Tâm sự hôm nay

Mặt trái huy chương vàng

Sự kiện nổi bật nhất của thể thao nước ta sau thất bại ở AFF Cup hẳn là việc Ánh Viên giành 18 huy chương vàng (HCV) tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.
Với đơn vị chủ quản, Ánh Viên có lẽ giống như ông vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, chạm tay vào cái gì thì cái đó biến thành vàng.

Nhưng với nhiều người, cảm giác chung là ngao ngán khi thấy cô, một cách tự nguyện hoặc dưới áp lực, quần thảo trên toàn bộ 20 nội dung thi đấu của đường đua xanh.

Đó sẽ là tin vui, nếu Viên không phải là “gà nòi” của thể thao Việt Nam, được đào tạo bài bản ở Mỹ với kinh phí 200.000 USD mỗi năm. Người ta kỳ vọng cô đem về vinh quang tầm cỡ châu lục và thế giới, chứ không phải chiến thắng ở những cuộc đua nội địa không có tính cạnh tranh cao.

Hơn nữa, ai cũng hiểu là nhiều trong số 20 đường bơi đó, có những nội dung Ánh Viên sẽ không bao giờ tham gia trên đấu trường quốc tế. Tại Á Vận hội vừa qua, cô thi đấu ở ba nội dung và đoạt hai huy chương đồng. Kình ngư số một mọi thời đại, Michael Phelps, cũng chỉ tham gia tám nội dung thi đấu tại Olympic Bắc Kinh 2008, và anh lập kỷ lục giành cả tám huy chương vàng.

So sánh vậy để thấy việc thi đấu toàn bộ nội dung bơi lội tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc không có nhiều ý nghĩa chuyên môn cho cá nhân Ánh Viên.

Tất nhiên, đoàn chủ quản có quyền dùng vận động viên thuộc biên chế theo cách họ muốn. Và có thể việc tham gia các giải đấu trong nước của những ngôi sao như Ánh Viên hay Tiến Minh là cần thiết cho quá trình tập luyện, cũng như tạo điều kiện học hỏi cho các vận động viên khác. Nhưng để họ dàn sức thi đấu ở cả những nội dung không phải sở trường, thì chỉ có một nguyên do duy nhất: bệnh thành tích.

Hiện tượng Ánh Viên làm tôi liên tưởng đến một học sinh giỏi toàn diện ở một trường học bậc trung. Cô bé được đưa lên tỉnh ôn thi quốc gia, nhưng đến hẹn lại lên vẫn phải về nhà để thi giải trường. Cô giáo chủ nhiệm muốn em thi toàn bộ các môn học, từ giáo dục công dân cho đến vật lý, bởi lý do “không ai khác giỏi hơn em ở các môn này”. Kết quả, em gom toàn bộ giải nhất và quay về tỉnh tiếp tục ôn thi, để lại trường một cuộc thi nhàm chán.

Điều này theo tôi, không có lợi cho bất kỳ ai. Cô bé mất tập trung vào thế mạnh của mình, trình độ của lớp không khá lên chỉ vì một cá nhân xuất sắc, và ngôi trường thì mất đi động lực đầu tư vào các học sinh khác.

Tôi không đánh giá thấp vai trò của Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc. Nhưng tôi cho rằng việc tận thu huy chương bằng mọi giá khiến sự kiện này mất đi ý nghĩa quan trọng nhất - tìm kiếm những tài năng mới cho đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Tiến Minh chia sẻ rằng nhiều vận động viên trẻ đã bỏ cuộc, không thi đấu với anh để tập trung vào các nội dung khác dễ lấy huy chương hơn. Điều này gián tiếp giúp anh 11 lần liên tiếp vô địch quốc gia mà không mấy khó khăn.

Tôi nghĩ trong câu chuyện của Tiến Minh và Ánh Viên rất khó để đổ lỗi cho cụ thể một ai. Thực tế con người thường phải sống theo những gì môi trường áp đặt - cuộc đua huy chương chỉ diễn ra khi hệ thống tưởng thưởng cho việc đạt thành tích bằng bất kỳ giá nào.

Vậy nên nếu cơ chế tiếp tục vận hành như hiện tại, thì Ánh Viên vẫn phải đoạt những danh hiệu vô nghĩa, các đoàn vẫn phải tìm mọi cách để có thành tích cao, và chúng ta thì vẫn phải ngồi đếm huy chương vàng cho nhau thay vì có chỗ đứng trên bản đồ thể thao quốc tế.

Có những thứ nhiều quá lại trở nên có hại. Ông vua Midas đã biến con gái mình thành tượng vàng và suýt ch*t đói, vì tất cả những thứ ông chạm tay vào đều hóa thành vàng. Thành tích, nếu xuất phát bởi những mục tiêu ngoài ý nghĩa thể thao thuần khiết, sẽ trở thành những thứ tưởng là tuyệt vời nhưng thực ra lại là một căn bệnh ch*t người như thế.

Theo VnExpress

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mat-trai-huy-chuong-vang-5904.html)
Từ khóa: huy chương vàng

Chủ đề liên quan:

huy chương huy chương vàng

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY