Kinh tế xã hội hôm nay

Kỷ niệm 20 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2)

(MangYTe) Lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2) và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã diễn ra tối 12/1 tại thành phố Hạ Long.
Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ gồm 3 chương: Về miền di sản, Sắc màu hội tụ và Di sản, kỳ quan bừng sáng. (Ảnh: Trần Trung)

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft; đại diện Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; các ban Quản lý, trung tâm quản lý Di sản thế giới tại Việt Nam; đại biểu các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan trung ương; Lãnh đạo các tỉnh/thành phố Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh.

Về phía Quảng Ninh, có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nịnh Nguyễn Xuân Ký; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng; Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đương chức và qua các thời kỳ; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh cùng đông đảo người dân Quảng Ninh và du khách thập phương.

20 năm, một chặng đường

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định, 20 năm không phải là một thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Bên cạnh những giá trị tự nhiên của di sản Vịnh Hạ Long được bảo tồn tuyệt đối, những điểm tham quan du lịch đã có diện mạo mới, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được hình thành, hấp dẫn và thu hút du khách, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định phải có một tầm nhìn mới, có một không gian phát triển rộng hơn, có tính chiến lược lâu dài. Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ long bằng sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá.

Theo đó, việc mở rộng địa giới thành phố Hạ Long đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.

"Với thành phố Hạ Long, sự sáp nhập và mở rộng này sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng. Xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thành phố Hạ Long sẽ được định hướng và xây dựng thành thành phố phát triển kinh tế đa ngành, phù hợp với định hướng phát triển đô thị, góp phần quan trọng trong lộ trình nhiệm vụ nhằm xây dựng Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030", ông Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.

Lễ trao Nghị quyết số 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trần Trung)

Nguồn lực phát triển mới

Trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra lễ trao Nghị quyết số 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới không chỉ của thành phố Hạ Long thủ phủ mà còn là nguồn lực phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới.

Phát biểu sau khi trao quyết định cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ tin tưởng rằng, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thành phố Hạ Long sẽ không còn bị giới hạn về địa giới hành chính. Điều đó sẽ giúp cho thành phố và tỉnh Quảng Ninh làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, đưa thành phố Hạ Long xứng tầm là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.

"Đến nay, sau 20 năm tính từ khi Vịnh Hạ Long được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất - địa mạo vào năm 2000… Vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh; là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật đã chuyển tải đến công chúng trong và ngoài tỉnh cũng như bạn bè quốc tế các giá trị đặc sắc, tiếp tục tạo động lực lan tỏa về một Quảng Ninh tươi mới với các bước phát triển đột phá trong tương lai. (Ảnh: Trần Trung)

Khẳng định ý nghĩa của Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long vui mừng và tự hào khi thành phố Hạ Long được đón nhận niềm vui mới. Việc mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy liên kết vùng, khai thác và gắn kết tiềm năng, thế mạnh của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới với Di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của thành phố Hạ long và của tỉnh Quảng Ninh.

"Từ nay, Quảng Ninh sẽ có một thành phố Hạ Long mới trực thuộc tỉnh, không những có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước mà còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên “có một, không hai” như: tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt gắn với thương hiệu nổi tiếng Vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc. Hạ Long đã mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới", ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu được đón xem chương trình nghệ thuật đặc sắc (gồm 3 chương: Về miền di sản, Sắc màu hội tụ và Di sản, kỳ quan bừng sáng) với sự tham gia của các ca sĩ là những người con của Quảng Ninh như Hoàng Tùng, Ngọc Anh, Tuấn Anh, Tân Nhàn, cùng hơn 550 diễn viên quần chúng gồm người dân thành phố Hạ Long mới và sinh viên Đại học Hạ Long.

Báo Thế giới và Việt Nam

Trần Trung

(từ Hạ Long)

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/ky-niem-20-nam-ngay-vinh-ha-long-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-thien-nhien-the-gioi-lan-thu-2-107661.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY