Khoa học hôm nay

Nguồn nhân lực sáng tạo - yếu tố quan trọng để khai phá “mỏ vàng” di sản: Bài học quý từ Bandung

(HNMCT) - Biến những khu ổ chuột thành không gian sáng tạo, góp phần cải thiện điều kiện sống của hơn 50% cư dân, Bandung - thành phố sáng tạo điển hình của Indonesia mang đến bài học quý cho nhiều thành phố trên thế giới, đặc biệt là về khả năng gắn kết cộng đồng.

(HNMCT) - Biến những khu ổ chuột thành không gian sáng tạo, góp phần cải thiện điều kiện sống của hơn 50% cư dân, Bandung - thành phố sáng tạo điển hình của Indonesia mang đến bài học quý cho nhiều thành phố trên thế giới, đặc biệt là về khả năng gắn kết cộng đồng.

Khu ổ chuột thành không gian sáng tạo

“Kampung” theo tiếng Mã Lai là một hình thức định cư ở các khu đô thị với những đặc trưng như: Môi trường kém, mật độ nhà ở và dân số cao, điều kiện cơ sở hạ tầng kém như thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước tồi... Nói một cách khác, kampung chính là những khu ổ chuột của Indonesia. Theo thạc sĩ Lại Thị Thanh Bình (Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), chính phủ Indonesia từng đưa ra “Chương trình cải thiện kampung” vào đầu những năm 1960 nhưng kết quả là phần lớn các kampung vẫn tồn tại trong điều kiện thấp kém cho đến nay. Sau đó, ý tưởng về việc hình thành các kampung sáng tạo (Kampung Kreatif) đã được thành phố Bandung đưa ra như một phần trong chiến lược hỗ trợ Bandung trở thành một thành phố sáng tạo thực sự và cải thiện điều kiện sống của hơn 50% cư dân Bandung đang sinh sống trong các kampung.

Năm 2012, kampung sáng tạo đầu tiên được thành lập. Đây là một chương trình giúp người dân địa phương và các cộng đồng sáng tạo trong thành phố tương tác, thảo luận sâu sắc nhằm tìm kiếm các thế mạnh phát triển kampung của họ. Các kampung sáng tạo hoạt động dựa trên một quy trình khép kín từ dưới lên trên, bao gồm việc tư vấn, lập bản đồ, giáo dục đào tạo... Sáng kiến này sau đó đã được mở rộng tại một số thành phố của Indonesia và gặt hái được nhiều thành quả đáng ngạc nhiên, biến nhiều khu ổ chuột trên khắp đất nước trở thành những địa điểm du lịch thú vị, hoặc thành những trung tâm sáng tạo độc đáo.

UNESCO đánh giá: Thành phố Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java ở Indonesia, nơi sinh sống của 2,5 triệu dân, là một trung tâm mới của sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Bandung tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và lễ hội, tất cả đều khuyến khích phát triển tính năng sáng tạo. Trên thực tế, 56% hoạt động kinh tế của Bandung liên quan đến thiết kế, trong đó trang phục, thiết kế đồ họa và truyền thông kỹ thuật số là ba phân vùng hàng đầu trong nền kinh tế sáng tạo địa phương.

Quan trọng nhất là yếu tố con người

Bandung thành công trong việc tạo ra những không gian sáng tạo nhưng bài học mà Bandung truyền đi không phải là mô hình, mà chính là khả năng gắn kết cộng đồng, phát huy nhân tố con người vì mục tiêu chung. Tinh thần hợp tác và nuôi dưỡng tài năng chính là yếu tố cốt lỗi của tất cả các tổ chức tại đây. Nhờ vậy, Bandung có thể vượt qua vô số thách thức để kết nối thành công những nhóm nghệ sĩ, sinh viên, các nhà hoạt động chính trị và cộng đồng địa phương - vốn có nhiều khác biệt về thành phần xã hội, điều kiện kinh tế, vị trí địa lý và thậm chí là về tôn giáo.

Ông Ridwan Kamil, một kiến trúc sư sau này trở thành Thị trưởng của Bandung, được đánh giá là “một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thành công của Bandung”. Năm 2008, sau khi được bầu làm Chủ tịch Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bandung (BCCF), R. Kamil đã thực hiện hàng trăm sự kiện tập thể, lễ hội và nhiều chương trình sáng kiến đô thị, cố gắng khuyến khích các bên tham gia xây dựng một thành phố đáng sống. Chương trình đã nhận được sự phản hồi tích cực từ chính phủ, chính quyền địa phương và cả quốc tế. Năm 2013, sau khi trở thành Thị trưởng Bandung, R. Kamil đã đưa ra nhiều sáng kiến, một trong số đó là Bandung Fun Days - chương trình xã hội dành cho cộng đồng địa phương với mục tiêu nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân thành phố. Chương trình đề ra việc miễn phí xe buýt cho học sinh vào thứ hai, không hút thuốc vào thứ ba, tích cực sử dụng tiếng Nhật vào thứ tư và tiếng Anh vào thứ năm; thứ sáu là ngày đi xe đạp để nâng cao nhận thức về sức khỏe của người dân và giảm ùn tắc giao thông. Vào thứ bảy hằng tuần, một số khu vực không cho xe cộ qua lại và trở thành nơi tổ chức lễ hội ẩm thực sôi động, quy tụ hàng nghìn người từ Bandung và khắp nơi đến tham gia. Đó là một trong nhiều cách mà R. Kamil đã thực hiện để thay đổi bộ mặt thành phố và thực hiện sứ mệnh đưa Bandung "trở thành thành phố hạnh phúc nhất ở châu Á”.

Các sáng kiến chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu nó được thực hiện với sức mạnh của cộng đồng - điều này đã được chứng minh ở Bandung nói riêng và Indonesia nói chung. Ông R. Kamil chia sẻ: "Các chính phủ phải kết nối với người dân và thúc đẩy sự tham gia của họ vào chính sách công. Tôi nghĩ đây là tương lai của các thành phố, nơi mọi người đều cảm thấy rằng họ có thể cùng nhau xây dựng tương lai".

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chuyen-la/1042690/nguon-nhan-luc-sang-tao---yeu-to-quan-trong-de-khai-pha-mo-vang-di-san-bai-hoc-quy-tu-bandung)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY