Nhi Truyền nhiễm hôm nay

Bên cạnh chức năng chữa trị các bệnh lý nhi khoa do vi sinh vật gây ra như: vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, nấm,... ; công tác khám chữa bệnh của Khoa Nhi Truyền còn bao gồm các kỹ thuật xử trí suy hô hấp như hút dịch đường thở, đặt nội khí quản; khám chữa và chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS, và tư vấn cho gia đình có trẻ mắc bệnh trên; cũng như thực hiện tiêm chủng vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng do Bộ Y Tế chỉ đạo. Các căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em và dễ hình thành dịch bệnh như: viêm não Nhật Bản, thuỷ đậu, sởi, ho gà, quai bị, viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm màng não do virut, lao màng não, bạch hầu, uốn ván, nhiễm khuẩn huyết, viêm gan virut,...

Hơn 100 năm trước học sinh Việt đã học rửa tay, cách ly phòng dịch truyền nhiễm

(MangYTe) - Ít ai biết, từ hơn trăm năm trước, vấn đề phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã được giảng dạy từ cấp tiểu học.

Bệnh dịch Covid-19 đã bùng phát và lây lan với tốc độ nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Tính chất nguy hiểm của bệnh dịch càng cho thấy tầm quan trọng của công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống những bệnh truyền nhiễm.

Ít ai biết, từ hơn trăm năm trước, vấn đề phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã được giảng dạy từ cấp tiểu học.

Học khái niệm và các loại bệnh truyền nhiễm

Cuốn sách nhỏ: “Giữ thế nào cho khỏi ốm đau: Những điều nên làm, những điều nên bỏ: Những điều thiết yếu về phép vệ sinh cho các học sinh trường Pháp - Việt” xuất bản năm 1925 của bác sĩ Pháp De-vy đã phân tích cho học sinh về từng bệnh dịch truyền nhiễm phổ biến lúc bấy giờ, từ đó răn dạy về phép vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh.

Qua cuốn sách này, học sinh tiểu học đầu thế kỷ XX đã nắm rõ khái niệm về bệnh dịch truyền nhiễm: “bệnh dịch lệ truyền nhiễm là khi nào nhiều người đồng thời cùng mắc một bệnh, hoặc là hết người nọ mắc tiếp luôn đến người kia ở trong một làng một huyện, một tỉnh, hay một xứ. Mỗi bệnh truyền nhiễm phát ra là tại một thứ vi trùng riêng”.

Qua kho sách, báo chí còn lưu trữ lại được, có thể thấy một số bệnh truyền nhiễm phổ biến được ghi trong sách giáo khoa đầu thế kỷ XX có thể kể đến như: Bệnh đậu mùa, thổ tả, dịch hạch, ho lao,…

Mỗi dịch bệnh được liệt kê trong sách, tác giả đều chỉ rõ nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng, chống bệnh một cách tương đối dễ hiểu.

Ví dụ như về bệnh ho lao: “Bệnh ho lao là bệnh khó chữa và hay truyền nhiễm, mỗi năm ch*t biết mấy nghìn người!

Cớ làm sao mà sinh ra bệnh ấy? Là hoặc nghiện rượu, hoặc ăn chơi quá độ, hoặc lao lực quá, hoặc chỗ ở độc, hoặc ăn uống không đủ, hoặc ở chung, ăn chung với người bệnh lao” (Ấu học Quốc ngữ Tân thư – Trần Văn Thông, 1911).

Hay bệnh thổ tả: “Bệnh thổ tả là tại sinh vật nhỏ ở nước, và lây cũng tại nước.

Cho nên trong phép vệ sinh dặn rằng: đang khi có bệnh thổ tả, uống nước phải đun sôi trong hai mươi phút hay là nửa giờ…”(Ấu học Quốc ngữ Tân thư – Trần Văn Thông, 1911).

Ấu học quốc ngữ tân thư – Sách giáo khoa cho học sinh tiểu học đầu thế kỷ XX

Học cách phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Trong sách Ấu học Quốc ngữ Tân thư của Trần Văn Thông năm 1908, phần Cách tri – Vệ sinh, có mục: “Các phép phòng, giữ về bệnh truyền nhiễm”.

Trong đó, tác giả đã chỉ rõ cách phòng bệnh truyền nhiễm: “Ăn uống phải có chừng, đồ ăn nấu nướng phải cho kỹ, chớ ăn hoa quả sống, chớ uống nước lã”.

Nếu không may mà bệnh lây truyền ra, sách cũng chỉ một số cách trừ không cho lây ra nữa, như:

“Giường, chiếu, màn, đệm và các đồ người bệnh thường dùng là có vi trùng ở trong ấy.

Áo quần, chăn màn, phải đun nước cho sôi, bỏ vào mà nấu hai, ba giờ; đồ nào ít tiền thì nên đốt”;

“Người bệnh có mạnh rồi phải tắm gội cho sạch, người nuôi bệnh cũng vậy”; “trong nhà thì rửa bằng nước vôi, nền nhà đất phải cuốc lên, trộn vôi bột vào mà nện lại”.

Trong sách Ấu học Quốc ngữ Tân thư của Trần Văn Thông in năm 1911, tác giả đã bổ sung thêm nhiều phép phòng, ngừa bệnh truyền nhiễm.

Trong đó nhấn mạnh đến việc phải “cách ly” người bệnh: “Người nào mắc bệnh truyền nhiễm phải để ở riêng, hễ khi khỏi thì lấy nước ấm và xà phòng tắm cho thật sạch”.

Nếu “nhà nước cho người đi tẩy uế hộ” thì “phải hết lòng tuân theo, vì chính sự đó là cốt ích lợi chung cho cả mọi người”.

Hướng dẫn về cách chăm nuôi người bệnh trong nhà

Đối với những người trông nom bệnh nhân thì càng phải cẩn thận: “Người trông nom ấy, khi ăn phải ra nhà ngoài, trước khi ăn phải thay quần áo, lấy xà phòng rửa mặt, rửa tay thật sạch”.

Khi trông nom người ốm thì phải cho người ốm nôn, nhổ, đại tiện, tiểu tiện vào bình riêng, bỏ vôi sống vào mà đựng rồi đào lỗ mà chôn xa đi.

Sách cũng bày cho học sinh tiểu học phép nuôi người bệnh trong nhà, có đôi chỗ tương đồng với thời nay.

Sách dạy: “Buồng ở cho sạch sẽ, quần áo hay đổi thay”;

“Chốn người đau không nên nhiều người, bà con hoặc đến hỏi thăm, một lát mà ra, đi lại phải cho êm khẽ, để cho người bệnh được nghỉ yên.

Khi đã gần khỏi, càng phải kiêng khem, không thì bệnh hay giở lại, hoặc cảm thêm vào. Còn như chứng truyền nhiễm, rất nên cẩn thận, theo như trong phép vệ sinh”.

Một số biện pháp được tác giả cuốn sách: “Giữ thế nào cho khỏi ốm đau: Những điều nên làm, những điều nên bỏ: Những điều thiết yếu về phép vệ sinh cho các học sinh trường Pháp - Việt” khuyên học sinh nên làm theo để phòng ngừa các bệnh dịch nguy hiểm như sau:

“Năng rửa tay với xà phòng, nhất là khi ăn cơm và khi mó vào cái gì dơ bẩn, hoặc mụn chốc, hoặc người ốm; như thế vi trùng bám vào tay mà sinh bệnh, vậy rửa xà phòng mới sạch được.

Bát, đũa, cốc, chén của người khác, phải rửa nước sủi thật kỹ rồi hãy dùng: biết đâu người ta không mắc bệnh lây, như bệnh ho lao, bệnh giang mai,…

Nhà ở phải sạch sẽ thoáng khí có nắng chiếu vào được, vì nắng trị các vi trùng nhậy lắm; nhất là phòng ngủ nên sáng sủa, thoáng hơi mà để ít người ngủ chứ, cho có đủ không khí mà hô hấp.

Chăn giường phải sạch, màn chiếu năng giặt rịa, ngày ngày đem phơi nắng, nên giặt xà phòng luôn để đỡ bụi bậm, đêm nằm mình khỏi hít phải.

Khi có dịch lệ thì nên để cho người ra tiêm Thu*c để phòng cho mình. Tiêm cũng không đau đớn gì mà lại giữ được không lây bệnh”.

Cách phòng bệnh truyền nhiễm

Đặc biệt, tẩy uế là một công việc quan trọng mà các học sinh tiểu học được học để làm cho tiệt giống vi trùng sinh bệnh khỏi lan sang người khác mà truyền bệnh.

Ở thành phố thì học sinh có thể dùng chất hóa học, hoặc ở thôn quê thì dùng 3 thứ chính: Vôi, “ca din” và nước sủi.

Nước vôi thì dùng để quét nhà (dưới đất và tường, vách) người bị bệnh lây, người nào ch*t về bệnh lây thì vôi cứ bỏ sống (vôi bột) vào săng, vào huyệt chứ không hòa nước.

Nước “ca din” dùng để tẩy uế đồ gỗ như bàn vế, giường tủ, đồ vật, xe hoặc võng dùng chở người bệnh.

Còn nước sủi dùng để tẩy quần áo, chăn màn, bát đũa, mâm nồi của bệnh nhân.

Có thể nhận định rằng ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, bệnh dịch luôn là vấn đề được con người quan tâm, chú trọng.

Vậy nên, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm luôn là nhiệm vụ mang tính cấp thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc.

Bài, ảnh: Trần Đức Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục (https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-100-nam-truoc-hoc-sinh-viet-da-hoc-rua-tay-cach-ly-phong-dich-truyen-nhiem-post208392.gd)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY