Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Làng nghề trong kí ức Tết xưa

(MangYTe) - Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại nhắc đến không khí Tết của những ngày xưa cũ. Đó là kỉ niệm về không khí xuân rộn ràng sắc pháo, là những luống hoa vạn thọ vàng ươm đất Hà thành hay manh áo lụa nhiều sắc màu tung bay gữa phố. Theo thời gian, một số làng nghề cung ứng sản phẩm cho Tết xưa giờ chỉ còn trong kí ức. Một số làng nghề vẫn hiển hiện nhưng do đô thị hóa mà không còn nhiều người gắn bó, đang có dấu hiệu mai một.

Làng pháo Bình Đà

Đặc trưng nhất của Tết xưa là tiếng pháo đì đùng mỗi khi thời khắc giao thừa điểm. Đó là những bánh pháo tép, pháo cối nổ vang trời báo hiệu mùa xuân mới mang theo sung túc và bình an đến mọi nhà. Người xưa còn quan niệm, tiếng pháo sẽ xua đi những xui rủi năm cũ và mở ra một năm mới hanh thông, tốt đẹp hơn.

Với những người dân Bắc Bộ xưa, không ai là không biết đến làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Đây là làng nghề có truyền thống làm pháo lâu đời. Theo những người già trong làng, nghề làm pháo có từ thời Pháp thuộc. Thế nhưng, kể từ Tết Ất Hợi năm 1995 là cái Tết không bao giờ quên đối với người dân làng Bình Đà. Đó là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, có hiệu lực từ ngày 1/1/1995.

Từ sau Tết Ất Hợi, người dân làng Bình Đà đã chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, câu chuyện về ngôi làng với nghề cổ truyền làm pháo vẫn được nhắc lại những khi Tết đến xuân về.

Tết xưa không thể thiếu tiếng pháo đì đùng. Theo quan niệm dân gian, tiếng pháo sẽ xua đi những xui rủi và mang lại nhiều tài lộc cho năm mới.

Cũng theo người già trong làng, cứ gần Tết Nguyên đán xưa, làng Bình Đà tấp nập kẻ ra người vào, đến nỗi người ta còn có câu "Nhất pháo Bình Đà, Nhất gà Đông Tảo" để nói lên sự trứ danh của làng pháo Bình Đà.

Trước năm 1960, mô hình hợp tác xã còn hoạt động, pháo được đưa vào hợp tác xã nên nhà nhà người người đi làm pháo. Khi mô hình hợp tác xã giải tán, pháo được mang về từng nhà. Nghề pháo đối với làng Bình Đà có thời điểm đã ăn vào máu thịt và trở thành linh khí của làng, khi mà tuyệt đối không được truyền nghề ra bên ngoài. Theo đó, các cụ không cho phép truyền nghề làm pháo cho người ngoài làng, kể cả là rể làng.

Ngày nay, thay vì pháo cối, pháo tép đì đùng do nguy hiểm thì người dân cũng có thể đón Tết bằng pháo sáng, pháo hoa do nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng cung cấp để đón một mùa xuân mới an lành. Và câu chuyện về làng pháo xưa vẫn luôn hiển hiện trong kí ức của những người lớn tuổi làng Bình Đà.

Làng hoa Ngọc Hà

Ngọc Hà là vùng trồng hoa nức tiếng khi xưa của Kinh thành Hà Nội nay thuộc quận Ba Đình. Từ lâu đời, thương hiêu hoa Ngọc Hà đã nổi tiếng khắp cả nước không chỉ vì hương sắc các loài hoa, mà còn từ vẻ đẹp thanh thuần, nét duyên dáng, sự khéo tay của các cô gái bên gánh hoa rong.

Được biết, làng hoa Ngọc Hà có từ cuối triều Lý, từng tọa lạc ngay trên vườn thượng uyển, phía Bắc thành Thăng Long. Mỗi dịp Tết, dân cư Kinh đô lại đưa nhau đến đây ngắm, mua hoa hay trao câu hẹn ước đôi lứa. Thời kỳ đất nước đổi mới đi lên, hợp tác xã bị giải thể, ruộng đất được cải cách, dân làng Ngọc Hà hoặc bán đất vườn lấy kế sinh nhai, hoặc áp dụng phương pháp ươm hoa theo hướng công nghiệp hóa.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại nhớ đến sắc hoa đẹp quyến rũ của người dân Ngọc Hà.

Theo thời gian, làng hoa bị mai một và giờ chỉ còn trong kí ức của những người dân nơi đây. Theo những người làng Ngọc Hà xưa, để hoa Ngọc Hà nổi tiếng và sắc hương làm ngất ngây lòng người mỗi dịp Tết đến xuân về, người trồng hoa làng Ngọc Hà phải có bí quyết riêng. Họ đã áp dụng kỹ thuật ươm hoa bằng bầu làm từ xơ dừa xuất phát chính từ làng Ngọc Hà thay cho bầu đất truyền thống. Cách làm này đòi hỏi người trồng hoa phải thường xuyên theo dõi. Bởi nếu sai lệch nửa ngày, cây hoa sẽ phát triển khác hoặc thậm chí chỉ có lá.

Hiện nay ở Hà Nội có nhiều làng hoa nổi tiếng như Nhật Tân, Tây Tựu… nhưng sắc hoa Ngọc Hà một thời vẫn in dấu trong tâm trí của những người sành chơi hoa mỗi độ mùa xuân tới.

Làng luạ Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc xưa kia có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Ngày nay, Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Năm 1931 lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và được ưu chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng nhau, đường nét không rườm rà, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.

Nhắc đến lụa Hà Đông chắc hẳn ai cũng nhớ đến những cánh đồng lụa mênh mông bên bờ sông Nhuệ với đủ đầy gam màu tươi mới dịp Tết cận kề

Tuy nhiên ngày nay, những tiếng lạch cạch dệt lụa tại Vạn Phúc không còn nhiều. Thế nên, nhiều người hoài niệm nhớ nhung về những cánh đồng dâu tằm bên bờ sông Nhuệ, về gam màu sặc sỡ trên những cánh đồng lụa mà người dân Vạn Phúc phơi ngày cận Tết. Giờ đây đô thị hóa đã phần nào làm ảnh hưởng đến không gian dệt lụa truyền thống. Để mua được một mảnh vải lụa chuẩn xịn do chính tay người nghệ nhân Vạn Phúc làm ra giờ hiếm và giá thành đắt đỏ.

Làng lụa Vạn Phúc ngày nay đa phần sản phẩm bày bán được nhập về từ nơi khác và không gian làng nghề chủ yếu phục vụ du lịch. Nhiều người nuối tiếc vì những tà áo lụa Hà Đông đã và đang mai một theo thời gian. Những câu chuyện về làng lụa xinh đẹp chỉ còn được kể qua lờ kể của các nghệ nhân.

Nam Dương

Mạng Y Tế
Nguồn: VietQ (https://vietq.vn/nhung-lang-nghe-trong-ki-uc-tet-xua-d207484.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY