Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế - BS. Vũ Văn Cẩn (15/10/1915 - 15/10/2015) Bác sĩ Vũ Văn Cẩn với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân

BS. Vũ Văn Cẩn là người đã xây dựng ngành quân y Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh (TBBB)...
BS. Vũ Văn Cẩn là người đã xây dựng ngành quân y Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh (TBBB), chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc. Trong gần 25 năm ở cương vị người đứng đầu ngành quân y, BS. Vũ Văn Cẩn là người có công lao to lớn nhất, để lại một di sản rất hữu ích cho nền y học quân sự Việt Nam.

Người chỉ đạo công tác kết hợp quân - dân y

BS. Vũ Văn Cẩn là người khởi đầu cho công tác kết hợp quân - dân y, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân y vào việc cứu chữa TBBB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân trong cả thời bình và thời chiến.

Ngay trong những năm đầu của cuộc cách mạng Tháng 8/1945, trên cương vị Giám đốc Y tế Vệ quốc đoàn Trung ương, ông đã đặt vấn đề, việc cứu chữa TBBB do ngành y tế nhân dân đảm nhiệm (vì lúc đó, hệ thống y tế quân đội còn rất yếu). Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trên cương vị Cục trưởng Cục Quân y, ông đã đề xuất với cấp trên cần thành lập Sở Quân - Dân y Nam Bộ để chỉ đạo và tiến hành công tác bảo đảm quân y trên các chiến trường. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã đề xuất với Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh huy động một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế vào phục vụ chiến dịch. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc cứu chữa TBBB kịp thời, chất lượng và trả nhanh quân số về chiến đấu.

Đến năm 1960, được Đảng và Chính phủ bổ nhiệm kiêm chức Thứ trưởng Bộ Y tế, BS. Vũ Văn Cẩn đã cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quân y đưa công tác kết hợp quân - dân y lên một tầm cao mới. Đó là sự hợp tác, chi viện mang tính toàn diện cả về nhân lực và vật lực. Các cơ sở y tế của cả quân và dân y đều có trách nhiệm cứu chữa người bị thương, bị bệnh. Trong chiến tranh chống giặc Mỹ phá hoại ở miền Bắc, nhờ có chủ trương này mà toàn bộ việc bảo đảm cấp cứu hỏa tuyến cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời đều do y tế xã, phường đảm nhiệm. Ở miền Nam, mô hình tổ chức Ban Quân - dân y vẫn được thực hiện ở một số tỉnh, nhưng công tác kết hợp quân - dân y vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc trên các chiến trường. Sau này, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được thành lập, BS. Hồ Văn Huê (Phó Cục trưởng Cục Quân y, Trưởng phòng Quân y Miền) được bổ nhiệm chức vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế để tiện việc điều hành, chỉ đạo công tác kết hợp quân - dân y trên toàn miền Nam. Nhờ có chủ trương và sự chỉ đạo xuyên suốt đó, công tác kết hợp quân - dân y trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta là một yếu tố, một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu được trên tất cả các vùng miền của Tổ quốc, trong đó có công lao to lớn của BS. Vũ Văn Cẩn.

Sau khi nước nhà thống nhất, trên cương vị bộ trưởng bộ y tế, BS. Vũ Văn Cẩn đã dành nhiều thời gian chỉ đạo công tác kết hợp quân - dân y. Ông đã trực tiếp đến nhiều quân khu, quân đoàn và các đơn vị quân y để xem xét, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ. Đồng thời, ông còn chủ trì nhiều hội nghị hiệp đồng quân - dân y và chi viện lực lượng của ngành y tế cho quân đội. Chính vì vậy, công tác bảo đảm quân y trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977-1979), ở biên giới phía Bắc (1979-1980) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa TBBB kịp thời, sức khỏe bộ đội được giữ vững.

BS. Vũ Văn Cẩn là người có công lớn đưa kết hợp quân - dân y trở thành nét độc đáo, sáng tạo của quân đội ta, nhân dân ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày nay, kết hợp quân - dân y trên cơ sở kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã từng bước được thể chế hóa vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước và liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng, đem lại nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội thời kỳ mới.

Người đứng đầu ngành y tế tận tụy

Ở cương vị người đứng đầu ngành y tế từ năm 1971-1982, BS. Vũ Văn Cẩn đã chủ trì, đề xuất nhiều chủ trương và giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển nền y tế Việt Nam.

Năm 1971, BS. Vũ Văn Cẩn được Đảng và Chính phủ giao cương vị quyền bộ trưởng bộ y tế cho đến giữa năm 1975. Có thể nói đây là thời kỳ cả nước đang tập trung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo lời dạy của Bác Hồ vĩ đại “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Ông đã cùng lãnh đạo Bộ Y tế tập trung chỉ đạo toàn ngành góp sức vào sứ mệnh lịch sử này. Hệ thống y tế ở miền Bắc tiếp tục được củng cố vững chắc, bảo đảm tốt cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn ngành y tế hướng tới chiến trường miền Nam thông qua việc bổ sung nhân lực. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế lên đường, vào Nam chiến đấu. Các trường đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y sĩ được mở rộng quy mô đào tạo để có nhiều cán bộ, nhân viên y tế bổ sung cho chiến trường. Song song với nguồn lực con người, các xí nghiệp sản xuất Thu*c và trang bị đều phấn đấu làm việc với tinh thần “Tất cả cho miền Nam”. Hàng vạn tấn Thu*c và trang bị đã được chi viện cho chiến trường. Cũng trong những năm tháng này, ông đã trực tiếp chỉ đạo đón nhận, trao tù trả tù binh theo Hiệp định Pari (tháng 1/1973). Tất cả các đồng chí của ta đều được khám, chữa bệnh và chăm sóc chu đáo.

Từ năm 1974-1975, BS. Vũ Văn Cẩn đã chỉ đạo và lãnh đạo toàn ngành y tế triển khai tốt nhiệm vụ cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngay sau khi thống nhất Tổ quốc, ông đã bắt tay vào việc củng cố xây dựng hệ thống y tế miền Nam, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người cũng như đề xuất các chế độ chính sách về công tác y tế vùng mới giải phóng cho phù hợp với hệ thống y tế chung của cả nước. Đặc biệt, trong thời gian từ năm 1978-1979, trên cương vị bộ trưởng bộ y tế, trong lúc đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn do chính sách cấm vận, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nổ ra, ông đã trực tiếp thị sát các khu vực, chỉ đạo hệ thống y tế cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ cứu chữa TBBB, thông qua việc bổ sung nhân lực, vật lực cho ngành quân y, cử nhiều cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chiến đấu, tạo nên hệ thống y tế liên hoàn, có chiều sâu, đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống. Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã đề xuất những phương châm, những phong trào thi đua làm động lực cho sự phát triển toàn ngành. Ông đề xuất và trực tiếp chỉ đạo phong trào “Xây dựng và nhân điển hình tiêu biểu” từ năm 1971-1975, phong trào “5 dứt điểm” từ năm 1977-1980. Các phong trào trên thực sự đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đưa ngành y tế nước ta ngày một phát triển và vượt qua mọi thử thách, khó khăn, giành thắng lợi trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Cũng trong thời gian này, trên cương vị Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác chính trị với công tác chuyên môn, thông qua việc xây dựng “5 quan điểm y tế của Đảng” và “5 mục tiêu phấn đấu của ngành”. Đến nay, những nội dung này vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự đối với sự nghiệp phát triển nền y tế Việt Nam, theo các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. BS. Vũ Văn Cẩn đã có nhiều công lao to lớn cho sự phát triển và trưởng thành của ngành y tế Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, BS. Vũ Văn Cẩn đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn 30 năm. Thân thế và sự nghiệp của ông trong phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc là một tấm gương mẫu mực, xứng đáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quân y và dân y học tập, noi theo.

Biết ơn BS. Vũ Văn Cẩn, người anh cả của ngành quân y Quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quân y ngày nay đang tiếp tục rèn luyện, học tập, nỗ lực công tác, xây dựng ngành quân y theo phương châm “Mạnh về tổ chức và khả năng cơ động; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; vững về chính trị tư tưởng và y đức” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, TS. CHU TIẾN CƯỜNG, nguyên Cục trưởng Cục Quân y

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-co-bo-truong-bo-y-te-bs-vu-van-can-15101915-15102015-bac-si-vu-van-can-voi-su-nghiep-cham-soc-bao-ve-suc-khoe-bo-doi-va-nhan-dan-19004.html)

Tin cùng nội dung

  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Bộ phận nhạy cảm này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn thể chất khỏe mạnh, đời sống T*nh d*c như ý của các chị em.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
  • Chất độc hại bao gồm các hóa chất, sản phẩm gia dụng, Thu*c trừ sâu và các loại mỹ phẩm. Bảo vệ con bạn và đưa trẻ tránh xa các chất độc hại.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY