Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đối tượng nào dễ tái nhiễm Covid-19, và cần xử trí tình trạng này như thế nào?

Dù mọi người đã quen với sự hiện diện của dịch bệnh Covid-19 và dần xem đây là một căn bệnh hiện hữu ở hiện tại. Nhưng, không nên lơ là, chủ quan, đặc biệt là khi đã từng nhiễm bệnh. Vì nếu bị tái nhiễm Covid-19 thì những biến chứng nặng nề vẫn có thể xảy ra.

Vì sao lại xảy ra tình trạng tái nhiễm Covid-19?

Tình trạng tái nhiễm là trường hợp một người từng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, sau đó bị nhiễm lại.

Các chuyên gia y tế giải thích, khả năng tái nhiễm tuỳ thuộc vào khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi người. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ có hệ thống miễn dịch ổn định giúp bảo vệ khá lâu. Nhưng, một số người khác lại có nồng độ kháng thể bảo vệ thấp, hoặc sụt giảm nhanh cũng sẽ dẫn đến khả năng tái nhiễm. Ngoài ra, sự xuất hiện của những biến chủng mới gần đây khiến kháng thể trong cơ thể chưa kịp đáp ứng lại được cũng sẽ gây ra tình trạng tái nhiễm bệnh.

Tình trạng tái nhiễm Covid-19 có nghiêm trọng hay không?

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, tình trạng tái nhiễm có nghiêm trọng hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tải lượng virus trong cơ thể. Ví dụ, nếu ở lần tái nhiễm sau, bạn tiếp xúc với F0 trong tình trạng không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách sẽ khiến lượng virus xâm nhập vào cơ thể nhiều hơn, tình trạng bệnh vẫn sẽ nặng hơn. Ngoài ra, bệnh có thể nghiêm trọng hơn khi tình trạng tái nhiễm so với lần nhiễm trước đó quá gần nhau, hoặc tình trạng bệnh nền của người bị tái nhiễm không được ổn định.

Một số chuyên gia y tế nhận định, việc tái nhiễm nhiều lần không làm suy yếu hệ miễn dịch, đặc biệt là với những người đã thực hiện tiêm chủng đầy đủ (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, không nên chủ quan vì tái nhiễm có thể khiến các bệnh hậu Covid-19 trở nên nghiêm trọng và nặng nề hơn. Bởi vì trong quá trình nhiễm Covid-19, virus gây tổn thương tế bào, hệ miễn dịch sẽ tấn công cơ quan bị nhiễm nhưng đôi khi nhận diện nhầm gây viêm toàn thân, tăng động, kích hoạt kháng thể… dẫn đến các di chứng hậu Covid-19. Chính vì thế, nếu tái nhiễm bệnh càng nhiều lần, nguy cơ mắc hậu Covid-19 càng cao, với tỷ lệ mắc dao động từ 6 - 15%.

Đối tượng nào dễ tái nhiễm Covid-19?

Các chuyên gia y tế cho rằng, ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. Virus SARS-CoV-2 có thể biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh. Trong khi đó, sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ càng “thông minh” hơn các biến chủng cũ, hoàn toàn có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.

Ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19 nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, những người có tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì sẽ có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Đồng thời, những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên cũng sẽ có xác suất tái nhiễm cao hơn với những người thường sử dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19.

Không may tái nhiễm bệnh, nên làm sao?

Nếu không may bị tái nhiễm một lần nữa, người mắc bệnh nên giữ một thái độ bình tĩnh, không quá hoang mang. Vì thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Ở những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng như ho, hắt hơi, sốt chẳng hạn.

Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng. Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.

Nếu vẫn chưa bị tái nhiễm, hãy cố gắng giữ gìn thân thể và sức khoẻ để bản thân không bị phơi nhiễm. Vì chúng ta hoàn toàn không thể biết được tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn hay nhẹ hơn khi bị tái nhiễm.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân phải luôn tuân thủ tốt 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, mọi người cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tập luyện thể thao… là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tránh nguy cơ tái nhiễm Covid-19.

Xem thêm: Vì sao lại nói: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là chìa khoá giúp cơ thể tránh xa bệnh tật?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/doi-tuong-nao-de-tai-nhiem-covid-19-va-can-xu-tri-tinh-trang-nay-nhu-the-nao-34650/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY