Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Giữ ấm cho trẻ những ngày lạnh

Bài, ảnh: THU SƯƠNGNhững ngày giáp Tết, trời lạnh, có mưa, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo các bậc phụ huynh nhiều cách giữ ấm cho trẻ

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Những ngày giáp Tết, trời lạnh, có mưa, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo các bậc phụ huynh nhiều cách giữ ấm cho trẻ, để chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh trong những ngày lạnh.

Khi trời se lạnh hơn, không khí vào đường thở của trẻ không được sưởi ấm, trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp, dễ bị nhiễm virus hơn. Biểu hiện bệnh như hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè, nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Những trẻ có tiền căn dị ứng, khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi, dễ khởi phát cơn suyễn. Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên trẻ thường gặp như viêm mũi, họng, viêm VA… Bệnh đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phế quản - phổi, viêm phổi, hen suyễn. Ngoài ra, trẻ có thể gặp các vấn đề về da như da khô ráp, bong tróc. Trẻ có cơ địa viêm da dị ứng, dễ bị khô da, có thể dẫn đến chàm da. Trong những ngày lạnh, cơ thể trẻ phải tiêu hao nhiều năng lượng để chống lạnh nên sức chống đỡ bệnh tật giảm nhiều. Cha mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc bé đúng cách để bé khỏe mạnh.

Cụ thể là: Giữ nhiệt độ phòng của bé ở mức vừa phải: giữ nhiệt độ phòng luôn ấm áp, thông thoáng trong khoảng 28 độ C. Trước khi cho trẻ ra ngoài nên mặc thêm áo và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột. Tránh trường hợp đóng kín cửa suốt ngày, khiến không khí trong phòng ngột ngạt, thiếu oxy, cơ thể mệt mỏi và khiến vi khuẩn sinh sôi.

Ủ ấm vừa phải: Nguyên tắc của việc mặc giữ ấm là mặc quần áo thành nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Cơ thể sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chế mất nhiệt ra ngoài môi trường. Trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, tránh để trẻ mặc quá nhiều quần áo dẫn tới “bị” ủ ấm quá mức. Ðây là một điều hoàn toàn sai lầm, có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Cha mẹ cần biết, thân nhiệt của trẻ không giống người lớn, trẻ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Hơn nữa, việc ứ đọng mồ hôi trên da là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.

Tránh mặc tã suốt ngày: Vì tã có thể gây bệnh cho trẻ, làm tổn hại làn da. Trẻ mặc tã suốt ngày bị dính nước tiểu dễ bị lở loét, ảnh hưởng xấu tới da, bị hăm da. Khi trẻ đi tiểu nhiều mà chưa kịp thay tã, nước tiểu ngấm ngược gây lạnh cho trẻ.

Trẻ cần được vận động ngoài trời: Ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố môi trường. Ðối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày để hấp thụ vitamin D, có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lý tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào khoảng 8h-9h30 và buổi chiều từ 15h-17h. Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng. Thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ. Lưu ý, cần hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá...

Vệ sinh thân thể sạch sẽ: Dù trời lạnh, trẻ cũng cần được tắm ít nhất 2 ngày/lần. Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá, kiêng không tắm cho bé từ 11h-13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h-10h30 hoặc từ 15-16h. Không nên pha nước tắm quá nóng, gây hại cho làn da mỏng manh của bé. Khi dùng tay để thử, người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Trẻ cần tắm trong phòng kín gió. Trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp mền, mang vớ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.

Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý thêm: Cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, tránh ăn uống những thức ăn quá lạnh. Ðeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với trẻ khi có triệu chứng hô hấp. Thường xuyên rửa tay khi chăm sóc trẻ. Ðối với trẻ mắc hen phế quản, cần được khám, tư vấn và điều trị dự phòng. Khi trẻ có biểu hiện bệnh lý hô hấp như ho, sốt, sổ mũi,… cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc. Cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/giu-am-cho-tre-nhung-ngay-lanh-a155460.html)

Tin cùng nội dung

  • (CTO) - Thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, thống kê 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng bệnh sốt huyết nhập viện tăng 3,78 lần (trong đó sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5,5 lần) so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 2 trường hợp tử vong.
  • (CTO) - Bệnh viện (BV) Sản nhi Vĩnh Phúc vừa thông tin về trường hợp bé trai 15 tháng tuổi bị tiêu chảy nhập viện trong tình trạng co giật, não tổn thương. Theo các bác sĩ, qua kiểm tra, phát hiện người nhà cho trẻ uống oresol bù nước quá đậm đặc
  • Chỉ trong tháng 9-2022, thống kê từ cơ sở y tế tại TP Cần Thơ có gần 3.000 trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa đến khám và điều trị. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, thời điểm này
  • (MangYTe) - BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, trong gần 500 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện 3 tháng qua, có gần 100 trường hợp chuyển biến thành sốc và sốc nặng
  • (MangYTe) - BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: Kết quả “Nghiên cứu đặc điểm trẻ táo bón mạn tính chức năng và kiến thức bà mẹ trong chăm sóc trẻ táo bón
  • Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khi trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi và xử trí các triệu chứng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY