Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Hen suyễn - Căn bệnh cần đặc biệt quan tâm trong mùa COVID -19

Theo thống kê, tỷ lệ biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị do COVID-19 thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gan, đặc biệt nhất là các bệnh lý hô hấp, trong đó có bệnh hen suyễn.

Vậy bệnh hen suyễn là gì? Đâu là dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả để bệnh không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Trong bài viết sau đây, Sức khỏe Gia đình sẽ cung cấp các thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh này!

1. Bệnh hen suyễn là gì?

Hen suyễn hay còn có tên gọi khác là hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh là tình trạng đường thở bị thu hẹp lại và sưng lên, có thể tiết ra nhiều chất nhầy. Điều này làm cho người bệnh cảm thấy khó thở, thở nông và ho thường xuyên hơn.

Bệnh hen suyễn là tình trạng đường thở bị thu hẹp lại và sưng lên, có thể tiết ra nhiều chất nhầy - (Ảnh: Internet)

2. Đâu là nguyên nhân gây nên bệnh hen suyễn

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây bệnh là do cả yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc tiếp xúc với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản.

Dưới đây là một số yếu tố dị nguyên góp phần gây hen suyễn, bạn có thể tham khảo:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus
- Không khí lạnh
- Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí
- Xúc cảm mạnh, hồi hộp, căng thẳng, stress
- Tập luyện thể lực
- Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen
- Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Hen suyễn khiến người bệnh cảm thấy khó thở, thở nông và ho thường xuyên hơn - (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố được cho là sẽ làm tăng khả năng mắc phải bệnh này, bao gồm:
- Tiền sử gia đình bị hen suyễn, như cha, mẹ, anh chị em mắc bệnh
- Bệnh dị ứng khác, như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng…
- Thừa cân.
- Hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tiếp xúc với khói thải hoặc các tác nhân gây ô nhiễm khác.
- Tiếp xúc với một số tác nhân do liên quan đến nghề nghiệp, như hóa chất công nghiệp.

3. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hen suyễn là gì?

Tùy vào từng bệnh nhân mà bệnh hen suyễn sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh bao gồm:
- Thở nông, thở nhanh và dốc
- Tức ngực hoặc đau ngực
- Trẻ em thường gặp tình trạng thở khò khè, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Ho, tình trạng ho thường nặng hơn khi nhiễm virus ở đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm.
- Rối loạn giấc ngủ, ngáy do khó thở, ho, thở rít xuất hiện vào ban đêm.

Khi bệnh diễn tiến nặng thì tần suất xuất hiện của các cơn hen suyễn sẽ trở nên dày đặc hơn với các triệu chứng khó thở trở nên nặng nề hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu của một cơn hen suyễn nặng để kịp thời đến các cơ sở y tế, điển hình như:
- Thở dốc hoặc thở rít tiến triển nặng nề hơn một cách nhanh chóng
- Triệu chứng không cải thiện sau khi đã sử dụng các ống hít giúp cắt cơn tức thời
- Thở hụt hơi, hơi thở ngắn ngay cả khi ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ.

Đặc biệt người bệnh cần lưu ý, không nên quá lạm dụng thuốc trị hen suyễn khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Việc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và khiến bệnh có thể trở nặng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị hen suyễn hiện tại.

4. Cách chẩn đoán bệnh hen suyễn

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng quát và cố gắng loại trừ những bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Song song đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.

Sau khi đã chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số thử nghiệm liên quan, điển hình như:

- Xét nghiệm đo chức năng phổi: Bằng cách làm các thử nghiệm như đo phế dung, đo lưu lượng đỉnh… Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm này trước và sau khi cho bạn dùng thuốc giãn phế quản như albuterol. Thông qua các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng phổi để xác định lượng không khí đi vào và ra khi hít thở. Nếu họ nhận thấy chức năng phổi được cải thiện sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản, khả năng cao là bạn bị hen suyễn.

- Các xét nghiệm bổ sung: Thử nghiệm kích thích với methacholine (một tác nhân được biết là có thể gây hen suyễn), xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang ngực, xét nghiệm dị ứng

- Đánh giá mức độ hen phế quản: Để phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh hen phế quản, bác sĩ sẽ đánh giá tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hen. Việc này sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hen suyễn tốt nhất.

5. Cách điều trị bệnh hen suyễn là gì?

Việc điều trị bệnh hen suyễn thường sẽ bao gồm nhận thức được các tác nhân kích thích cơn hen để tránh tiếp xúc và theo dõi hơi thở thường xuyên để đảm bảo thuốc có tác dụng. Trường hợp cơn hen bùng phát, bạn sẽ cần dùng thuốc hít do bác sĩ tư vấn và chỉ định để cắt cơn nhanh chóng.

Khi cơn hen bùng phát, người bệnh sẽ cần dùng thuốc hít do bác sĩ tư vấn và chỉ định để cắt cơn nhanh chóng - (Ảnh: Internet)

Với thuốc, thông thường, dựa vào tuổi tác, triệu chứng và tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị hen suyễn phù hợp với bệnh nhân. Thuốc kiểm soát hen suyễn thưởng sẽ có tác dụng giảm sưng (viêm) đường dẫn khí còn các thuốc hít cắt cơn nhanh (thuốc giãn phế quản) sẽ giúp đường thở mở rộng nhanh chóng. Một số trường hợp, người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu các thuốc kiểm soát hen suyễn đáp ứng tốt, người bệnh sẽ không cần phải sử dụng các thuốc hít giúp cắt cơn nhanh thường xuyên. Vì thế, người bệnh cần chú ý đến số lần dùng ống hít cắt cơn nhanh mỗi tuần để thông báo lại với bác sĩ để được điều chỉnh các thuốc kiểm soát dài hạn.

6. Mách bạn các phương pháp cải thiện và điều trị hen suyễn tại nhà

Bên cạnh việc dùng thuốc để phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, bạn có thể cải thiện và điều trị hen suyễn tại nhà bằng cách áp dụng những gợi ý sau:

- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây hen suyễn bằng cách dùng máy lọc không khí để giảm bớt lượng tác nhân kích thích hen trong không khí; Vệ sinh, khử trùng các vật dụng trong nhà để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc; Duy trì độ ẩm không khí thích hợp; Hạn chế tiếp xúc với thú nuôi/động vật lạ; Có lối sống, sinh hoạt lành mạnh

- Thay đổi lối sống, duy trì sức khỏe tốt cũng giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả: Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý, nếu bạn thường xuyên ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản thì nên kiểm soát tốt các triệu chứng này,

7. Sự nguy hiểm của bệnh hen suyễn?

Hen suyễn là bệnh mạn tính, nếu không kiểm soát tốt bệnh có thể ảnh hưởng và gây ra một số vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, điển hình như:
- Khiến người bệnh lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
- Bệnh có thể gây căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm
- Tăng khả năng nhập viện khi có cơn hen nặng gây khó thở
- Biến chứng từ tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen suyễn
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
- Chậm phát triển hoặc dậy thì ở trẻ em
- Lên cơn hen nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nếu chẳng may người bệnh bị SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, virus nguy hiểm này sẽ tàn phá hệ hô hấp, tác động trực tiếp đến họng, mũi và nguy hiểm nhất là tổ chức phổi. Đặc biệt, đối với những người bị hen suyễn, SARS-CoV-2 có thể dẫn đến cơn hen và các vấn đề về phổi nghiêm trọng khác.
Theo một số nghiên cứu cho thấy bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên, nếu người mắc hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn những người không bị hen suyễn rất nhiều.

Nếu người mắc hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn những người không bị hen suyễn rất nhiều - (Ảnh: Internet)

8. Vậy người bệnh hen suyễn nên làm gì để phòng tránh COVID-19?

Dưới đây là một số lưu ý, người bệnh hen suyễn nên thực hiện để phòng tránh COVID-19:
- Dùng thuốc kiểm soát hen, thuốc cắt cơn hen đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ghi lại số điện thoại liên lạc của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cơ sở y tế mà mình đã từng được cung cấp để liên hệ khi cầ
- Ở nhà để tránh các nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây virus ở bên ngoài, nhất là tiếp xúc với giọt bắn từ người mang SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc người bệnh.
- Nên chuẩn bị đầy đủ thuốc chữa hen do bác sĩ khám bệnh chỉ định.
- Tránh xa các tác nhân gây hen suyễn, như khói thuốc lá, tác nhân gây dị ứng, ô nhiễm không khí... và không sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ làm xuất hiện hen suyễn (tôm...).
- Khi ra khỏi nhà nhất định phải đeo khẩu trang đúng quy cách, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp với người khác và tốt nhất không nên đến chỗ đông người.
- Khi ho, hắt hơi nên che miệng bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay áo...
- Thường xuyên khử trùng nhà cửa và đồ dùng vì SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trên các bề mặt (sàn nhà, dụng cụ sinh hoạt, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa...).
- Giữ vệ sinh cá nhân, điển hình như rửa tay nhiều lần bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh. Mỗi khi trời nắng nên đưa chăn, màn, vải giải giường, gối, đệm ra phơi nắng để diệt các loại côn trùng là một trong các tác nhân gây hen suyễn.

Đặc biệt, khi các triệu chứng trở nặng, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể, không nên lơ là, chủ quan nhé!

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/hen-suyen--can-benh-can-dac-biet-quan-tam-trong-mua-covid-19-31907/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY