Tâm sự hôm nay

Nghĩ về đào tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng cao

Thi hay xét tuyển để học sinh sau khi tốt nghiệp THPT được vào ngồi trên ghế giảng đường đại học (ĐH) về bản chất là chọn người để đào tạo nghề phục vụ xã hội.
Nếu như trước đây, thí sinh chọn trường ĐH để thi tức là đã có sự cân nhắc chọn nghề vì nhiều lý do và cuộc thi diễn ra là sự cạnh tranh giữa những người có cùng mối quan tâm về nghề nghiệp. Nếu trượt nghề mình quan tâm yêu thích đã có nguyện vọng 2, 3 với nghề khác tiếp theo. Thế nhưng cuộc xét tuyển vào đại học năm nay với hình thức có điểm mới chọn trường (nghề) dường như đã xóa đi tính “lý tưởng” của nghề nghiệp (sự hiểu biết, yêu thích và khả năng nghề nghiệp) mà dường như khuyến khích tính thực dụng, bệnh “oai”, “sĩ” trong thí sinh khi mà vào được trường nào đó ở tốp đầu, càng có điểm sàn cao càng vinh quang!

Một thí sinh thích nghề xây dựng chẳng hạn có thể vào được trường xây dựng với điểm sàn là 20-22 điểm nhưng có được 30 điểm thi sẽ càng tốt cho trường đó. Nhưng vì “danh dự”, em đó sẵn sàng nộp vào trường  y chẳng hạn thì anh bác sĩ tương lai này liệu có phát huy hết khả năng của mình nếu so với thí sinh khác rất yêu nghề thầy Thu*c, có gia đình làm trong ngành y nhưng điểm thi chỉ có 26? Và rồi để vào được ĐH với trường “có tiếng”, thí sinh yêu nghề khám chữa bệnh này lại đem 26 điểm đã có của mình tìm đến trường nào đó miễn là trúng tuyển, bất luận khả năng của mình với nghề đào tạo ra sao!

Nên chăng Bộ GD-ĐT cần xem lại cách xét tuyển vào ĐH như năm nay và tốt hơn cả, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và duy trì kỳ thi vào ĐH như trước đây.

Vấn đề thứ hai là chuyện ưu tiên khi thi, tuyển thí sinh vào trường ĐH. Chúng ta rất cần những chính sách ưu tiên cho những gia đình công, có những hy sinh, đóng góp cho đất nước. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không thể không có. Thế nhưng thực hiện đạo lý này như thế nào lại là chuyện khác. Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi những lao động có trình độ chứ hình như chưa bao giờ cần người lao động có lý lịch như thế nào. Việc đào tạo nghề cũng vậy, để tiếp thu kiến thức và khả năng vận dụng trong thực tế cần người giỏi, thông minh chứ không có sự ưu tiên trong khả năng tiếp thu. Không phải ai được ưu tiên cũng tiếp thu kém hơn người không được ưu tiên nhưng chuyện cộng điểm ưu tiên sẽ loại bớt người có khả năng để nhận người ít khả năng hơn cho việc đào tạo.

Chuyện cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng miền cũng rất cần! Và rất cần nếu thí sinh đó học xong quay trở về quê hương, vùng miền khó khăn của mình để phục vụ. Thế nhưng anh A ở vùng X được cộng điểm ưu tiên nhưng khi ra trường lại ở lại Hà Nội, thậm chí làm công việc khác với ngành đào tạo trong khi “chờ việc” lại là một bất cập có khi tới mức vô lý.

Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Chọn người thật sự đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng cao với chương trình đào tạo, thi cử nghiêm túc là sự vun bồi cho nguyên khí ấy. Xin đừng để các cháu trước ngưỡng cửa cuộc đời khi chọn trường đại học thành “học đại” bất cứ nghề gì miễn là trường ĐH đó có “đầu vào” cao để giải quyết khâu “oai” mà đánh mất lý tưởng nghề nghiệp.

Lê Quý Hiền

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nghi-ve-dao-tao-nguon-nhan-luc-lao-dong-chat-luong-cao-18398.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY