Tập luyện hôm nay

Tập luyện

“Nằm lòng” tác dụng của đi bộ buổi sáng để sống vui, sống khỏe mỗi ngày

Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản như đi bộ, hiểu rõ tác dụng của đi bộ buổi sáng để sống vui vẻ, khỏe mạnh, tận hưởng cuộc sống mỗi ngày.

Không tốn nhiều sức lực và kỹ thuật như tập gym, tập yoga nhưng tác dụng của đi bộ buổi sáng cũng đem lại nhiều “lợi ích vàng” không ngờ cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia, chỉ cần đi bộ mỗi ngày từ 30 đến 60 phút thì cơ thể sẽ dẻo dai, phòng tránh nhiều căn bệnh mãn tính cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ đi bộ đúng cách, tránh chủ quan dễ dẫn đến tình trạng đau nhức, thoái hóa khớp… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc sau này.

1.Tác dụng vàng từ việc đi bộ buổi sáng

- Hình thành thói quen tốt để khởi đầu ngày mới.

Dù buồn ngủ, mệt mỏi hay không cần vội vã đi làm sớm nhưng không ai có thể nằm mãi trên giường. Nếu duy trì việc thức dậy đi bộ buổi sáng, đây sẽ là thói quen tốt không chỉ giúp bản thân chủ động, tiếp thêm nhiều năng lượng và sức sống cho cơ thể mà còn giúp gia tăng năng suất làm việc trong suốt ngày dài.

- Nâng cao sức bền cơ bắp.

Di chuyển và vận động nhờ việc đi bộ buổi sáng nên các cơ bắp tay và chân cũng theo đó hoạt động dẻo dai, nâng cao sức bền rõ rệt hơn mỗi ngày.

- Giảm cân, duy trì vóc dáng.

Đi bộ có tác dụng giảm cân không? Câu trả lời là có. Bởi theo thống kê cho thấy, đi bộ với tốc độ 111 – 130 bước/phút sẽ đốt cháy nhiều calo, làm thay đổi sự phân bố mỡ trong cơ thể giúp giảm cân, duy trì vóc dáng.

Đây là thành quả dành cho những ai duy trì thói quen đi bộ buổi sáng đều đặn mỗi ngày.

- Hỗ trợ hệ tiêu hoá.

Đi bộ kích thích tuần hoàn máu lưu thông, cải thiện khả năng hoạt động của dạ dày, giúp hệ tiêu hóa làm việc trơn tru, đều đặn hơn.

- Hệ xương khớp chắc khỏe.

Để biết đi bộ có tác dụng gì cho nữ giới thì hãy quan sát những thay đổi tích cực của hệ xương khớp. Đi bộ giúp cột sống, chân và hông vận động linh hoạt, dẻo dai; các khớp xương được tiết ra nhiều chất nhầy bôi trơn hiệu quả, nhờ đó hệ xương khớp chắc khỏe và chậm tiến trình bị lão hóa hơn.

- Cải thiện hệ tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Đi bộ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ lưu thông máu tốt cho hệ tim mạch khỏe mạnh, giúp giảm nồng độ đường trong máu, giúp giảm huyết áp và nguy cơ đột quỵ, nhất là người già và trung niên.

- Giúp đầu óc thư thái, giải tỏa căng thẳng.

Giữa cuộc sống, công việc bộn bề, thời gian đi bộ buổi sáng chính là lúc cơ thể được thả lỏng, được cảm nhận âm thanh, khung cảnh thiên nhiên xung quanh.

Ngoài ra, nếu đi bộ chung với người thân, bạn bè thì đây cũng là dịp có thể trò chuyện, kết nối nhiều hơn với nhau hoặc gặp gỡ, giao lưu thêm với người khác có cùng sở thích đi bộ buổi sáng xung quanh mình.

- Giúp ngủ ngon hơn.

Nhờ cơ thể được vận động và tinh thần thoải mái nên giấc ngủ cũng sẽ sâu hơn và ngủ ngon hơn mỗi ngày.

2. Đi bộ buổi sáng như thế nào cho đúng cách?

- Lựa chọn đi bộ thời điểm nào tốt nhất cho sức khỏe:

Buổi sáng là khoảng thời gian ít xe cộ, không gian trong lành, dễ chịu, phù hợp để đi bộ khởi động ngày mới. Tuy nhiên, không nên đi bộ vào lúc quá sớm. Nếu trời còn hơi sương dễ bị dị ứng, viêm xoang hoặc bị cảm. Tốt nhất nên đi khi trời quang đãng hoặc xuất hiện những tia nắng đầu tiên.

- Thực hiện các bước đi bộ đúng cách, đúng tư thế:

Không cần gò bó theo kỹ thuật nhưng trước khi đi bộ buổi sáng cần khởi động cơ thể, nhất là khởi động khớp chân.

Nên đi chậm trong khoảng 5 phút khi mới bắt đầu và trước khi kết thúc quá trình đi bộ.

- Giữ nhịp thở sâu và đều đặn.

Toàn thân thư giãn, bước đi tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng tư thế đi bộ phải giữ cho cột sống được thẳng, đi thẳng lưng, không thu vai, không chúi người về phía trước hoặc phía sau. Chân tiếp đất bắt đầu từ gót cho đến mũi bàn chân, luôn luôn có một chân bám đất để giữ cân bằng trọng tâm cơ thể và cứ thế bước đi đều đặn.

Khi đi bộ, hai tay không nên cầm nắm đồ vật, nên vung vẩy thoải mái, nhẹ nhàng theo nhịp bước chân. Duy trì thời lượng đi bộ tối thiểu là 30 phút/ngày để phát huy tối đa tác dụng của đi bộ buổi sáng.

- Chọn kiểu đi bộ phù hợp:

Có nhiều kiểu đi bộ và tùy vào khả năng, sức khỏe của mỗi người mà lựa chọn kiểu đi bộ phù hợp như sau: đi bộ thông thường với khoảng 70 bước/phút; đi bộ nhanh với khoảng 100 bước/phút và đi bộ tự do (kết hợp giữa đi bộ nhanh với đi bộ thông thường).

Đối với đi bộ nhanh, nên bắt đầu bằng bài tập khởi động toàn thân trong khoảng 10 phút để làm nóng cơ thể, sau đó đi chậm trong 3 - 5 phút đầu tiên rồi mới tăng tốc độ đi bộ nhanh lên.

Đi bộ nhanh là tăng nhanh nhịp bước chân nhưng cơ thể vẫn thăng bằng và cảm thấy thư thái. Tốt nhất nên gập khuỷu tay một góc 90 độ đặt ngang eo và nhịp tay vung vẩy theo nhanh hơn với sự chuyển động của các bước chân.

Lợi ích của đi bộ nhanh chính là tăng sự tuần hoàn máu, tim mạch khỏe mạnh, cơ thể săn chắc, giảm cân rõ rệt.

Còn nếu kết hợp giữa đi bộ nhanh với đi bộ thông thường thì cứ sau 30 giây đi bộ nhanh thì đi chậm nhịp nhàng 1 phút để cơ thể hồi phục, lấy lại nhịp thở bình thường. Kiên trì lặp lại các bước như vậy để quá trình đi bộ đạt hiệu quả tối đa.

3. Chế độ ăn uống, dinh dưỡng khi đi bộ buổi sáng

- Trước khi đi bộ buổi sáng nên uống một ly nước lọc.

- Nên mang theo bình nước cá nhân để uống từng ngụm vừa phải trong quá trình đi bộ buổi sáng.

- Sau khi kết thúc đi bộ có thể uống nhiều nước hơn nhưng uống chậm rãi từng hớp một.

- Nên nghỉ ngơi tối thiểu 30 phút rồi mới ăn nhẹ sau khi đi bộ xong. Tốt nhất nên ăn bữa sáng sau 1 giờ kết thúc đi bộ.

- Khẩu phần ăn nên bổ sung nhiều chất đạm, chất xơ, hạn chế tối đa chất bột đường và chất béo. Các thực phẩm như cá hồi, ức gà, rau củ, trái cây tươi… là những thức ăn lành mạnh nên bổ sung mỗi ngày.

4. Những điều cần lưu ý khi đi bộ buổi sáng

- Trong quá trình đi bộ nếu bị chóng mặt, khó thở, tức ngực, tăng huyết áp, đau khớp… thì cần dừng lại để nghỉ ngơi. Nếu tình trạng nặng hơn phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

- Nên bắt đầu thực hiện thói quen đi bộ buổi sáng đúng cách và nghỉ ngơi hợp lý. Không gò ép bản thân phải đi bộ quá sức làm cơ thể mệt mỏi hoặc đi bộ liên tục mỗi ngày.

- Không ăn no trước khi đi bộ buổi sáng hoặc uống nước quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

- Không vội vã bỏ qua bước khởi động, làm nóng cơ thể dễ dẫn đến chấn thương.

- Lựa chọn trang phục phù hợp thời tiết và vóc dáng cơ thể. Nên ăn mặc thoải mái, dễ chịu, chất liệu thấm hút mồ hôi cho suốt quá trình đi bộ.

Trên đây là những thông tin hữu ích về đi bộ và tác dụng của đi bộ buổi sáng. Nếu tìm hiểu kỹ, nắm rõ các bước thực hiện, nỗ lực duy trì thói quen đồng thời kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chăm sóc sức khỏe thật tốt thì sẽ luôn sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Lạ Đặng | Theo Phụ nữ sức khỏe

https://phunusuckhoe.vn/phu-nu-va-gia-dinh/nam-long-tac-dung-cua-di-bo-buoi-sang-de-song-vui-song-khoe-moi-ngay-358376.html

Theo Phụ Nữ Sức Khỏe

Link bài gốc

Copy link

https://phunusuckhoe.vn/phu-nu-va-gia-dinh/nam-long-tac-dung-cua-di-bo-buoi-sang-de-song-vui-song-khoe-moi-ngay-358376.html

Mạng Y Tế
Nguồn: Phụ nữ và gia đình (https://www.phunuvagiadinh.vn/luyen-tap-23/nam-long-tac-dung-cua-di-bo-buoi-sang-de-song-vui-song-khoe-moi-ngay-358376)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY