Kinh tế xã hội hôm nay

Hoàng Tùng với sân khấu hộp đen

Có thể nói là Hoàng Tùng đang là kẻ cô đơn. Một nghệ sĩ đang lang thang vô định trên con đường nghệ thuật không lời của mình khi dấn thân vào lĩnh vực kịch câm.
Có thể nói là Hoàng Tùng đang là kẻ cô đơn. Một nghệ sĩ đang lang thang vô định trên con đường nghệ thuật không lời của mình khi dấn thân vào lĩnh vực kịch câm. Nói vậy, bởi lẽ ai cũng biết kịch câm thời huy hoàng đã hết. Điển hình cho một biểu tượng kịch câm ở nước ta là NSƯT Phúc Zdĩ và đúng là trở thành “zdĩ vãng”. Sau đó nhiều học sinh xuất sắc của ông cũng rời cuộc chơi với kịch câm.

Nghệ thuật kỳ ảo, nhưng khó khăn

Khó lắm, không lời mà. Ngôn ngữ cơ thể đòi hỏi sự sáng tạo rất khổ luyện và đầu tư công sức và tâm trí mới có thể làm mới mình và thu hút khán giả. Dễ đến mươi năm qua người ta đã quên loại hình nghệ thuật kỳ ảo này. Ấy vậy mà nghệ sĩ trẻ Hoàng Tùng, ở Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam lại dấn thân làm một hành trình bắt “Kịch câm trở lại”. Nào có ai tin. Bởi giỏi như Tiến Dũng, hay Kế Đoàn, hoặc Ngọc Bích cũng đi tìm một sân chơi khác, bỏ lại sân khấu kịch câm như một ký ức buồn. Nào có ai hy vọng ở một tương lai cho kịch câm trở lại với những khám phá mới lạ đưa đến cho khán giả những niềm vui bất ngờ, bằng ngôn ngữ hình thể đầy mô phỏng và ước lệ cô đọng nhất. Vậy mà đột nhiên có một cái tên Hoàng Tùng đã làm mọi người sửng sốt đến khó tin. Nhưng sự tò mò dụ mọi người tìm đến ngay sau khi đêm biểu diễn báo cáo của Hoàng Tùng tại nhà hát... Cuối cùng ai cũng bất ngờ vì một cuộc viễn chinh đầy sóng gió của người nghệ sĩ trẻ. Họ khích lệ. Họ mơ mộng cùng với Hoàng Tùng về một cuộc khai phá mới cho một sân khấu kịch câm trong tương lai. Một sự tìm tòi đầy triết lý qua 8 tiết mục với những chủ đề khác nhau về cuộc sống hiện đại. Những câu chuyện kể đầy nội lực biểu hiện qua nghệ thuật biểu diễn của Hoàng Tùng đã để lại những dư âm đa chiều và báo hiệu cho sự bùng nổ của một tư chất nghệ sĩ đầy lãng mạn và tự tin.

Khi được trao đổi với anh chàng ở tuổi 30 này tôi mới hay, anh chính là học trò của thầy Phúc Zdĩ ngày nào. Tuy không được học trực tiếp nhưng Hoàng Tùng từ nhỏ đã hay đi xem kịch câm do Phúc Dzĩ và các nghệ sĩ đàn anh lớp trước biểu diễn. Nhưng anh kể người gieo cảm xúc bất ngờ với kịch câm cho mình lại là nghệ sĩ Thanh Chi, hồi còn sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Khi ấy lên mười, Hoàng Tùng sinh hoạt ở CLB Kịch nói do nghệ sĩ Thanh Chi cùng Lan Hương giảng dạy. Khi được thầy Thanh Chi giới thiệu về kịch câm và được xem thị phạm thì Hoàng Tùng vô cùng ngạc nhiên vì sao lại có một thứ sân khấu kỳ lạ đến vậy. Những động tác mô phỏng cực kỳ ấn tượng, hết sức bay bổng và chắp cánh cho những ước mơ bay cao. Những động tác diễn xuất đầy sức tưởng tượng và vô cùng bí ẩn. Điều đó được coi là những bài học đầu tiên về kịch câm cách đây 20 năm với Hoàng Tùng. Cũng từ đó, anh mang những ấp ủ và tình yêu với kịch câm cho đến nay. Ngay cả khi bước vào Trường đại học sân khấu - Điện ảnh, học diễn xuất kịch nói, nhưng Hoàng Tùng vẫn không nguôi nhớ đến kịch câm. Vậy nên khi tốt nghiệp năm 2005, Hoàng Tùng được về làm việc ngay tại Đoàn Kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Tuy bộ môn mới này có nhiều điểm tương đồng với ngôn ngữ hình thể trong biểu diễn nghệ thuật, nhưng trong tâm trí của Hoàng Tùng vẫn còn đau đáu về một hành trình đến với kịch câm mà anh yêu thích từ nhỏ. Cho dù thời điểm này kịch câm đã bị quên lãng. Mọi người không còn niềm tin vào sự phát triển của nó nữa. Nhưng không hiểu sao, Hoàng Tùng vẫn kiên trì chờ đợi và chuẩn bị thời cơ cho một cuộc chơi mới, trong sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật của mình.

Quyết đem kịch câm trở lại

Suốt một thời gian dài, Hoàng Tùng đi săn lùng các băng đĩa biểu diễn kịch câm của các nước. Cùng với đó là những chiêu thức biểu diễn một nghệ thuật mô phỏng kỳ tài của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Hoàng Tùng xem và học làm theo để cố tìm ra cho được những giải đáp vì sao họ thành công và những điều bí ẩn của nghệ thuật không lời là gì và muốn thành công thì bắt đầu từ đâu. Bao nhiêu trăn trở cùng bấy nhiêu thời gian mày mò khám phá. Thật tình cờ một nghệ sĩ kịch câm Nhật Bản đến biểu diễn tại nhà hát. Đó là anh Imuro Naoki, người nổi tiếng thế giới về kịch câm, thường đi biểu diễn ở nhiều nước. Và đúng là một dịp trời cho, Hoàng Tùng tranh thủ trao đổi và có nguyện vọng sau này có dịp được học tập trực tiếp người nghệ sĩ này, về bộ môn kịch câm. Nhưng rồi ước mong đó lại quay lưng khi Hoàng Tùng lại phải lao vào những công việc của nhà hát cùng với những chương trình biểu diễn của đoàn. Nhưng anh vẫn âm thầm tập luyện và tìm cho được con đường đi của mình. Lại những đêm suy tư và mơ mộng về một chân trời mới.

Và thật bất ngờ, năm 2014, Hoàng Tùng có dịp đi tu nghiệp tại Nhật Bản. Anh đã gặp lại được nghệ sĩ Limuro Naoki và xin đăng ký học trực tiếp người thầy này về kịch câm. Cho dù chỉ có 4 tháng tu nghiệp, nhưng Hoàng Tùng đã thêm một lần hiểu vì sao kịch câm trên thế giới lại phát triển và trở nên độc đáo như vậy. Anh đã hiểu ra những điều cần thiết để tìm ra con đường khám phá nghệ thuật không lời đầy bí ẩn này. Khi trở về nước, vào tháng 6/2014, Hoàng Tùng bắt tay vào xây dựng tiết mục đầu tiên trên con đường đưa “Kịch câm trở lại”. Hoàng Tùng dấn thân với một niềm tin sẽ làm cho mọi sự thay đổi con mắt nhìn của mọi người về kịch câm và có hy vọng ở nó. Chính vì lẽ đó mà anh thầm lặng làm và không nói cho ai biết. Bởi anh cho không dễ dàng gì thuyết phục mọi người, nhất là các đồng nghiệp, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng. Gần như tối nào Hoàng Tùng cũng ở lại phòng tập để dựng tiết mục cho hoàn chỉnh. Một mình làm. Một mình chọn nhạc. Một mình kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể. Luyện tập từng chi tiết, từng động tác cho nhuần nhuyễn.

Có thể nói, Hoàng Tùng là một khối cô đơn đậm đặc với bóng tối. Nhiều lúc ngỡ như bỏ cuộc vì không ít dư luận như dội gáo nước lạnh, rằng phí công toi. Bởi đâu nghệ thuật chỉ là một sở thích riêng tư, một mình. Mà nghệ thuật cần đến với người xem và phải làm cho họ thích thú. Nếu hấp dẫn họ đến, có ích lợi về tinh thần thì mới được họ khích lệ. Liệu kịch câm Hoàng Tùng có khán giả không. Bán được vé mới gọi là thành công. Quả là sự thách đố. Lúc này tìm được người bạn đồng hành không dễ. Họ nản. Họ không tin. Nhưng rồi Hoàng Tùng có người chia sẻ vơi bớt nỗi cô đơn chính là người vợ hiền và những đứa con nhỏ. Vợ anh cũng là một nghệ sĩ múa rối đã tin ở con đường đi của chồng và khích lệ anh hãy đi hết những ước mơ của mình. Khi ấy trong những đêm cô đơn, Hoàng Tùng lại mỉm cười với những nụ cười trẻ thơ và lại bắt đầu những động tác mô phỏng của cơ thể trước bóng gương bí ẩn. Những tiết mục tạo nên chương trình ra đời trong những đêm “một mình” như thế... ròng rã trong nửa năm trời. Đến một ngày cuối năm 2014, cuộc độc diễn được báo cáo, Hoàng Tùng là nghệ sĩ của một đêm như thế. Chưa từng có ai như thế và bắt đầu như vậy. Hoàng Tùng với hành trình “Kịch câm trở lại” của năm 2015.

Những tín hiệu đáng mừng

Sau đó là những đêm “Kịch câm trở lại” với khán giả Thủ đô, ở rạp Hồng Hà, ở sân khấu Cải lương Hà Nội. Rồi nghệ sĩ Hoàng Tùng đưa “Kịch câm trở lại” với khán giả TP. Hồ Chí Minh. Một cuộc độc diễn đầy nội lực và thu hút người xem với những kết quả không ngờ. Đặc biệt, tiết mục “Nhật ký của một người mẹ”, Hoàng Tùng đã lấy được nước mắt của người xem. Đây là trường hợp khá hy hữu, vì kịch câm lấy nụ cười và sự ngạc nhiên không khó bằng làm rơi nước mắt người xem. Đây là tiết mục anh dựng trên nền nhạc ca khúc “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hiền Thục hát và biểu diễn. Cuộc đời mẹ được diễn tả một câu chuyện với sự lớn lên của người con từ trong bụng mẹ, cho đến khi được sinh ra và trưởng thành. Đó là một tiết mục dài 8 phút 10 giây đã làm người xem rơi nước mắt của Hoàng Tùng...

Giờ đây, Hoàng Tùng đã cùng chương trình với 8 tiết mục kịch câm của mình tìm đất trụ diễn lâu dài và bắt đầu cuộc tìm đến khán giả của mình. Tuy bước đầu đã thành công ngoài mong đợi, nhưng để nuôi chương trình được lâu dài không dễ. Đứng trước sự tấn công ồ ạt của nhiều bộ môn nghệ thuật trong cơ chế thị trường, kịch câm trở lại quả là một sự thách thức. Và con đường tìm khán giả của nó không phải dễ dàng gì. Hoàng Tùng lại thêm bất ngờ khi tìm đến một sân khấu diễn cho mình rất lạ. Đó là sân khấu hộp đen. Một cấu trúc sân khấu nhỏ và được bọc đen. Với ánh sáng riêng cho kịch câm, mọi chi tiết biểu diễn phải gần gũi với người xem để cho họ nhận biết những điều mà nghệ sĩ gửi gắm. Khi ấy sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ sẽ trở nên mật thiết và ngôn ngữ của nghệ thuật cơ thể càng được tỏa sáng. Đó là một Hoàng Tùng đã tìm ra con đường nghệ thuật của riêng mình để cống hiến cho người xem.

Cảnh Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-hoang-tung-voi-san-khau-hop-den-16228.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY