục vụ khách hàng với sản lượng khoảng 500 ngàn m3/ngày vẫn đảm bảo. Theo đó, qua quan trắc khu vực sông Đồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa, nơi lấy nước vào nhà máy để xử lý cho thấy độ mặn nguồn nước vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cho phép nước mặt thô theo quy định.

Cũng theo ông Võ Đình Phương, do các nhà máy nước Thiện Tân, Nhơn Trạch và Long Bình hiện nay đang lấy nguồn nước thô từ khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai nên sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn của tình trạng xâm nhập mặn. Trong trường hợp hạn mặn xảy ra khốc liệt, nguồn nước thô lấy tại trạm bơm trên sông Đồng Nai trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Biên Hòa) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, để chủ động đảm bảo nguồn cung nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhất là trên địa bàn TP.Biên Hòa, hiện công ty cũng đã xây dựng các phương án ứng phó.

Cụ thể, hiện nay công ty đã có hệ thống đường ống kết nối từ các nhà máy nước Thiện Tân, Nhơn Trạch, Long Bình về nhà máy nước đặt tại trụ sở công ty. Do đó, khi xảy ra xâm nhập mặn nghiêm trọng trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa nguồn nước thô từ các nhà máy trên vốn được lấy từ khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, ít bị ảnh hưởng hơn sẽ được điều tiết về để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt tại địa bàn TP.Biên Hòa.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai hiện nay vẫn duy trì việc tích trữ nước tại các thủy đài trên địa bàn TP.Biên Hòa, đảm bảo nguồn cung nước thô trong trường hợp xảy ra hạn mặn nặng. “Đồng Nai còn có hồ thủy điện Trị An có thể xả nước, rửa mặn khi cần thiết” - ông Võ Đình Phương cho hay.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho hay, theo dự báo, mùa khô năm 2020 sẽ kết thúc vào cuối tháng 4. Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 sẽ xuất hiện mưa chuyển mùa, trong đó có một vài đợt mưa trên diện khá rộng. Trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh sẽ còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng.

Phạm Tùng

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo Đồng Nai (http://baodongnai.com.vn/kinhte/202003/chu-dong-phuong-an-dam-bao-cung-cap-nuoc-sinh-hoat-truoc-nguy-co-han-man-2995953/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY