Kinh tế xã hội hôm nay

Covid-19: Tám yêu cầu của ông Tập và cách TQ đưa gần 100% doanh nghiệp đầu rồng trở lại sau 1 tháng rưỡi

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã được chính phủ Trung Quốc ban hành để tăng tốc khôi phục nền kinh tế, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Các chính sách tiếp sức cho khôi phục sản xuất

Tại Trung Quốc, chính sách thông thường sẽ được các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế từng vùng, vào bố trí công tác trọng điểm của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, và vào lộ trình thực hiện trên toàn quốc để tiến hành.

Các chính sách để phục hồi hoạt động lao động sản xuất ở nước này thời gian qua cũng thể hiện cách thức hoạch định và lộ trình thực thi chính sách kể trên.

Sau khi tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp (Covid-19) do virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/2, các địa phương ở Trung Quốc lần lượt khởi động lộ trình khôi phục lao động sản xuất.

Thực tiễn khôi phục sản xuất cũng như chính sách bảo đảm của chính phủ được thể hiện nổi bật nhất tại các tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất như Chiết Giang, Quảng Đông, Sơn Đông,... Cụ thể:

- Trợ cấp phí đường. Ngày 16/2, tỉnh Chiết Giang kích hoạt các tuyến tàu hỏa, xe khách đường dài, máy bay chuyên biệt,... để đón người lao động từ quê nhà ở Quý Châu, Tứ Xuyên, Hà Nam, An Huy, Vân Nam,... Chi phí cầu đường các hành trình này sẽ được thanh toán bởi chính quyền bản địa của đơn vị sử dụng lao động. Ngay cả người lao động tự túc di chuyển đến Chiết Giang làm việc cũng được chính quyền trợ cấp chi phí.

- Trợ cấp sinh hoạt phí cho người lao động. Các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Sơn Đông đều giới thiệu chính sách trợ cấp cho người lao động trở lại làm việc sau dịch. Có địa phương hỗ trợ công nhân số tiền trợ cấp một lần là 1.000 nhân dân tệ (hơn 141 USD).

- Cung cấp vật dụng bảo hộ. Tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nếu các doanh nghiệp gặp phải tình trạng thiếu khẩu trang và các vật tư bảo hộ cho công nhân thì có thể nộp đơn đề xuất trước 3 ngày, chính quyền địa phương sẽ giải quyết và đáp ứng nhu cầu này.

- Giảm sức ép giá thành vận hành doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông được miễn hai tháng và giảm ba tháng tiền thuê mặt bằng. Ở Sơn Đông, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được miễn giảm.

8 yêu cầu của ông Tập Cận Bình về khôi phục sản xuất ở Trung Quốc

Trên cơ sở thực tế các địa phương khôi phục sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát, trung ương Trung Quốc ngày 23/2 triệu tập hội nghị bố trí kế hoạch tổng thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và khống chế dịch Covid-19.

Tại hội nghị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra 8 yêu cầu liên quan đến khôi phục lao động sản xuất một cách có trật tự.

Các yêu cầu này cũng thể hiện trọng điểm trong công tác và kinh nghiệm thực tiễn khôi phục sản xuất ở các địa phương Trung Quốc:

1. Phân loại khu vực để khôi phục sản xuất một cách chính xác. Các địa phương thực thi căn cứ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh.

2. Gia tăng điều tiết chính sách vĩ mô, bao gồm các chính sách miễn giảm thuế phí có tính giai đoạn, có đối tượng. Tận dụng tốt chính sách hỗ trợ về tài chính sẵn có, mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vượt qua khó khăn.

3. Tăng cường toàn diện biện pháp tạo việc làm ổn định. Thúc đẩy doanh nghiệp tuyển dụng và lao động có việc.

    Covid-19: Đại sứ Mỹ nói gì về việc TQ siết quy định xuất khẩu đúng lúc thế giới "khát" vật tư y tế?

4. Kết hợp nhiệm vụ xóa nghèo ở các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu về xóa nghèo khôi phục hoạt động, người lao động nghèo được trở lại làm việc.

5. Thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục lao động sản xuất. "Đả thông" những bế tắc về lưu thông người và hàng hóa, dỡ bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa, thúc đẩy phối hợp nối lại sản xuất trong tất cả các liên kết của chuỗi ngành nghề. Tăng cường các yếu tố bảo đảm khi sử dụng lao động, đất đai, nguồn vốn.

6. Khôi phục sản xuất nông nghiệp vụ mùa xuân. Tổ chức tốt sản xuất, lưu thông, cung cứng vật tư nông nghiệp. Bảo đảm sản xuất nông nghiệp không bị bỏ lỡ thời gian.

7. Bảo đảm đời sống dân sinh cơ bản. Cần bảo đảm nguồn cung ứng các loại thực phẩm.

8. Ổn định nền tảng vốn nước ngoài và ngoại thương. Cần tận dụng đủ và tốt hoàn thuế xuất khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu,... cùng các công cụ chính sách ngoại thương. Bảo đảm chuỗi ngành nghề ngoại thương, vận hành thông suốt chuỗi cung cứng,...

Các tỉnh thành Trung Quốc - căn cứ theo chỉ thị của trung ương - đã từng bước thực hiện khôi phục lao động sản xuất ở từng địa phương, tùy theo điều kiện phòng chống dịch bệnh thực tế ở mỗi vùng.

Hiệu quả thực thi chính sách của Trung Quốc

Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) ngày 3/4 công bố số liệu thống kê, cho thấy tính đến ngày 28/3, tỉ lệ bình quân doanh nghiệp công nghiệp thu nhập trên 20 triệu tệ/năm trở lại hoạt động đạt 98.6%, tăng 15.5% so với báo cáo ngày 23/2. Tỉ lệ lao động trở lại làm việc bình quân đạt 89.9%, tăng 38% so với ngày 23/2.

Về phương diện thúc đẩy khôi phục hoạt động của toàn bộ chuỗi ngành nghề, 92 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đã giúp thúc đẩy hơn 40.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục vận hành. Tính đến ngày 29/3, tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc trở lại hoạt động đạt 76.8%.

Liên quan đến duy trì chuỗi cung ứng quốc tế thông suốt, Cục hàng không dân dụng Trung Quốc trong tháng 3 đã phê duyệt 528 chuyến bay thuê bao "tăng ca" vận tải hàng hóa, gấp 4.47 lần cùng kỳ năm ngoái, gần bằng 1/4 tổng số lượng chuyến bay thuê bao ngoài giờ của Trung Quốc trong năm ngoái.

Do đó, sau khi chính sách được thực thi, quá trình khôi phục lao động sản xuất ở Trung Quốc đang được tiến hành hiệu quả.

Đáng chú ý là, việc thực thi hiệu quả chính sách khôi phục sản xuất có liên quan mật thiết đến sự khôi phục chuỗi cung ứng.

Các công ty ở thượng nguồn của chuỗi ngành nghề - chịu trách nhiệm về nguồn vật liệu thô và gia công ban đầu - có sự phụ thuộc ít vào nguồn nhân lực và dễ dàng khôi phục sản xuất hơn, trong khi các vòng trung gian và hạ nguồn của chuỗi phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động và do đó chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi dịch Covid-19. Đây là khó khăn lớn nhất trong liên kết thượng/hạ nguồn của chuỗi công nghiệp để tiếp tục sản xuất.

Hiện nay, tâm dịch Covid-19 đã di chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ và châu Âu, tạo thành trở ngại tất yếu đối với chuỗi liên kết ngành nghề toàn cầu, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương. Ví dụ, ở Chiết Giang có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, dịch bệnh hoành hành khiến số đơn hàng giảm mạnh, và doanh nghiệp vẫn đối diện với rủi ro phải ngừng sản xuất kể cả khi đã khôi phục hoạt động.

Phương án của Trung Quốc có ưu thế gì?

Về tổng thể, phương án giải quyết vấn đề khôi phục lao động sản xuất của Trung Quốc bao gồm:

- Hoạch định chính sách và lộ trình thực thi. Lộ trình là "thực tiễn địa phương-bố trí trọng điểm của trung ương-phổ biến ở toàn quốc". Các địa phương qua thực tiễn để phát hiện vấn đề, tổng kết kinh nghiệm, nhận biết trọng điểm chính sách, từ đó thông qua chỉ đạo lớn của trung ương Trung Quốc, làm rõ thêm phương hướng thực tiễn với địa phương, sau đó các địa phương tiến hành vòng thực thi theo điều chỉnh mới. Điều này giúp hình thành một vòng tuần hoàn hoạch định và thực thi tốt chính sách.

- Chính phủ cung cấp hỗ trợ về chính sách nhằm khắc phục các nhân tố hạn chế các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khôi phục lao động sản xuất. Một trong các nhân tố hạn chế là thiếu nguồn lao động, được khắc phục bằng các chính sách trợ cấp việc làm. Chính quyền địa phương sẽ cấp nguồn lực tài chính để đưa lao động từ các vùng trở lại nơi làm việc.

Nhân tố hạn chế thứ hai là thiếu nguồn vốn. Nhà chức trách Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng ngân hàng, thuê mặt bằng, chi phí bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải đóng,... để giúp giảm nhẹ chi phí vận hành cho doanh nghiệp.

Nhân tố hạn chế thứ ba là tình trạng thiếu vật tư bảo hộ xảy ra khi dịch Covid-19 lây lan. Chính quyền các địa phương Trung Quốc được yêu cầu điều phối giải quyết tình hình này một cách thống nhất.

Đặc điểm trong phương án của Trung Quốc là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, phát huy đầy đủ tính tích cực trong quản trị của chính quyền các địa phương, cho phép chính quyền địa phương hoạch định chính sách trên cơ sở diễn biến dịch bệnh của khu vực.

Ngoài ra, chính phủ trung ương Trung Quốc cũng điều tra, nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương, lấy đó làm nền tảng để nhận biết các trọng điểm chính sách, đưa ra chỉ đạo vĩ mô từ cấp trung ương.

Việc thực thi phương án của Trung Quốc có liên quan với thể chế vận hành kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Các quốc gia khác có thể tham khảo cách thức cụ thể ở Trung Quốc, kết hợp với đặc thù thể chế vận hành kinh tế-chính trị của từng nước để tìm ra giải pháp chính sách và lộ trình thực thi phù hợp.

* Bài viết thể hiện góc nhìn của tiến sĩ kinh tế Hỗ Kiếm Huy - từ Học viện quản lý tài chính và chính sách công, thuộc Học viện tài chính tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/covid-19-tam-yeu-cau-cua-ong-tap-va-cach-tq-dua-gan-100-doanh-nghiep-dau-rong-tro-lai-sau-1-thang-ruoi-20200406104326905.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY