12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Có tin đồn thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir có gây yếu sinh lý, chuyên gia nói gì?

Hiện nay, nhiều bệnh nhân COVID-19 truyền tai nhau về loại thuốc Molnupiravir trị COVID-19 gây yếu sinh lý. Điều này có đúng không

Thông tin về việc Bộ Y tế đã cấp phép cho thuốc có hoạt chất Molnupiravir trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa ở nước ta có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị. Dự kiến giá bán một hộp thuốc sản xuất trong nước chỉ dưới 300.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá thuốc trôi nổi trên thị trường...

Thuốc Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên "chất ức chế polymerase", hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo.

Trước tình hình F0 tiếp tục gia tăng, nhiều người đã tìm mua thuốc Molnupiravir của Nga, Trung Quốc… được giới thiệu là hàng xách tay hoặc nhập lậu với giá lên đến hàng triệu đồng/hộp. Thậm chí nhiều người còn săn mua với bất kỳ giá nào nhưng cũng không tìm được thuốc kháng virus điều trị COVID-19.

1. Cơ chế tác động của thuốc kháng virus nói chung, Molnupiravir nói riêng

Virus, còn gọi là siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, có tính ký sinh nội bào bắt buộc, chúng chỉ có thể sinh sản bằng cách xâm chiếm tế bào khác vì chúng thiếu bộ máy di truyền để tự sinh sản.

Virus là loài vi sinh vật nhỏ nhất, kích thước điển hình từ 0,02 đến 0,3 μm, mặc dù gần đây đã phát hiện ra một số virus "rất lớn", kích thước dài đến 1 μm (megavirus, pandoravirus).

Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật).

Cấu tạo của virus bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipid, lõi nhân là RNA hoặc DNA, và đôi khi là các enzyme cần thiết cho bước đầu tiên nhân lên của virus.

Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, tế bào virus sẽ sao chép và nhân lên một cách nhanh chóng trong cơ thể người, từ đó gây ra các triệu chứng bệnh.

Các loại thuốc kháng virus hoạt động bằng cách làm gián đoạn quá trình này. Ví dụ như Remdesivir hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần nó để sao chép khi nhân bản.

Còn thuốc Molnupiravir lại hoạt động thông qua sự "đánh lừa". Tức là, trong khi các tế bào bị virus xâm nhâp xây dựng những chuỗi virus RNA, thì Molnupiravir sẽ thay thế một số phần cần thiết trong quá trình đó. Những phần tử "giả mạo" này tiếp tục đột biến trong virus mới sao chép khiến virus gây bệnh COVID-19 không nhân bản được.

Tất cả các loại thuốc kháng virus đều giống nhau ở chỗ chúng đều ngăn chặn sự nhân lên của virus. Nhưng chúng làm việc đó theo những cách khác nhau. Nếu virus không thể tự nhân lên thì hệ miễn dịch của con người chúng ta sẽ chế ngự nó dễ dàng.

Thuốc kháng virus tùy theo bản chất và đặc tính sinh hóa mà tác dụng đến các giai đoạn nhân bản của virus. Nó có thể làm xói mòn sự gắn kết hạt virus với màng tế bào chủ hoặc không gắn với các acid nucleic của virus làm cho virus không sinh sôi được.

Nó cũng có thể ức chế thụ thể tế bào hoặc yếu tố cần thiết để nhân bản virus, chặn các enzym và protein được mã hóa cụ thể sản xuất trong các tế bào chủ và là những yếu tố cần thiết cho sự nhân lên của virus.

2. Molnupiravir gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới?

Các thuốc kháng virus đều có thể gây tác dụng phụ lên bệnh nhân, trong đó Molnupiravir không nằm ngoại lệ.

Trong suốt quá trình tác dụng của thuốc kháng virus nêu trên, đôi khi thuốc kháng virus cũng gây ra những hệ lụy đối với sự trao đổi chất của tế bào chủ. Chính vì vậy, cũng như bất kỳ một loại thuốc nào khác, các thuốc kháng virus đều có thể gây tác dụng phụ lên bệnh nhân, trong đó Molnupiravir không nằm ngoại lệ.

Do thuốc hoạt động bằng cách đưa các đột biến gene vào trong virus RNA nên rất có thể nó cũng đưa luôn các đột biến vào trong DNA của tế bào. Điều này có thể khiến trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Do đó thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Nam giới và nữ giới trong giai đoạn sinh sản đều được hướng dẫn các biện pháp tránh thai khi uống thuốc và ít nhất 4 ngày sau khi ngừng thuốc Molnupiravir.

Riêng đối với phái mạnh phải có biện pháp tránh thai ít nhất là 3 tháng sau liều cuối cùng vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tinh trùng. Việc dư luận lan truyền về tác dụng có hại của thuốc Molnupiravir ảnh hưởng đến sinh lý của người dùng chính là xuất phát từ nguyên nhân này.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Việc sử dụng các thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc để điều trị COVID-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền mất, tật mang, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.

Hơn nữa, do thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất khác nhau và không được kiểm chứng khiến nhiều người hoang mang về việc uống Molnupiravir vào sẽ gây tác dụng phụ nặng, rất mệt, thậm chí yếu sinh lý ... là không có cơ sở khoa học.

Hiện tại, thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, favipiravir, remdesivir... Các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp.

Những trường hợp mắc COVID-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về cách dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ. Người dân không tự ý tìm mua các loại thuốc về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Với những bệnh nhân là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì không cần phải dùng các thuốc kháng virus.

ThS. DS. Lê Quốc Thịnh

Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/co-tin-don-thuoc-dieu-tri-covid-19-molnupiravir-co-gay-yeu-sinh-ly-chuyen-gia-noi-gi-33723/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY