Tâm sự hôm nay

Nhức nhối ô nhiễm ở vịnh Ðà Nẵng

Ở vịnh Đà Nẵng, chuyện nhức nhối và được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là chuyện ô nhiễm do nước thải.
Ở vịnh Đà Nẵng, chuyện nhức nhối và được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là chuyện ô nhiễm do nước thải. Dọc biển vịnh Đà Nẵng, ngoài các nguồn nước thải từ sông Hàn, sông Cu Đê, sông Phú Lộc còn có hàng chục cống nước thải đổ ra. Chẳng biết các nguồn nước thải đã được xử lý hay chưa, mức độ ô nhiễm thế nào, nguy hại đến sức khỏe người dân thế nào,... Chỉ biết là mỗi khi đi qua các nguồn nước thải, đi dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành thì thấy nhiều nơi, nhiều lúc mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến mặt mày xây xẩm.

Sống chung với ô nhiễm

Người dân sống bên cạnh các nguồn nước thải ngày đêm vẫn phải hứng chịu mùi hôi thối kinh khủng. Họ rất bức xúc và có nhiều kiến nghị, ý kiến gửi đến các cơ quan chính quyền, báo chí nhưng mọi chuyện chẳng giảm thiểu là bao. Mùi hôi thối không chịu được nên nhiều người phải chạy đi nơi khác tránh. Ông Công (một người dân phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) sống ngay bên cạnh sông Phú Lộc bức xúc: “Ban ngày còn ít mùi hôi thối, ít nước thải đấy, chứ nửa đêm về sáng nước thải xả ra ầm ầm, kinh khủng lắm. Mùi nồng nặc rất khó chịu, không thể ngủ được!”. Người dân sống gần sông Phú Lộc và nhiều cống nước thải khá bức xúc và nhạy cảm với ô nhiễm như vậy, có người dân dọc sông Phú Lộc phải bán rẻ nhà đi nơi khác sống vì không chịu nổi ô nhiễm, nhưng hằng ngày vẫn có rất nhiều người dân vẫn “vô tư” ra tắm biển, chơi đùa, ăn uống ngay bên cạnh những cống nước thải. “Cũng bình thường thôi mà anh” - đám bạn trẻ đang chơi đùa trên bờ biển Nguyễn Tất Thành chỉ cách nguồn nước thải đen xì, đầy mùi hôi thối chừng mươi mét, cho biết. Ngoài tình trạng biển ô nhiễm vì nước thải, bờ biển Nguyễn Tất Thành cũng đang “kêu cứu” bởi có nguy cơ trở thành bãi rác, nhất là ở những đoạn biển trồng thông, có nhiều cây cối. Nhiều loại rác thải, như bã mía, vỏ nhựa, túi nilông,... được vứt dọc bờ biển. Những điểm ô nhiễm nặng nhất dọc bờ vịnh Đà Nẵng là khu vực cửa sông Cu Đê, cửa sông Hàn, cửa sông Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang.

Cần giải quyết từ gốc: Xử lý các nguồn thải

Trao đổi với chúng tôi, TS. Võ Văn Minh - Trưởng khoa Sinh - Môi trường, ĐH Sư phạm Đà Nẵng phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành rằng, hầu hết mọi nguồn chất thải trên địa bàn Đà Nẵng là từ các khu công nghiệp, bãi rác Khánh Sơn, chất thải dân sinh, chất thải từ khai thác vàng đầu nguồn các sông,... dù đã qua xử lý hay chưa qua xử lý đi đâu rồi cũng theo các con sông, cống thải đổ ra vịnh Đà Nẵng. Về mặt địa lý, vịnh Đà Nẵng hình cánh cung, biển ăn sâu vào đất liền, mà gió lại thổi từ biển vào đất liền khiến cho bao nhiêu nước thải, chất thải thải ra biển trong nhiều năm gần đây không thoát đi được mà lắng đọng hết lại trong vịnh Đà Nẵng.

Theo TS. Minh, giai đoạn gây ra nhiều ô nhiễm nhất là đầu những năm 2000 khi mà khu công nghiệp Hòa Khánh mới đi vào hoạt động, bãi rác Khánh Sơn cũ còn hoạt động, hệ thống xử lý nước thải cũ kỹ không đủ tiêu chuẩn. Theo TS. Minh, dù thành phố rất quan tâm đến bảo vệ môi trường nhưng nhìn chung các chỉ số về ô nhiễm ở khu vực vịnh Đà Nẵng - dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành đều vượt mức quy định. Thời gian qua, ô nhiễm chủ yếu là về các mặt chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng, kim loại nặng (nhất là sắt và cadimi), dầu mỡ, phênol, vi sinh vật... Các ô nhiễm này về lâu dài gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân thường xuyên tiếp xúc với nước biển, làm giảm đa dạng sinh học. TS. Minh lấy ví dụ: “Ở sông Hàn, những loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ như chíp chíp, sò, hến,... sống ở dưới đáy bùn có khả năng tích lũy kim loại nặng rất cao. Người dân thì khá thích những món ăn từ các loài đó. Đây là một điều rất đáng lo ngại về lâu dài đối với sức khỏe người dân”.

Theo TS. Minh, ô nhiễm ở vịnh Đà Nẵng, bờ biển Nguyễn Tất Thành sẽ ảnh hưởng đến du lịch. “Du khách nước ngoài rất nhạy cảm với mùi hôi, rác thải nên nếu không làm tốt vấn đề vệ sinh thì e rằng chúng ta không còn giữ được vịnh biển đẹp này nữa!”. Theo TS. Minh, có rất nhiều giải pháp từ vi mô đến vĩ mô mang tầm chiến lược lâu dài. Quan trọng nhất là cần phải tập trung xử lý các nguồn xả thải trước khi cho xả ra môi trường, chứ nếu đã xả ra môi trường rồi thì rất khó xử lý. Tiếp đó là cần thực hiện các giải pháp mềm, nghĩa là phải phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ để môi trường dần dần được cải thiện. Cả suy nghĩ, ý thức của người dân cũng rất quan trọng.

Hoàng Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhuc-nhoi-o-nhiem-o-vinh-da-nang-5654.html)

Chủ đề liên quan:

đà nẵng ô nhiễm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY