Tâm linh hôm nay

HT.Thích Nhất Hạnh - cha đẻ phong trào Bông hồng cài áo

Cứ đến dịp tháng Bảy Âm lịch hằng năm, dịp lễ Vu Lan báo hiếu, con cái tỏ lòng hiếu thuận đến cha mẹ. Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, có mẹ là bà Thanh Đề.

Bông hồng cài áo được lấy từ ý tưởng trong tuyệt tác của thầy Nhất Hạnh viết vào trước năm 75. Mùa Vu Lan năm ngoái, người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ tại Việt nam đã đi tới chùa để hiểu hơn về Vu Lan báo hiếu và văn hóa cài hoa hồng của người Việt. Để nhắc nhở, tưởng nhớ công ơn sinh thành mẹ cha. Đại sứ Ted Osius đã làm nên một tấm gương hiếu hạnh cho đời sống hiện đại, ít nhiều ông đã tạo nguồn cảm hứng cho giới trẻ Mỹ khi nghĩ về gia đình, về tứ ân và đạo lý "Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" của dân tộc.

Chuyện xưa kể rằng, sinh thời, mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư tăng nên khi ch*t bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được đức Phật chỉ cách phải cúng Chư tăng vào dịp Rằm tháng bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương Chư tăng chúng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục.


Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.


Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan


Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn. Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau.


Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Dịp lễ Vu Lan, mỗi người thường được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

Phong trào Bông hồng cài áo tưởng niệm về công ơn cha mẹ tự phát khởi, lan rộng. Năm 1962, khi đó nhà sư Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn “Bông hồng cài áo” trong một căn lều gỗ tại Camp Ockanickon ở Medford, thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Các đệ tử, sinh viên Sài Gòn đã chép tay 300 bản làm, gắn thêm bông hoa màu hồng cho người còn mẹ, hay màu trắng cho người mất mẹ, mất cha, làm quà tặng cho bạn bè của họ. Rằm tháng 7 năm ấy họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ bông hồng cài áo lần đầu tiên. Đoản văn Bông hồng cài áo đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần, dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ, sau đó Bông hồng cài áo được in nhiều lần nữa. Một số chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông hồng cài áo và trở thành nghi thức mỗi mùa Vu Lan.


Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông hồng cài áo, khổ nhỏ dài để có thể bỏ vào phong bì gửi tặng bạn bè ngày Vu Lan và cuốn sách nhỏ này đã tái bản nhiều lần. Đoản văn này đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông hồng cài áo từ bài văn của thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng lễ Vu Lan vào sâu trong đời sống dân tộc. Từ đó, bài ca “Bông hồng cài áo” luôn được hát lên mùa lễ Vu Lan, còn là một trong những ca khúc cảm động, mộc mạc, gần gũi, rất đỗi thân thương, chân thành về Mẹ.


Làng Mai (nguyên tên là Đạo tràng Mai thôn – do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập, là nơi tu hành và giảng dạy Phật giáo của Việt Nam), lễ Bông hồng cài áo tổ chức từ năm 1983, làm theo tinh thần Việt Nam. Lễ này vinh danh Mẹ Cha. Người đến dự lễ được cài 2 bông hoa hồng: 1 dành cho Mẹ và 1 dành cho Cha (bông dành cho Cha cao hơn một chút so hoa dành cho Mẹ). Mẹ Cha không còn thì được cài hoa trắng.

Ở Việt Nam, hoa hồng là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa. Vào lễ Vu Lan, hoa hồng đại diện cho lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cái với Mẹ Cha. Ban đầu bông hoa không nhất thiết là hoa hồng, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng được sử dụng phổ biến nhất, ý nghĩa ẩn trong màu sắc bông hoa hiếu kính:


- Cài hoa hồng đỏ lên ngực áo cho người vẫn còn mẹ – nhắc nhở người đó may mắn còn có mẹ bên cạnh. Hãy cố gắng để làm mẹ vui, kẻo một mai mẹ khuất núi có khóc than, hối hận cũng đã muộn.


- Cài hoa hồng trắng lên ngực áo là người đã mất mẹ. Màu hoa trắng xót thương nhắc nhở con đừng quên công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.


- Cài hoa hồng vàng – dành cho người tu hành nơi cửa Phật báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác. Những bông hồng vàng để thể hiện lòng biết ơn cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn.


Pháp Bảo (Tổng hợp)

Pháp Bảo

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/htthich-nhat-hanh--cha-de-phong-trao-bong-hong-cai-ao-d28217.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY