Kinh tế xã hội hôm nay

Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Nhiều vấn đề nóng được các đại biểu thảo luận

Ngày 22/10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách.
Ngày 22/10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách. Theo đó, các vấn đề liên quan đến lộ trình tăng lương, thực trạng suy thoái đạo đức trong xã hội đã trở thành chủ đề nóng được đưa ra tại phiên thảo luận ngày 22/10.

Đề cập đến vấn đề về tiền lương cơ sở, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) nhấn mạnh, đây là lần thứ 3 tôi phát biểu về tiền lương cơ sở. Tôi rất thông cảm với Chính phủ là ngân sách khó khăn, nhưng tiếp tục không tăng lương cơ sở vào năm 2016 như lộ trình là chưa nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Trong khi đó, năm 2016 chúng ta sẽ áp dụng cơ chế giá thị trường với nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, dịch vụ giáo dục,... Năm ngoái đã xin hoãn tăng lương rồi, giờ hoãn tiếp, tôi không biết giải thích với cử tri thế nào”.

Tại đoàn Hà Nội, ĐB Phạm Huy Hùng cũng chỉ rõ yêu cầu cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính. ĐB Hùng cho rằng, ta vẫn đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương mới thấp như vậy.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nguồn nên vẫn phải dùng từ... “nhịn”. Tăng lương cơ sở lúc này kéo theo nhiều hệ luỵ lớn, giống như việc nếu tiền lương tối thiểu phải nâng lên 16% như đề xuất trước đó của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, doanh nghiệp sẽ “ch*t”. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nếu chưa thể cân đối để nâng lương cơ sở được thì cũng cần xem xét điều chỉnh lại việc nâng lương nghỉ hưu.

Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Võ Thị Dung (TP. HCM) cho rằng, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như ý kiến tổng hợp của cử tri cả nước, đều đề cập vấn đề xã hội nghiêm trọng là tình hình trật tự trị an, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Nhiều cử tri bất an trong cuộc sống. Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ lại đề cập vấn đề này mờ nhạt cũng như không nêu rõ giải pháp khắc phục trong 5 năm tới. Nếu xã hội không ổn định, lành mạnh thì việc phát triển không ý nghĩa gì.

Về vấn đề này, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình với một số ý kiến, nhiều đại biểu và cử tri quan tâm là vấn đề đạo đức, lối sống và văn hóa suy đồi trong một bộ phận chúng ta hiện nay là thực trạng báo động, đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, đất nước. Điều đáng nói, đạo đức, văn hóa suy đồi không chỉ thể hiện ở lĩnh vực an ninh trật tự mà còn ở văn hóa, kinh tế... ở hầu hết các lĩnh vực ở các mức độ khác nhau. Ví dụ tội phạm Gi*t người do nguyên nhân xã hội chiếm tới 93% so với hành vi, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hết sức dã man, tàn bạo như Gi*t người hàng loạt, đốt xác phi tang... rất đáng báo động. Vi phạm về sản xuất hàng giả, trong dược phẩm, thực phẩm chức năng; vấn đề an toàn thực phẩm ... đụng đâu cũng nơm nớp lo sợ - ĐB Huỳnh Minh Thiện cho biết.

Tại phiên họp, nêu yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015 trong cả giai đoạn 2010 - 2015, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, tình hình chung là tích cực. “So với 5 năm trước thì chúng ta đang thuận lợi hơn nhiều. Nhưng có một số vấn đề lớn đang tồn tại, đó là tốc độ tăng GDP, tỷ trọng đầu tư xã hội, bội chi ngân sách, tỷ trọng công nghệ cao, tăng năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc. Như vậy là cả số lượng và chất lượng tăng trưởng đều không đạt” - ĐB Trần Du Lịch bình luận. Về kiến nghị của Chính phủ liên quan đến việc bán cổ phần của Nhà nước trong một số các doanh nghiệp lớn, các ĐB Trần Du Lịch tán thành chủ trương, nhưng yêu cầu khoản tiền thu được từ bán cổ phần phải được tái đầu tư vào những địa chỉ do Quốc hội xác định rõ. “Tiền bán cổ phần mà hòa vào ngân sách rồi lại đem chi thường xuyên, thì vài năm nữa sẽ cạn hết. Đây là nguồn lực rất lớn của đất nước tích lũy bao nhiêu năm mới có, QH phải quyết định từng địa chỉ đầu tư”.

Mặc dù vậy, ĐB Trần Hoàng Ngân còn băn khoăn về những rủi ro tiềm ẩn khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông phát biểu: “Tôi luôn lo ngại về độ mở của nền kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore về độ mở kinh tế, nhưng khả năng cạnh tranh không cao; nhân lực và tài lực còn hạn chế. Phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để nâng cấp, bổ sung trang thiết bị công nghệ với lãi suất thấp... Bài toán lãi suất vẫn tiếp tục phải giải”. Để ứng phó với hội nhập, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được thực hiện trong vài năm tới, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung luật về sở hữu trí tuệ; đồng thời có chiến lược đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài...

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ngay-lam-viec-thu-3-ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiii-nhieu-van-de-nong-duoc-cac-dai-bieu-thao-luan-19687.html)

Tin cùng nội dung