Tâm linh hôm nay

HT.Thích Bích Lâm bậc danh tăng, thạc đức (1924-1972)

Hòa thượng Thích Bích Lâm, họ Trần thế danh Văn Vinh, húy thượng Chơn hạ Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Thích Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Đệ Nhị, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Được sinh ra trong một gia đình nhân hậu, nhiều đời kính tín Tam bảo và sẵn túc duyên nhiều đời, nên năm lên 8 tuổi (1932), ngài được Tăng cang Hòa thượng Thích Phước Huệ, Viện chủ chùa Sắc tứ Hải Đức (Nha Trang) cho quy y, pháp danh thượng Chơn hạ Phú.

Đến năm 1939, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thế độ, phú pháp tự là Chánh Hữu. Kể từ đó ngài cùng với các huynh đệ hầu cận bên Thầy Bổ sư và lân mẫn học hỏi với chư vị Tôn đức trong tỉnh nên chủng trí vô sư nhiều đời huân nhân đây mà tăng trưởng.

Năm 1945, với hạnh nguyên sâu dày, oai nghi đỉnh đạc, đáng làm pháp khí đại thừa, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Sắc tứ Tịnh Quang (Quảng Trị) do Tăng cang Hòa thượng Thích Phước Huệ tái thí Đường đầu, truyền trao giới pháp và được Hòa thượng Bổn sư phú pháp nhãn tạng đạo hiệu Bích Lâm.

Năm 1948, sau khi Tổ Khai sơn Tổ đình Nghĩa Phương viên tịch ngài được đề cử trụ trì tổ đình Nghĩa Phương vào tháng 7 năm 1948.

Tổ đình Nghĩa Phương, số 2 Lý Thánh Tôn, Nha Trang, Khánh Hòa

Năm 1952 (Nhâm Thìn) tại Đại Giới đàn Tổ đình Thiên Bửu, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa do Hòa thượng Thích Trí Thắng (Viện chủ chùa Thiên Hưng), tỉnh Ninh Thuận truyền giới Đường đầu Hòa thượng, ngài được tôn cử làm Tôn chứng sư.

Năm 1957 (Đinh Dậu) tại Đại Giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương (Nha Trang), do Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp (Viện chủ chùa Sắc tứ Minh Tịnh) Qui Nhơn, Bình Định Đường đầu truyền giới, ngài được tôn cử làm Giáo thọ A-xà-lê.

Năm 1960 (Canh Tý), Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo cổ truyền miền Trung tổ chức Đại giới đàn tại Tăng học viện Trung phần (chùa Phước Huệ, Nha Trang), Chư sơn Thiền đức và đại chúng suy tôn ngài làm Đường đầu Hòa thượng truyền giới.

Năm 1963 (Quý Mão) tại giới đàn chùa Sắc tứ Minh Tịnh (Qui Nhơn) do Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp tái thí Đường đầu truyền giới đã cung thỉnh ngài làm Tuyên luật sư.

Năm 1969 (Kỷ Dậu) tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phú (Phú Yên) ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư.

Năm 1970 (Canh Tuất), ngài được cung thỉnh tái thí Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Phước Duyên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Với đức tính hiền hòa, được các môn đồ đệ tử kính phục, chư sơn hiền đức mến thương nên giao cho ngài đảm nhiệm nhiều Phật sự như sau:

- Từ năm 1950 đến 1954: Ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già tỉnh Khánh Hòa.

- Từ năm 1955 đến 1959: Là Tăng giám Trung Việt Giáo hội Phật giáo Tịnh độ Tông Việt Nam.

- Từ năm 1960 đến 1968: Ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Trung phần kiêm Giám đốc Tăng học viện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền miền Trung.

- Từ năm 1969 đến 1971: ngài kiêm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Nội vụ Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Ngài đã thay mặt Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đi hoằng pháp, thăm viếng thân hữu, Phật giáo các nước: Thái Lan (tháng 5.1958) nhằm nghiên cứu và tạo duyên lành với Phật giáo Tiểu thừa. Hai lần hoằng pháp và thăm viếng thân hữu Phật giáo Nhật Bản (năm 1968, 1969), thăn viếng thân hữu Phật giáo Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc...vào tháng 11 năm 1969.

Đồng thời để có người thừa kế sự nghiệp đạo pháp nên ngài đã cử hai đệ tử là HT.Thích Trí Tâm, HT.Thích Trí Đức đi du học tại Nhật Bản từ năm 1965.

Ngài đã đại trùng tu ngôi Tam bảo Nghĩa Phương, từ ngôi chùa nhỏ bé thành ngôi Già lam bửu điện ngày nay. Ngài đã khai sơn trên hai mươi ngôi tự viện tại Khánh Hòa cùng các tỉnh miền Trung như:

1. Chùa Nghĩa Lương (Lương Sơn) Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
2. Chùa Nghĩa Lâm (Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định.
3. Chùa Nghĩa Phú (Phú Hòa) tỉnh Phú Yên.
4. Chùa Nghĩa Lâm (Đông Hòa) tỉnh Phú Yên.
5. Chùa Nghĩa Thành (Tây Hòa) tỉnh Phú Yên.
6. Chùa Nghĩa Minh (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
7. Chùa Nghĩa Hương (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
8. Chùa Nghĩa Quang (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
9. Chùa Nghĩa Hòa (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
10. Chùa Nghĩa Phước (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
11. Chùa Nghĩa Phong (Phú Hòa) tỉnh Phú Yên.
12. Chùa Ngọc Lâm (Ninh Hòa) tỉnh Khánh Hòa.
13. Chùa Phước Huệ (Nha Trang) tỉnh Khánh Hòa.
14. Chùa Nghĩa Bổn (Phú Bổn) tỉnh Gia Lai.
15. Chùa Thiên Long (Cam Ranh) tỉnh Khánh Hòa…

Ngoài ra ngài còn chứng minh Đại trùng tu trên 20 ngôi chùa thuộc Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền như: chùa Sắc tứ Minh Thiện, chùa Phước Duyên, chùa Oai Linh, chùa Tổ đình Minh Quang, chùa Minh Thành …

Đệ tử xuất gia có gần 100 vị, chỉ nói riêng hàng đệ tư lớn đã có gần 20 vị được ngài truyền trao phú pháp nhãn tạng, và hiện nay đã có những vị được tấn phong Hòa thượng như: cố Đại lão HT.Thích Huệ Quang, cố HT.Thích Trí Giác (Huệ Hải), cố HT.Thích Huệ Đăng (Trí Minh), cố TT.Thích Trí Hảo (Huệ Lạc), HT.Thích Trí Tâm (Huệ Minh), HT. Thích Trí Đức, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nguyện (Huệ Hạnh)...

Ngài đã an tường viên tịch ngày 24 tháng 11 năm Tân Hợi (10.01.1972), trụ thế 49 năm, 27 hạ lạp.

Những tưởng, duyên hóa độ còn lâu hơn nữa,
Nào ngờ đâu, sớm lạc cảnh quy Tây.
Trong vô thường, vẫn điềm nhiên tự tại,
Sinh tử dường gió thoảng mây bay.
Nguyện Giác linh ngài sớm hồi nhập Ta bà
Cùng pháp lữ xiển dương chánh pháp.

Trí Bửu

Trí Bửu

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/htthich-bich-lam-bac-danh-tang-thac-duc-1924-1972-d12393.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY