Tâm sự hôm nay

Những người bạn không thể quên

Dù thế nào thì những người bạn Pháp, những người thầy Pháp như bà và bao nhiêu người khác sẽ mãi ở trong tim tôi bình yên và vĩnh viễn.
Trước ngày quay lại Pháp, tôi gửi thêm mấy dòng vào email của Christine Yesou - người thầy cũ - Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện Tarbes: “Chào bà, tôi quay lại Pháp và rất muốn gặp lại bà, làm sao có thể tìm bà được...”. Vẫn biệt vô âm tín. Tất cả những người bạn Pháp mà tôi hỏi thăm đều thở dài ngao ngán: Yesou ốm nặng lắm, không thể làm việc trong bệnh viện nữa, hiện đã về quê ở với gia đình. Vậy đấy, người sếp nảy lửa, năng động, làm việc không biết kêu mệt bao giờ thì bây giờ đã chịu thúc thủ nằm yên như một phế nhân. Bà đã quên hết những cuộc mổ kéo dài 3 - 4h, không ăn trưa, chiều lại khám bệnh, giải thích, nói rồi làm và đã quên cả những học sinh Việt Nam rồi hay sao?

Yesou là người phụ nữ Pháp nhỏ bé, chưa bao giờ và có lẽ là không bao giờ lập gia đình. Như mọi bác sĩ nội trú của Pháp khác, bà thông minh, nhanh nhẹn, vốn hiểu biết rộng, làm được đa số các loại phẫu thuật phổ biến, làm tốt phẫu thuật võng mạc dịch kính - loại phẫu thuật khó nhất của nhãn khoa đương đại. Yesou là người nghiêm khắc, không hề biết nể nang hay nương nhẹ cấp dưới. Những cử chỉ tự do, bột phát của tôi trong phòng mổ đều bị chấn chỉnh: “Cương, đừng nên làm thế, mà nên thế này...” hoặc “Cương, đừng tưởng như thế là sáng tạo, làm như tôi bảo là OK rồi...”. Những người đi muộn, làm việc không tốt đều bị kéo ra một chỗ mắng thật lực. Mới đầu tôi rất căng thẳng và cả khó chịu nữa. Một vài người bạn Pháp an ủi tôi: Cứ thoải mái đi, ai bà ấy cũng đối xử như vậy, trong thâm tâm bà ấy rất yêu Việt Nam. Càng làm việc với bà sếp này tôi càng thấy thư giãn và học được nhiều điều. Chuyên môn thì trăm nghìn thứ. Tôi có một quyển sổ dày ghi chép được những kiến thức vụn vặt thường ngày, những điều lý thú từ việc đọc sách và tạp chí nhãn khoa của Pháp. Chưa hết, hãy nhìn họ làm việc bất kể giờ giấc, bỏ cả ăn uống, làm cả ngày nghỉ mà tôi thấy xấu hổ cho phận nam nhi của mình. Người Pháp không họp giao ban, không có danh hiệu hay phong trào thi đua, hội họp rất ít nhưng công việc thì cứ bon bon như xe trên đường cao tốc. Bởi lẽ họ tự giác, khá chăm chỉ (tuy không bằng người Nhật), đa năng và hơn hết là hệ thống tự vận hành trong bệnh viện rất tốt. Việc ai người ấy làm không ghen tị, so bì, không để cảm tính cá nhân như ganh ghét, bè phái xen vào công việc. Tụ tập, nói xấu đều không có hoặc rất ít.

Tình yêu bệnh nhân của họ cũng không hề kém y đức mà chúng ta đang cố rèn giũa. Yesou thường xuyên hỏi han, xin lỗi bệnh nhân liên tục, giải thích cho bệnh nhân không biết mệt mỏi. Bà ngồi xuống đất nâng bệnh nhân lên xe lăn, không nề hà cài khuy quần cho những bệnh nhân của trại dưỡng lão, chích chắp cho cháu nhỏ nhanh hơn mọi y tá giỏi nhất của Việt Nam... Tất cả những kỷ niệm đó còn nguyên trong tôi, rất mới mẻ và đầy màu sắc. Đôi khi bà thật nhỏ nhẹ và hóm hỉnh với những sai sót chuyên môn và lúng túng của tôi. Lần đầu tiên tôi sử dụng laser Yag, có bắn sai tiêu một vài nốt. Khi bệnh nhân đã ra khỏi buồng, bà cười nói: “Cương, người ta không biết anh làm sai mà là khi ai đó khám lại bệnh nhân vừa rồi sẽ cười vào mũi Yesou này là: đến laser mà còn không làm nổi”. Thật đau đớn cho tôi quá!

Một bệnh nhân có cảm giác ruồi bay, tôi không khám kỹ đáy mắt. Ông ta nghỉ ngơi chán chê trong dịp năm mới rồi quay lại với bệnh bong võng mạc. Bà biết là bệnh nhân cũ của tôi nên nhỏ nhẹ: “Không hẳn là lỗi của anh vì bệnh nhân đã không chịu khám lại và quá mải chơi nhưng giá mà anh căn dặn kỹ hơn, khám xét kỹ hơn thì mọi việc đã khác”. Thật là một kỷ niệm chua xót! Đã hơn 10 năm qua đi, tôi vẫn trung thành với nguyên tắc của bà: khám kỹ đáy mắt với những người có triệu chứng ruồi bay.

Một năm thấm thoát qua đi. Những tháng ngày trên đất Pháp của tôi cũng sắp hết. Đến gần ngày về, Yesou vẫy tôi vào phòng. Bà gọi tôi là ông (monsieur) khiến tôi biết là bà đang rất trịnh trọng: “Cũng như đối với các bác sĩ Việt Nam khác sang đây thực tập, tôi có món quà kỷ niệm dành cho ông, đó là chiếc kính soi đáy mắt chuyên dụng này”. Tôi mở chiếc hộp vuông vắn ra, món quà ước ao của mọi bác sĩ mắt trị giá hơn 400 euros. Những lời nói của bà lúc chia tay khắc sâu vào trái tim vốn rất dễ cảm động của tôi: “Tôi thực sự yêu mến Việt Nam, con người Việt Nam. Các bạn chăm chỉ, nhiệt tình và thủy chung hiếm có. Rất nhiều người Pháp cũng cho là vậy. Ông đã rất dũng cảm và cố gắng làm việc tốt trong năm qua, vượt qua nhiều rào cản và khác biệt”. Tôi mạnh dạn đề nghị: “Hãy ôm hôn tạm biệt như những người Pháp nào”. Mắt bà đỏ hoe, chắc tôi cũng vậy.

Mỗi năm qua đi tôi đều gửi thư chúc mừng năm mới cho Yesou và cũng nhận được thiệp chúc mừng năm mới của bà. Thế nhưng 2 năm gần đây không liên lạc được với bà nữa... cho đến tận những ngày này.

Thế đấy! Những người tốt chưa chắc đã hạnh phúc, những tài năng nhưng số phận chưa chắc đã suôn sẻ. Có những người đã vượt qua tất cả nhưng lại không vượt được chính mình. Dù thế nào thì những người bạn Pháp, những người thầy Pháp như bà và bao nhiêu người khác nữa Barthe, Nicole, Corine, Maes... sẽ mãi ở trong tim tôi bình yên và vĩnh viễn.

BS. Hoàng Cương

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhung-nguoi-ban-khong-the-quen-8508.html)
Từ khóa: người bạn

Chủ đề liên quan:

người bạn

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY