Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Chuyên gia dịch tễ người Việt tại Mỹ giải mã biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng

Cho đến nay thì các kết quả nghiên cứu vẫn chưa cho thấy dạng G có độc lực cao hơn dạng D, tức là tỉ lệ các ca mắc bệnh nặng do dạng G không khác với dạng D.

Tuần qua, với sự xuất hiện trở lại của những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng, thông tin rằng những người này bị nhiễm loại virus corona biến chủng đã khiến không ít người lo lắng, hoang mang. Liệu rằng biến thể virus mới này có lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn hay không? Hay những vaccine được phát triển dựa trên virút chưa có đột biến này có hiệu quả đối với biến thể mới này hay không?

Biến thể mới của virus corona SARS-CoV-2 là gì?

Trong quá trình nhân lên trong cơ thể vật chủ, virus có xu hướng tích tụ các đột biến gien do nhiều nguyên nhân như đột biến ngẫu nhiên khi sao chép vật liệu di truyền, hoặc biến đổi để thích nghi với vật chủ hoặc lẩn tránh sự tấn công của hệ miễn dịch.

Từ tháng 4 năm 2020, một nhóm nhà khoa học tại phòng nghiên cứu quốc gia Los Alamos (Mỹ) dẫn đầu bởi giáo sư Bette Korber đã phát hiện thấy virus corona mang một đột biến có tên gọi D614G ngày càng lan rộng và lấn át những virus không mang đột biến này.

D614G là loại đột biến xảy ra tại protein gai (spike) trên bề mặt virus khi axit amin ở vị trí 614 chuyển từ D (axit glutamic) sang G (glycine) – axit amin là đơn phân cấu tạo nên protein. Có thể gọi nôm na là virus dạng D chuyển sang dạng G.

Cần lưu ý là virus corona cũng có những đột biến gien khác, nhưng các nhà khoa học chưa tìm thấy đặc tính gì vượt trội của những đột biến gien này nên chúng thường không được nhắc đến. Cụ thể hơn, đột biến sang dạng G thường được tìm thấy cùng với 3 đột biến khác, bao gồm cả đột biến trên các protein khác của virus.

Virus corona dạng G có nguy hiểm hơn hay không?

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy người nhiễm virus dạng G mang nhiều virus trong các mẫu thử nghiệm (dịch ngoáy mũi, ngoáy họng) hơn so với người nhiễm virus dạng D. Ngoài ra, dạng G cũng nhanh chóng lấn át các dạng khác sau khi xuất hiện ở một địa phương nào đó. Trong nuôi cấy tế bào, dạng G cũng phát triển và tạo ra lượng virus "con" lớn hơn so với dạng D.

Tác giả bài viết - TS Nguyễn Quốc Thục Phương, chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế ĐH Rochester, New York, Mỹ

Do đó, giả thuyết hiện nay chính là dạng G có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn dạng D, dù vẫn cần nhiều nghiên cứu bài bản hơn để khẳng định điều này.

Tuy nhiên, cho đến nay thì các kết quả nghiên cứu vẫn chưa cho thấy dạng G có độc lực cao hơn dạng D, tức là tỉ lệ các ca mắc bệnh nặng do dạng G không khác với dạng D. Hoặc hiểu nôm na là không phải nhiễm virus dạng G thì sẽ bị bệnh nặng hơn so với nhiễm dạng D. Cho đến nay thì những yếu tố khác như tuổi tác hoặc bệnh lý nền có ảnh hưởng lớn hơn đến diễn tiến bệnh COVID-19 so với việc bị nhiễm virus dạng D hay G.

Giải thích biến đổi từ dạng D sang dạng G theo thuyết tiến hóa: virus sẽ đạt được ưu thế tồn tại tốt nhất nếu có thể lây nhiễm số lượng lớn vật chủ mà vẫn giữ cho vật chủ sống chứ không phải tiêu diệt vật chủ.

Điều này có nghĩa là gì? Nếu dạng G thực sự dễ lây nhiễm hơn dạng D thì việc thực hành đeo khẩu và giữ khoảng cách càng quan trọng và cần được thực hành nghiêm túc hơn nữa.

Liệu vaccine phát triển trên dạng D có hiệu quả trên dạng G hay không?

Sau khi bệnh hoặc tiêm chủng, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể có khả năng nhận diện virus, giúp bảo vệ chống lại những lần nhiễm bệnh sau. Các kháng thể thường có khả năng nhận diện một "bộ phận" trên virus với độ chính xác cao.

Đối với virus corona gây bệnh COVID-19, các kháng thể "mạnh nhất" giúp chống lại virus chủ yếu nhận diện một vùng "trọng yếu" trên protein gai gọi là RBD (receptor-binding domain) – vùng RBD chịu trách nhiệm bám vào bề mặt tế bào vật chủ để từ đó thâm nhập vào trong. Axit amin 614 - nơi xảy ra biến đổi gien D/G - lại nằm ngoài vùng RBD này.

Các kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy cả hai dạng D và G đều bị trung hòa như nhau bởi các kháng thể sinh ra trong máu người bệnh COVID-19.

Do đó, giả thuyết hiện nay chính là các vaccine COVID-19 đang được phát triển hiện nay nếu thành công sẽ vẫn có hiệu quả trên dạng G. Tuy nhiên, do vẫn chưa có nghiên cứu bài bản so sánh hiệu quả của dạng D và dạng G, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo nên cẩn trọng và cân nhắc xem xét dạng G trong quá trình phát triển và kiểm duyệt vaccine.

Tài liệu tham khảo

1. Nathan D. Grubaugh, William P. Hanage, Angela L. Rasmussen, Making Sense of Mutation: What D614G Means for the COVID-19 Pandemic Remains Unclear, Cell, 2020, https://doi.org/10.1016/j.cell.2020.06.040 .

2. Bette Korber, Will M. Fischer, Sandrasegaram Gnanakaran, Hyejin Yoon, James Theiler, Werner Abfalterer, Nick Hengartner, Elena E. Giorgi, Tanmoy Bhattacharya, Brian Foley, Kathryn M. Hastie, Matthew D. Parker, David G. Partridge, Cariad M. Evans, Timothy M. Freeman, Thushan I. de Silva, Adrienne Angyal, Rebecca L. Brown, Laura Carrilero, Luke R. Green, Danielle C. Groves, Katie J. Johnson, Alexander J. Keeley, Benjamin B. Lindsey, Paul J. Parsons, Mohammad Raza, Sarah Rowland-Jones, Nikki Smith, Rachel M. Tucker, Dennis Wang, Matthew D. Wyles, Charlene McDanal, Lautaro G. Perez, Haili Tang, Alex Moon-Walker, Sean P. Whelan, Celia C. LaBranche, Erica O. Saphire, David C. Montefiori, Tracking Changes in SARS-CoV-2 Spike: Evidence that D614G Increases Infectivity of the COVID-19 Virus, Cell, 2020, https://doi.org/10.1016/j.cell.2020.06.043 .

3. Lizhou Zhang, Cody B Jackson, Huihui Mou, Amrita Ojha, Erumbi S Rangarajan, Tina Izard, Michael Farzan, Hyeryun Choe, bioRxiv 2020.06.12.148726; doi: https://doi.org/10.1101/2020.06.12.148726

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/ts-nguyen-quoc-thuc-phuong-vac-xin-sap-ra-mat-co-diet-duoc-bien-chung-moi-sars-cov-2-khong-20200729111858549.htm)

Tin cùng nội dung

  • Rất quan trọng để kết hợp ít nhất một quả táo vào thực đơn của con em mình mỗi ngày vì các lý do sau, mời các bạn cùng tham khảo nhé.
  • Nhiều người rất yêu thích món mít chín nhưng lại ra sức né tránh bởi sợ ăn vào sẽ… nóng. Đây là một sai lầm đáng tiếc.
  • Củ đậu là nguyên liệu chế biến những món ăn vừa mát, vừa ngon. Bên cạnh đó bạn sẽ bất ngờ khi biết củ đậu cũng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
  • Măng tây thường được sử dụng như một món ăn đơn thuần nhưng có hàm lưỡng dinh dưỡng cao và và có nhiều dược tính. Vậy măng tây có lợi như thế nào đối với sức khỏe của con người.
  • Trẻ không thích ăn rau là nỗi băn khoăn của rất nhiều ông bố bà mẹ, trong khi đây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin… rất tốt cho cơ thể.
  • Các nhà khoa học ĐH Florida (Mỹ) vừa cho biết khả năng hoạt động của hệ miễn dịch được tăng cường ở những người thường xuyên dùng nấm hương.
  • (Mangyte) - Hệ thống miễn dịch bao gồm các cơ quan nội tạng, protein, mô và các tế bào cùng hoạt động để loại bỏ vi khuẩn có hại cho cơ thể.
  • Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người, cơ quan phòng thủ cuối cùng của mỗi người, nhằm chống lại sự xâm nhập của bệnh tật. Nếu không có hệ miễn dịch, con người dễ dàng bị các loại virus, vi khuẩn và ô nhiễm môi trường tấn công.
  • Hệ miễn dịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người, bảo vệ cơ thể hạn chế các vi khuẩn, vi rut gây bệnh …
  • Trong bộn bề của cuộc sống, con người thường bị cuốn vào những guồng quay của công việc, bận rộn của cuộc sống, họ thường quên đi mình phải “sống” như thế nào, tận hưởng ra sao…. Nhiều khi nó trở thành một căn bệnh trong tâm hồn mỗi người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY