Tâm sự hôm nay

Làm thế nào để phát triển BHYT hộ gia đình tuyến xã?

BHXH Việt Nam và Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình ở cấp xã và sửa đổi một số nội dung của Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình ở cấp xã và sửa đổi một số nội dung của Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, các Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh và Nguyễn Minh Thảo cùng các vụ/cục, đơn vị liên quan tham gia cuộc họp.

hộ gia đình

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2015, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đã tăng 227 nghìn thẻ, tương đương 3%. Như vậy, có thể nói việc quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình là đúng hướng và quy định này của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã từng bước được người dân đồng thuận và ủng hộ.

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian đầu, việc triển khai BHYT hộ gia đình vẫn gặp không ít khó khăn, đó là do thông tin đến với người dân chưa được đầy đủ, một số địa phương lúng túng trong triển khai quy định mới nên việc tham gia BHYT tự nguyện phức tạp, nhiều thủ tục hơn vì phải chứng minh sự tham gia BHYT của các thành viên trong gia đình. Tại các địa phương, mặc dù theo quy định, cấp xã có trách nhiệm phải lập danh sách người tham gia BHYT trên địa bàn, nhưng trên thực tế vẫn khó thực hiện, do hầu hết cán bộ BHXH cấp xã kiêm nhiệm nhiều công việc, lại chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể về BHYT hộ gia đình nên khó khăn khi giải thích, tư vấn cho người dân.

Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn, đồng thời quyết định lùi thời gian thực hiện quy định về BHYT theo hộ gia đình đến ngày 1/1/2016. Theo đó, những người đã tham gia BHYT từ trước 1/1/2015 và có nhu cầu tham gia tiếp vẫn có thể tham gia theo hình thức cá nhân. Với trường hợp các hộ gia đình đã tham gia, có người tham gia tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia thì khi mua BHYT bắt buộc phải thực hiện theo hộ gia đình.

Bên cạnh Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã có thêm các văn bản “gỡ rối” về thủ tục hành chính cho người tham gia BHYT hộ gia đình là người dân khi tham gia BHYT theo hộ gia đình không phải photo thẻ của những thành viên trong gia đình đã tham gia BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã.

Tại cuộc họp bàn về vấn đề phát triển BHYT hộ gia đình ở cấp xã, đại diện cấp xã, phường đều cho rằng nội dung mẫu DK01 (Danh sách kê khai hộ gia đình tham gia BHYT) tiêu chí đơn giản, dễ thực hiện, không phức tạp. Theo đại diện phường Phúc Thắng (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thì trình độ dân trí của dân không đồng đều, nếu để hộ gia đình kê khai là rất khó khăn và mất thời gian; ở thôn hoặc tổ dân phố thành lập 1 tổ từ 3-5 người để đi thực hiện kê khai, lập danh sách tại từng gia đình. Sau đó, giao cho cán bộ văn hóa - lao động - thương binh xã hội tổng hợp, phân loại rồi mới chuyển sang cơ quan BHXH. Đồng thời, đại diện cấp xã, phường cũng kiến nghị, sớm ban hành quy trình lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình để UBND xã bố trí thời gian, cán bộ, cơ sở vật chất triển khai thực hiện, tránh trùng lắp với các nội dung khác thuộc trách nhiệm của UBND xã đang triển khai; hướng dẫn chi tiết việc sử dụng kinh phí lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình; hướng dẫn sử dụng phần mềm cho UBND xã, đáp ứng yêu cầu lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đều thống nhất, cần chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền phải được tiến hành sớm, sâu, rộng trong nhân dân toàn quốc, nói rõ quyền lợi, cách thức tham gia, tính cộng đồng, chia sẻ của chính sách BHYT để người dân hiểu, đồng tình trong việc tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thống nhất với các mẫu biểu do BHXH Việt Nam đề xuất (7 biểu mẫu) và quy trình do đại điện cấp xã phường đề xuất. Cấp xã, phường thành lập Ban Chỉ đạo, giao cán bộ văn hóa - lao động - thương binh xã hội là đầu mối tập hợp danh sách, phân loại và chuyển cho cơ quan BHXH. Việc kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT sẽ do Trưởng thôn thực hiện, đồng thời thực hiện công tác thu tiền (khi người dân tham gia BHYT) và trả thẻ một tháng 2 lần.

Tại cuộc họp, những vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện Thông tư 41 của Liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT cũng đã được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tập trung thảo luận, tìm cách tháo gỡ. Một số nội dung cần sửa đổi bao gồm: Nội dung về quyền lợi của nhóm đối tượng Người có công theo điểm d, khoản 3, Điều 1; Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh sinh viên; Về quy định trần tối đa 20% đối với tổng kinh phí khám chữa bệnh tại trạm y tế xã; Về tổng mức thanh toán đối với trường hợp chuyển đến khám chữa bệnh; Về thanh toán trực tiếp; Về điều kiện nhân lực của phòng y tế trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Về sử dụng quỹ để chi trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học...

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lam-the-nao-de-phat-trien-bhyt-ho-gia-dinh-tuyen-xa-14852.html)

Tin cùng nội dung