Bạn nên biết hôm nay

Lysozym: Vì sao bị thu hồi?

Vừa qua, Cục Quản lý Dược có thông báo thu hồi tất cả 38 biệt dược chứa hoạt chất này. đây là quyết định hợp lý, kịp thời.
Lysozym là enzym, có cấu trúc mucopolysaccarid gồm 129 axít amin liên kết với nhau bằng các cầu nối disulfid. Lysozym có trong nước bọt, nước mắt, sữa mẹ, chất nhầy tử cung, tế bào chất, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính. Lysozym có trong lòng trắng trứng với tỉ lệ 5% và lòng trắng trứng là nguồn cung cấp lysozym chính cho công nghiệp.

Đánh giá hiệu quả chữa bệnh của lysozym?

Lysozym cho có 4 tính năng:

Kháng khuẩn:

Lysozym biến đổi các polysaccarid không hòa tan của thành tế bào vi khuẩn gram ( ) thành các mucopeptid hòa tan, từ đó phá vỡ thành tế bào, tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, lysozym còn có tác dụng trên một số vi khuẩn gram (-). Lysozym mang điện tích dương, tạo phức hợp với các virút mang điện tích âm nên khống chế được virút. Theo đó, lysozym được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp các bệnh trong khoang miệng (nhẹ, không nghiêm trọng); dùng điều trị nhiễm virút Herpes zoster và một số virút khác; dưới dạng phối hợp với các kháng sinh khác.

Một tóm tắt nghiên cứu của Mỹ về hiệu quả kháng khuẩn của lysozym cho biết: trong 83 trẻ bị viêm bể thận, nhóm dùng kháng sinh có phối hợp với lysozym có tỉ lệ thuyên giảm bệnh là 81%, trong khi nhóm dùng kháng sinh không phối hợp với lysozym tỉ lệ thuyên giảm bệnh 56,4%. Nghiên cứu này có đối chứng nhưng cỡ mẫu quá nhỏ (n=83), không đưa ra cách lựa chọn lựa người bệnh, tiêu chuẩn đánh giá, cũng không thấy đưa ra cách lý giải kết quả.

Tại Pháp, có 5 biệt dược phối hợp lysozym với các kháng sinh khác, dưới dạng viên ngậm, dùng trong đau họng nhẹ không không kèm sốt, nhiễm khuẩn miệng, hầu họng tại chỗ, loét miệng, đau miệng, sung huyết tại hầu họng. Trong đó, có 2 biệt dược (Lyso paine sans sucre và Hexalyse) được cơ quan giám định chất lượng y tế Pháp (LaHaute Autorité de santé- HAS) đánh giá. Kết quả cho thấy 2, biệt dược này còn thiếu những dữ liệu lâm sàng cụ thể chứng minh hiệu quả, đồng thời lợi ích của Thu*c không vượt trội so với nguy cơ; do đó đi đến kết luận không đủ cơ sở để có thể đưa 2 biệt dược này vào danh sách các Thu*c được bảo hiểm xã hội hỗ trợ chi trả.

Đáp ứng miễn dịch, chống viêm, dị ứng:

Lysozym có tác dụng củng cố hệ thống miễn dịch ở thể dịch và ở các tế bào tại chỗ; làm bất hoạt các yếu tố gây viêm trong các tổ chức bằng cách trung hòa các axít sinh ra trong quá trình viêm, làm giảm sự mất hạt của tế bào mast, làm giảm sự phóng thích histamin.

Một tóm tắt nghiên cứu của Mỹ đánh giá hiệu quả của lysozym lên đáp ứng miễn dịch trên các nhóm trẻ đủ tháng (15 em) và trẻ thiếu tháng (18 em) dùng sữa có chứa lysozym, đối chứng với nhóm trẻ đủ tháng (13 em) và thiếu tháng (13 em) dùng sữa ngoài không có lysozym và trẻ (20 em) dùng sữa mẹ. Kết quả cho thấy không sự khác biệt về lượng glubolin miễn dịch đặc hiệu (IgA) giữa nhóm thử và nhóm chứng. Nghiên cứu này có đối chứng, song cỡ mẫu nhỏ (n=79) không đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa người bệnh, tiêu chuẩn đánh giá, nên kết quả chưa nói lên điều gì, chỉ sơ bộ cho biết hầu như lysozym không có tác động gì đến đáp ứng miễn dịch.

Một tóm tắt nghiên cứu của Mỹ cho biết: dùng dung dịch lyzozym trong nước muối (1mg/1ml), tại chỗ, cho 20 người bệnh bị loét cơ đùi mạn tính, thấy có 15/20 ngưới bệnh đáp ứng tốt (vết loét nhanh chóng hết mủ, mô hạt phát triển, phản ứng viêm quanh vết loét giảm, không còn cảm giác đau). Nghiên cứu này thuộc dạng mở, không đối chứng, có cỡ mẫu quá nhỏ ( n=20), không đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa người bệnh, tiêu chuẩn đánh giá nên khó có thể đưa ra kết luận về khả năng thúc đẩy lành vết thương của lysozym.

Trong thực tế trên thị trường nhiều biệt dược lysozym dùng trong các trường hợp khó tiết đàm, chống dị ứng, chống viêm, phù nề, làm lành vết thương… nhưng cũng không có biệt dược nào tổng kết hậu mại về hiệu quả lâm sàng.

Điều hòa các quá trình phụ thuộc màng tế bào:

Lysozym có thể gắn vào các thành polysaccarid, glycoprotein và glycolipid của màng tế bào do đó có nhiều giả thuyết cho rằng nó có khả năng điều hòa các quá trình phụ thuộc màng tế bào (membrane-dependent cellular processes), bảo vệ cơ thể chống lại những bất thường về màng liên quan đến quá trình biến nạp ác tính. Điều này chưa thấy ứng dụng trong lâm sàng.

Dược động học:

Trước đây, có nhiều nghi ngại về khả năng mất một phần hoặc toàn bộ hoạt tính của Thu*c do môi trường axít tại dạ dày hoặc các enzym đường tiêu hóa khi dùng lysozym uống. Tuy nhiên, thông tin từ tài liệu “Lysozym: model enzymes in biochemistry and biology” do tác giả Jollès làm chủ biên cho biết: nồng độ lysozym trong huyết tương tăng lên đáng kể sau khi uống. Dùng lysozym đường uống có độ an toàn cao hơn đường tiêm (giảm nguy cơ gây các phản ứng dị ứng). Lysozym có thể đạt được nhiều tác dụng toàn thân của khi dùng đường uống. Tuy nhiên, tác giả đã không dẫn chứng tài liệu nghiên cứu để chứng minh các tính năng dược động học nói trên. Mặc dù vậy, hầu hết các biệt dược chứa lysozym hiện có trên thị trường đều là dạng uống.

Như vậy: dù lysozym được biết đến từ thập niên 50 của thế kỷ trước nhưng ít có các nghiên cứu đánh giá hiệu quả lâm sàng và vì nhiều lý do (đã nêu trên), trong số ít nghiên cứu này, chưa có nghiên cứu nào đưa ra được kết luận thuyết phục về các hiệu năng chữa bệnh của nó. Dù lysozym được các hãng dược phẩm chế ra nhiều biệt dược nhưng cũng chưa có biệt dược nào được theo dõi hậu mại một cách hệ thống nên cũng không có dữ liệu để để đánh giá hiệu quả thực sự của các sản phẩm này.

Đánh giá tính an toàn của lysozym?

Trong lòng trắng trứng có albumin, ovalbumin, lysozym. Do bản chất protein, các chất này đều gây dị ứng.

Theo một số tài liệu trước đây, albumin, ovalbumin gây dị ứng mạnh, còn lysozym chỉ ở mức trung bình. Đã có nghiên cứu cho thấy dùng lysozym kéo dài với liều 1,5g/ngày, thậm chí với liều cao hơn theo đường uống hoặc đường tiêm không gây ra bất kỳ biến cố bất lợi nào. Do vậy, không những lysozym được dùng làm Thu*c mà còn được Hội đồng chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp cùng Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp quốc cho phép dùng làm chất phụ gia thực phẩm không gây độc hại (1992) và không quy định bắt buộc ghi thành phần lysozym trên nhãn sản phẩm.

Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu khác, lysozym là tác nhân gây dị ứng đáng kể. Trong đối tượng bị dị ứng với lòng trắng trứng có tới 35 - 66% có kháng thể đặc hiệu kháng lysozym trong máu. Tần suất các phản ứng dị ứng trên da liên quan đến dùng lysozym khá cao, khoảng 61%. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận có một số Thu*c thực phẩm chứa lysozym còn có thể gây ra những phản ứng dị ứng nặng de dọa tính mạng như: hen, khó thở, phù mi mắt, mày đay, hội chứng Lyell, hội chứng Stevens -Johnson, sốc phản vệ.

WHO trong các năm từ 2000 - 2012 ghi nhận có 118 báo cáo phản ứng có hại liên quan đến lysozym.Trong đó, có 68 báo cáo dị ứng ngoài da (chiếm 58%), 1 báo cáo hồng ban đa dạng, 1 báo cáo về hội chứng Stevens Johnson, 1 báo cáo về hội chứng Lyell. Các phản ứng bất lợi nghiêm trọng khác cũng được ghi nhận bao gồm 6 báo cáo phản ứng phản vệ và sốc phản vệ, 1 báo cáo Tu vong.

Tại nước ta, Trung tâm tập hợp các phẩn ứng không mong muốn của Thu*c (ADR) trong hai năm 2010 - 2011 cũng ghi nhận có 1 báo cáo phản ứng phù mặt, ngứa, đỏ da toàn thân liên quan đến việc dùng lysozym.

Xử lý lysozym trên thế giới và nước ta

Có không ít nước có dùng lysozym trong đó có nước ta song cũng có một số nước không dùng như: một số nước trong châu Âu, Mỹ, Canada, New Zealand, Hà Lan.

Ngay tại Pháp, mặc dù có cấp phép dùng cho một số biệt dược chứa lysozym nhưng cơ quan giám định chất lượng y tế Pháp cho thấy chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng chứng minh hiệu quả và độ an toàn cũng như lợi ích thực sự của các chế phẩm này đối với cộng đồng.

Tại nước ta, ngay từ năm 2013, trong công văn 20806 QLD-TT (10/12/ 2013), Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế: thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn các thông tin liên quan đến tính an toàn, phản ứng có hại… đối với Thu*c chứa Lysozym…; hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh…; tăng cường theo dõi, phát hiện, xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các Thu*c (nếu có)…; gửi báo cáo phản ứng có hại của Thu*c về Trung tâm quốc gia Theo dõi phản ứng có hại của Thu*c… Tiếp đó, cục cũng có công văn yêu cầu công ty đăng ký bổ sung hồ sơ lâm sàng trong các hồ sơ đăng ký lại và đăng ký mới đối với các Thu*c có chứa lysosym.

Mới đây nhất, Cơ quan Quản lý dược Pháp cho biết: lysozym có lợi ích trong điều trị không cao hơn so với nguy cơ do Thu*c gây ra. Căn cứ vào thông tin này, Cục Quản lý dược Việt nam đã có thông báo số 1209/QLD-CL (ngày 23/1/2015) thu hồi trên phạm vi toàn quốc các Thu*c chứa hoạt chất lysozym (bao gồm 18 Thu*c ngoại và 38 Thu*c nội).

Trong thực phẩm có các sản phẩm chứa hoạt chất lysozym hoặc bảo quản bằng lysosym, trong đó có cả sữa bổ sung lysozym…; chưa thấy các cơ quan quản lý thực phẩm Pháp cũng như nước ta có ý kiến về các loại sản phẩm này.

Chú thích ảnh:

Lòng trắng trứng là nguồn cung cấp lysozym chính cho công nghiệp

Lysozym dùng điều trị nhiễm virút Herpes zoster và một số virút khác

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lysozym-vi-sao-bi-thu-hoi-8765.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY