Bạn cần biết hôm nay

Bạn cần biết

Nâng cao năng lực quản lý, cập nhật thông tin khoa học công nghệ: Giải pháp sử dụng, vận hành tốt trang thiết bị y tế thời 4.0

Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế...

Trong thời đại 4.0, việc cập nhật thường xuyên các thông tin về trong lĩnh vực này sẽ giúp sử dụng, vận hành, phát huy tốt các TTBYT...

Công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo đã trở thành một lực lượng khoa học, lực lượng và lực lượng kinh tế đối với sự phát triển của toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng.

Với sự phát triển của công nghệ, TTBYT không chỉ giúp nối dài các giác quan mà còn kéo dài cánh tay cho các thầy Thu*c vươn tới các ngóc ngách khó tiếp cận của các tổn thương bên trong cơ thể như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi bằng robot... thậm chí có thể thay bộ não con người (sử dụng trí tuệ nhân tạo) giúp đưa ra các quyết định một cách sáng suốt, đúng đắn và hiệu quả nhất trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh...

Phẫu thuật nội soi bằng robot.

Để tiếp cận và ứng dụng tốt các công nghệ mới trong lĩnh vực TTBYT thì việc đào tạo liên tục cho chuyên ngành kỹ thuật TTBYT là rất cần thiết. TTBYT là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhân viên y tế và môi sinh. Hơn nữa, các TTBYT này được các nhà sản xuất liên tục cải tiến, cập nhật các tiến bộ mới nhất của các chuyên ngành như: điện tử, quang học, tin học, sinh hóa học, vật liệu học... thì người vận hành và bảo dưỡng cũng phải cập nhật kiến thức thường xuyên thông qua đào tạo liên tục.

Bộ Y tế đã có thông tư số 22/2013/TT-BYT hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, quy định cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm.Để đào tạo liên tục với chuyên ngành kỹ thuật TBYT, ông Hà Đắc Biên, Phó Chủ Tịch - Tổng Thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam cho biết, Bộ Y tế giao cho Vụ Khoa học đào tạo, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế kết hợp với Hội Thiết bị y tế Việt Nam xây dựng chương trình và triển khai đào tạo về kỹ thuật TTBYT. Đến nay hội đã xây dựng 7 tài liệu phục vụ công tác đào tạo tư vấn kỹ thuật TTBYT và 03 tài liệu đào tạo liên tục (vận hành và bảo dưỡng chính xác, an toàn các hệ thống máy thở và máy gây mê kèm thở; vận hành và bảo dưỡng chính xác, an toàn các hệ thống máy Xquang chẩn đoán và Xquang can thiệp; vận hành và bảo dưỡng chính xác các máy theo dõi bệnh nhân (Monitor) và các hệ thống Monitor trung tâm) đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp mã số đào tạo (Mã B73 ) và cho phép triển khai đào tạo. Hội đã có công văn gửi các sở y tế đề nghị ủng hộ và tạo điều kiện cho các cán bộ làm lĩnh vực kỹ thuật thiết bị y tế từ bệnh viện tuyến huyện trở lên được đào tạo liên tục với những chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định.

Về vấn đề quản lý TTBYT trong giai đoạn tới, Chính phủ đã có Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 (hiệu lực từ 1/7/2016) và Nghị định 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 (hiệu lực kể từ ngày ký) đã thiết lập khung pháp lý quản lý TTBYT theo vòng đời của TBYT từ phân loại, quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu, đến đăng ký mua bán, sử dụng và quản lý sau bán hàng, kiểm định hiệu chuẩn và dịch vụ kỹ thuật TTBYT. Bộ Y tế đã có các thông tư hướng dẫn thi hành các nghị định này.

Tại Hội thảo thường niên lần thứ 15 do Hội Thiết bị y tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý TTBYT thời gian tới bao gồm: Tăng cường quản lý, kiểm tra và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đảm bảo việc quản lý, phân loại TTBYT chính xác theo đúng các quy định của pháp luật; tập trung thẩm định và cấp số đăng ký lưu hành TTBYT loại B.C và D đáp ứng thời điểm có hiệu lực vào ngày 1/1/2010 theo quy định; triển khai thực hiện việc áp dụng bộ hồ sơ kỹ thuạt chung ASEAN từ ngày 1/7/2020; thiết lập và triển khai hệ thống giám sát sau cấp phép lưu hành TTBYT, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả TTBYT lưu hành trên thị trường; xây dựng và trình ban hành luật TTBYT vào năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trang thiết bị y tế là một trong 4 vấn đề quan trọng của một bệnh viện (cơ sở y tế) bên cạnh cơ sở vật chất, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực. Vì vậy, việc mua sắm các trang thiết bị cần tiếp cận với những thế hệ mới nhất, đảm bảo an toàn nhất và quản lý trang thiết bị theo vòng đời một cách hiệu quả nhất, luôn luôn có bảo trì bảo hành mang lại tính an toàn cho người bệnh.

Mới đây tại Đà Nẵng, Hội Thiết bị y tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 15 với chủ đề: Nâng cao năng lực quản lý, cập nhật thông tin khoa học và công nghệ trang thiết bị y tế (TTBYT). Gần 30 báo cáo được trình bày tại hội nghị, tập trung vào TTBYT trong công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong y tế như: Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong y tế; vai trò của công nghệ trong phẫu thuật tim hở ít xâm lấn; T-DOC: giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dụng cụ trong phòng mổ và kiểm soát nhiễm khuẩn; bệnh viện công nghệ số; tự động hóa hoàn toàn kết hợp giải pháp IT trong xét nghiệm; công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật phủ chất kháng khuẩn nano sử dụng trong y tế... Hội nghị thường niên là cơ hội để các nhà khoa học, những người làm trong lĩnh vực TTBYT nâng cao năng lực quản lý, đồng thời tiếp cận được với kiến thức mới nhất về TTBYT.

Thu Hương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nang-cao-nang-luc-quan-ly-cap-nhat-thong-tin-khoa-hoc-cong-nghe-giai-phap-su-dung-van-hanh-tot-trang-thiet-bi-y-te-thoi-40-n161437.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY