Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ngành Y tế quyết liệt đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ y tế

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh diễn ra ngày 22/4.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến: " Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" diễn ra ngày 22/4.

Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thanh Long cùng các đồng chí lãnh đạo công đoàn ngành, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì hội nghị. Hơn 1,2 vạn đại biểu từ hơn 700 điểm cầu của tuyến TW (Bộ Y tế), tuyến tỉnh và tuyến huyện tham dự hội nghị.

Người bệnh sẽ là khách hàng đặc biệt khi đi khám, chữa bệnh

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, những năm qua, bên cạnh những tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, được dư luận xã hội đánh giá cao, được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. "Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. Nghiêm trọng hơn, đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400 ngàn cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của đa số các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quyên mình với nhân cách, trí tuệ để chưa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Để khắc phục cách hạn chế nêu trên, đồng thời xây dựng hình ảnh, phong cách người cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt khi thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, triển khai bảo hiểm y tế toàn dân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành y tế.

Thời gian qua, ngành y tế đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài tập trung vào 3 đột phá chiến lược bao gồm đột phá về cơ sở hạ tầng, về công nghệ, về nhân lực. Ngành quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp như đầu tư thêm giường bệnh, mở rộng quy mô phạm vi bệnh viện từ Trung ương tới địa phương; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện tuyến dưới; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cải tiến quy trình khám bệnh, đa dạng hóa các mô hình khám bệnh, triển khai thí điểm đề án “Bác sĩ gia đình”, tăng cường năng lực y tế cơ sở, triển khai tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

Đặc biệt, trong công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang chỉ đạo thực hiện tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới về cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế để hướng họ tới sự hài lòng cua người bệnh.

“ Với việc đổi mới từ trang phục nhân viên y tế, thái độ giao tiếp đến việc hướng dẫn, tiếp đón người bệnh; tôn trọng, lắng nghe người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị…, ngành y tế mong muốn người bệnh sẽ là “khách hàng” đúng nghĩa khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y luôn khắc ghi, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy:“Lương y như từ mẫu, thầy Thu*c như mẹ hiền”. Chính vì thế, mặc dù y tế đang phát triển trong nền kinh tế thị trường nhưng ngành y luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người bệnh lên cao nhất, coi bệnh nhân là khách hàng nhưng là khách hàng đặc biệt. Vì thế, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, các khách hàng đặc biệt này phải được cấp cứu, chăm sóc, chữa trị kịp thời.

Chú trọng công tác xã hội trong bệnh viện

Thảo luận và cho ý kiến về việc thành lập Bộ phận chăm sóc khách hàng đặt tại Khoa khám bệnh trực thuộc Phòng công tác xã hội với nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn, chỉ dẫn người bệnh, gia đình người bệnh khi đến bệnh viện Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho rằng khó khăn đối với người bệnh, thân nhân người bệnh khi đến bệnh viện là thiếu các thông tin cần thiết, kịp thời để thực hiện các thủ tục, quy trình khám bệnh, cấp cứu, điều trị ngoại trú hoặc nội trú...

Vì vậy, để thuận lợi cho khách hàng thì rất nhiều cơ quan, đơn vị ngoài các biển báo, chỉ dẫn cố định đều có bộ phận chăm sóc giúp khách hàng, bộ phận truyền thông giải quyết hàng trăm câu hỏi khác nhau nhằm giúp khách hàng thực hiện mục đích, quyền lợi, nghĩa vụ một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Điều đó lại càng rất cần với bệnh viện vì khách hàng của bệnh viện là người bệnh. Vì vậy, việc thành lập Đơn vị Chăm sóc khách hàng, đơn vị truyền thông thuộc Phòng Công tác xã hội bệnh viện là cần thiết.

Về việc thành lập Phòng công tác xã hội trong bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, công tác xã hội trong bệnh viện là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Công tác xã hội trong bệnh viện là cầu nối giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, phòng công tác xã hội giúp bệnh viện chủ động tìm nguồn lực, vận động sự tham gia của xã hội để hỗ trợ tìm nguồn lực giúp đỡ người bệnh trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện.

Thay đổi trang phục để người bệnh dễ dàng nhận diện thầy Thu*c

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong quá trình thực hiện quy định về trang phục y tế đã có nhiều tồn tại được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng: Trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục y tế khi cần liên hệ công việc; Guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định, dép lê, guốc đủ các loại màu sắc, đi lại loẹt quẹt gây tiếng ồn nơi bệnh phòng; Trang phục của một số cán bộ, viên chức y tế cũ kỹ, ngả màu, không bảo đảm phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, không tạo được niềm tin tưởng, tôn trọng và hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh;

"Một số cán bộ, viên chức y tế mang trang phục xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ, xuất hiện tại các nhà hàng, quán ăn, mang trang phục ra ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi không thực hiện nhiệm vụ gây phản cảm với người dân"- ông Khuê chia sẻ

Do đó, cùng với đổi mới phong cách, thái độ của nhân viên y tế với người bệnh, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiến hành thay đổi toàn diện về trang phục của nhân viên y tế.

Theo đó, màu trắng trong chiếc áo bác sỹ dự kiến sẽ được giữ nguyên trong dự thảo thông tư Quy định về trang phục y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Á o của bác sỹ với mầu trắng chung cho các khoa với kiểu dáng áo blouse cổ bẻ.

Áo dược sỹ có 2 phương án là màu trắng hoặc phương án màu trắng cho dược sỹ đại học, sau đại học, màu xanh cho cán bộ dược khác.

Áo với điều dưỡng hoặc màu trắng hoặc màu xanh dương. Áo blouse của kỹ thuật viên nam dự kiến có màu trắng hoặc xanh nhạt.

Trang phục cho cán bộ phẫu thuật, gây mê hồi sức là aó phẫu thuật dài tay màu xanh. Màu sắc trang phục nhân viên tiếp đón là màu trắng. Hộ lý và y công mang áo màu xanh hòa bình.

Màu sắc trang phục nhân viên hành chính, thu ngân có 2 phương án: Áo sơ mi mầu trắng, quần hoặc chân váy sẫm màu. Hoặc áo sơ mi mầu xanh nhạt, quần hoặc chân váy sẫm màu.

Trang phục nhân viên bảo vệ áo mầu ghi, quần mầu xanh tím than. Nhân viên lái xe, bảo trì áo và quần mầu xanh đen.

Trang phục người bệnh là áo Pyjama kẻ nhỏ, tay dài, cổ Danton màu xanh lam. Trang phục người nhà người bệnh màu vàng nhạt.

Qua đường dây nóng y tế: Hai cán bộ y tế phải nghỉ việc

Thông tin tại cuộc họp, TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế, trong quý I/2015, đường dây nóng ngành Y tế ở 3 cấp đã nhận được gần 8.400 cuộc gọi đến, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là người dân gọi phản ánh đến số tổng đài 19009095 (hơn 4.100 cuộc).

Có 4 nhóm vấn đề được người dân gọi phản ánh nhiều gồm: phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế; phản ánh quy trình chuyên môn; về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ và cuối cùng phản ánh các vấn đề liên quan đến viện phí, thủ tục khám chữa bệnh, Bảo hiểm y tế.

Hà Nội và TP HCM là hai địa phương nhận được số lượng lớn cuộc gọi của người dân phản ánh sự không hài lòng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Tại Hà Nội, bệnh viện K đứng đầu về cuộc gọi phản ánh tiêu cực trong viện, tiếp đến là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Phụ sản TƯ. Tại TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị nhận nhiều phản ánh tiêu cực.

Qua đường dây nóng, ngành Y tế cũng đã nghiêm khắc xử lý cá nhân vi phạm. Cụ thể, trong quý I, ngành Y tế đã nhắc nhở hơn 2.000 cán bộ y tế, khiến trách 56 cán bộ, cắt thi đưa 61 cán bộ, 12 cán bộ bị điều chuyển, 1 cán bộ bị cách chức và 2 cán bộ buộc phải nghỉ việc.

Thái Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nganh-y-te-quyet-liet-doi-moi-thai-do-phuc-vu-cua-can-bo-y-te-9878.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY