Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Người dân Bắc Giang cải thiện điều kiện sống từ chính công trình phụ mà không phụ”

MangYTe - Gần 5 năm thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả”, người dân ở nhiều huyện của Bắc Giang đã cải thiện điều kiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, ý thức giữ gìn môi trường sống được nâng cao.

Thói quen tốt được tạo lập từ Chương trình

Tại huyện Việt Yên và nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang, trước đây, nhiều gia đình vẫn coi nhà vệ sinh là "công trình phụ" nên ít chú trọng khi xây dựng nhà ở. Cách đây 5 năm, chỉ một nửa hộ gia đình tại huyện nghèo này có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Năm 2016, Việt Yên được chọn thực hiện chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả". Đến nay, toàn huyện đã xây dựng gần 4 nghìn nhà vệ sinh tiêu chuẩn. Có được điều đó là nhờ chương trình đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, vận động, qua đó, người dân đã nhận thức được lợi ích thiết thực khi có nhà tiêu hợp vệ sinh, bảo đảm phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Năm nay, huyện Việt Yên tập trung hỗ trợ hoàn thiện 378 nhà vệ sinh ở 15 xã, thị trấn. Ngoài những hộ được chi trả một phần kinh phí, các gia đình có nhu cầu sẽ được tư vấn kỹ thuật bảo đảm yêu cầu hợp vệ sinh. Người dân biết sử dụng công trình, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính gia đình mình.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, năm 2020, chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa vào kết quả" hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đặt mục tiêu xây dựng 2.614 nhà tiêu. 89 xã, thị trấn thuộc 6 huyện là: Yên Dũng, Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên sẽ được hỗ trợ gần 2,9 tỷ đồng để thực hiện chương trình.

Người dân xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thực hiện mục tiêu thay đổi hành vi vệ sinh, 6 huyện hưởng lợi từ chương trình còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đơn cử, khảo sát của Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cho thấy tỷ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng ở 3 thời điểm (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi bàn tay bẩn) chỉ đạt khoảng 30%. Đến nay, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có 85% hộ dân bố trí nơi rửa tay thuận tiện; 78% người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Giờ, với nhiều gia đình ở đây, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đã thành thói quen, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

Không những thế, nhiều gia đình tại các huyện thụ hưởng chương trình đã có chuyển biến nhận thức, học hỏi làm theo trong việc sử dụng nước sạch, lắp đặt hệ thống lọc nước, xây dựng nhà vệ sinh, hầm khí biogas góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nâng cao nhận thức, giảm tình trạng bệnh tật cho người dân

Bắc Giang là một trong 21 tỉnh của cả nước được thụ hưởng chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả" từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2016-2020. Trong 3 hợp phần của Chương trình, Sở Y tế thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi vệ sinh.

Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình không chỉ góp phần hỗ trợ các hộ dân cải thiện điều kiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh mà còn làm thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong việc giữ gìn môi trường sống.

Từ khởi điểm có khoảng 45% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay, các huyện hưởng dự án có 69,4% hộ sử dụng nhà tiêu đạt chuẩn; 90% gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng; hơn 95% người dân nông thôn sử dụng nước sạch. Qua đó làm giảm tình trạng bệnh tật trong dân cư, nhất là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến vệ sinh, nguồn nước như: Sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, tiêu chảy, da liễu…

Trong thời gian tới, được biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục giám sát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng 7.400 nhà tiêu (hiện đã thực hiện được 65%). Vận động những hộ chưa có nhà tiêu cải thiện điều kiện sinh hoạt, góp phần phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe. Trong đó chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, không có nhà vệ sinh là nguyên nhân gây nên một số bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, hô hấp. Trạm y tế tuyến xã tổ chức cung cấp kiến thức vệ sinh cá nhân, hướng dẫn người dân sử dụng nước sạch, chú trọng giữ gìn nơi ở sạch sẽ, hình thành nếp sống văn minh. Các trường mầm non dạy trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi để các cháu có ý thức vệ sinh từ bé…

Hoà Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/nguoi-dan-bac-giang-cai-thien-dieu-kien-song-tu-chinh-cong-trinh-phu-ma-khong-phu-20200821061106292.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY