Thần kinh , Đau đầu hôm nay

Động kinh kháng Thuốc, điều trị thế nào?

Động kinh kháng Thuốc chiếm từ 15-25% tổng số bệnh nhân mắc động kinh. Vậy làm sao để bệnh nhân có thể kiểm soát được cơn động kinh khi việc dùng Thuốc không đáp ứng?

1. Động kinh kháng Thuốc là gì?

ThS.BS Lê Thụy Minh An:

Từ xưa, động kinh kháng trị được định nghĩa là động kinh không thể kiểm soát bằng các loại Thuốc. Trước đây, chúng ta chỉ sử dụng Thuốc để điều trị động kinh nên bệnh lý được gọi là động kinh kháng trị.

Ngày nay, ngoài việc sử dụng Thuốc, còn có nhiều phương pháp khác để điều trị động kinh nên khái niệm động kinh kháng trị được chuyển thành động kinh kháng Thuốc, tức là bệnh nhân không thể điều trị bằng Thuốc nhưng vẫn có thể điều trị bằng những phương pháp khác.

Bệnh nhân khi được chẩn đoán động kinh sẽ được bắt đầu điều trị bằng một loại Thuốc. Với một loại Thuốc, sẽ có từ 50 - 60% bệnh nhân có thể kiểm soát tốt cơn động kinh, phần còn lại có thể không kiểm soát được. Khi đó, chúng ta sẽ bổ sung hoặc chuyển sang loại Thuốc thứ hai.

Nghiên cứu cho thấy, 70% bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt cơn động kinh khi dùng Thuốc. Tuy nhiên, 30% bệnh nhân dù uống Thuốc chống động kinh đúng loại đúng liều vẫn không thể kiểm soát được cơn. Họ gọi đây là động kinh kháng Thuốc.

Theo định nghĩa của Liên hội chống Động kinh Quốc tế, động khi kháng Thuốc là khi người bệnh đã sử dụng hai loại Thuốc động kinh với liều lượng và đúng loại phù hợp nhưng không kiểm soát được cơn.

2. Làm cách nào để giảm số cơn cho bệnh nhân động kinh kháng Thuốc?

ThS.BS Lê Thụy Minh An:

Đối với bệnh nhân động kinh kháng Thuốc, các bác sĩ sẽ có một số phương pháp khác ngoài việc dùng Thuốc để hỗ trợ cho bệnh nhân hết cơn hoặc giảm được số cơn.

Theo đó, phương pháp tốt nhất chính là phẫu thuật động kinh vị trí tổn thương hay nơi sinh ra cơn động kinh đó. Chúng ta có thể làm xét nghiệm điện não, hình ảnh học để chúng ta định vị ổ sinh ra cơn động kinh đó và cắt bỏ đi.

Đối với phương pháp này, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiến hành thực hiện vào năm 2018 và kết quả rất khả quan. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với động kinh thùy thái dương như xơ cứng hải mã hoặc u bậc thấp. Đó là phương pháp triệt để nhất để giúp bệnh nhân hết cơn.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có nhiều ổ tổn thương hoặc các sang thương nhưng chúng tôi không phát hiện được thì chúng ta có thể có một số phương pháp để hỗ trợ cơn động kinh ví dụ như điều trị cắt thể chai, cắt nửa bán cầu hoặc đặt máy kích thích dây thần kinh số 10.

Một phương pháp có thể kết hợp với y học cổ truyền là cấy chỉ. Phương pháp này cũng có hiệu quả để giảm cơn trong những bệnh nhân động kinh kháng Thuốc.

Trước đây, kỹ thuật cắt sang thương gây động kinh, cắt vùng thùy thái dương đối với động kinh vùng thái dương, dị dạng mạch máu não là phương pháp mổ xẻ có thể đạt đến mức kháng động kinh. Tuy nhiên, kết quả khó đạt 100%.

Trong trường hợp động kinh không tìm được ổ tổn thương hoặc động kinh xảy ra ở hai bán cầu não, y học chỉ có thể làm giảm số cơn động kinh. Trong trường hợp này, chúng ta không thể cam kết phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân hết bệnh động kinh.

Hiện, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã triển khai thêm một kỹ thuật mới trong điều trị động kinh kháng Thuốc là cắt thể chai. Cơ thể chúng ta có hai bán cầu não nối với nhau bằng cấu trúc giải phẫu, được gọi là thể chai, đó là đường dẫn truyền cảm giác, vận động, những hành vi hoặc lời nói.

Phẫu thuật này sẽ cắt sự kết nối giữa hai bán cầu để giảm tín hiệu truyền qua lại của hai bán cầu, trong đó có tín hiệu gây cơn co giật. Phẫu thuật này không phải là phẫu thuật chữa khỏi. Người ta chỉ định thực hiện phương pháp này đối với người bệnh động kinh kháng Thuốc.

Phương pháp này chỉ áp dụng với những bệnh nhân bị động kinh kháng Thuốc, có cơn động kinh toàn thể, chủ yếu là cơn động kinh vận động chứ không phải động kinh cảm giác. Theo đó, các bác sĩ họ sẽ cắt 2/3 thể chai ở phía trước để gián đoạn sự dẫn truyền, giúp bệnh nhân giảm được số cơn động kinh. Các bác sĩ chỉ cắt toàn bộ thể chai khi bệnh nhân bị động kinh liên quan đến cảm giác.

Đối với phẫu thuật giảm nhẹ, các bác sĩ rất thận trọng, chỉ định rất chặt chẽ và hội chẩn với bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ tâm lý.

Các bác sĩ cũng hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài trước khi quyết định phẫu thuật cắt thùy thái dương. Theo đó, bệnh nhân phải thỏa một số điều kiện như kháng Thuốc, động kinh toàn thể và không phát hiện ra được ổ tổn thương.

3. Bệnh nhân động kinh nên tìm đến đâu?

ThS.BS Lê Thụy Minh An:

Nếu bệnh nhân bị động kinh đã uống nhiều loại Thuốc nhưng không kiểm soát được cơn thì người nhà có thể đưa người bệnh đến khám tại khoa thần kinh của các bệnh viện.

Theo đó, các bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng động kinh của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng cần thiết như: đo điện não kéo dài và chụp hình ảnh học.

Sau đó, các bác sĩ hội chẩn đối với bác sĩ ngoại thần kinh, cũng như chuyên gia nước ngoài để đưa ra kết luận. Đồng thời, các bác sĩ sẽ giải thích cho người bệnh, thân nhân về phương pháp và chi phí điều trị.

Theo Trọng Dy, Anh Thi - Benhdotquy.net

Trích trong video Động kinh kháng Thuốc: chẩn đoán và điều trị, phát sóng trên kênh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Lần cập nhật cuối: 00:11 01/06/2022 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/dong-kinh-khang-thuoc-dieu-tri-the-nao-n422406.html)

Chủ đề liên quan:

Động kinh kháng thuốc

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY