Tâm sự hôm nay

“Ông Táo lên trời” Hạ giới... ô nhiễm

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra nơi hạ giới cho Ngọc Hoàng biết.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra nơi hạ giới cho Ngọc Hoàng biết. Người dân làm lễ tiễn ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng Thượng đế rất trọng thị. Lễ vật gồm: một mâm cỗ mặn, trầu cau, bánh kẹo, rượu hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả, 3 bộ mũ áo, hia hài, cùng tiền vàng và 3 con cá chép (toàn hàng Việt Nam). Lễ cúng thường diễn ra lúc 12 giờ trưa (để ông Táo còn đủ thời gian bay lên trời, trước khi trời tối). Sau khi bày lễ, thắp hương cúng vái, đợi hương tàn, lại thắp thêm một tuần hương nữa thì lễ tạ. Cúng xong, vàng đem hóa cùng đồ lễ, rồi đem tro, cá chép đổ thẳng xuống ao hồ, sông, suối, biển để cá chép “tốc hành” chở ông Táo bay lên trời.

Đó là nét văn hóa truyền thống của bà con ta. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường lớn mạnh, cái đẹp đã bị lợi dụng làm cho biến tướng. Từ câu chuyện mang ý nghĩa tâm linh lại phát sinh quá nhiều mặt trái. Nghe nói năm nay các Táo đều được trang bị phương tiện hành nghề hiện đại như iPhone, iPad...

Phố Hàng Mã là “kinh đô” bán hàng mã của Hà Nội, các mặt hàng rất phong phú và đa dạng theo kiểu “thượng vàng, hạ... vàng mã”. Giá cả tăng so với năm ngoái dao động từ 20 - 30%. Cũng không hẳn vì giá nguyên liệu đắt đỏ, chủ yếu do “cầu” cao hơn “cung” gấp nhiều lần mà bởi chính sự nhiệt tình của người mua đã góp phần “phá giá” trên thị trường. Mặt hàng truyền thống như quần áo, mũ, hia của ông Công, ông Táo 70.000 đồng/bộ nhỏ, 100.000 đồng/bộ lớn. Vàng mã 10.000 đồng/đinh. Chi phí trọn bộ cho ông Công, ông Táo thấp nhất 300.000 đồng, cao nhất thì vô cùng, vì có nhà “ đốt” cho ông Táo cả máy bay, ôtô Mercedes, xe máy đời mới SH, mà là hàng ngoại tốn cả bạc triệu như chơi.

Năm nay nhiều mặt hàng “lạ đời” như iPhone, iPad được trang bị cho ông Công, ông Táo. Giá mỗi chiếc cả nội lẫn ngoại làm y như thật đâu có rẻ, từ 100, 200 đến 300 ngàn đồng/chiếc. Bà Hồng, chủ quán hàng mã trên phố Hàng Mã cũng bất ngờ khi khách hỏi mua hàng “độc” nhiều như vậy. Lạ hơn nữa là rất nhiều người cho rằng, “thế giới của ông Công, ông Táo cũng phát triển mạnh như thế giới thực tại này”. Điển hình như một nhận xét rất khách quan và có vẻ như rất... thật của một người dân đang chọn mua đồ vàng mã dưới đây. Anh Nguyễn Mạnh Hà (quận Tây Hồ) giải thích: “Hiện nay, sử dụng iPhone, iPad đang là trào lưu, mình cũng phải sắm đầy đủ để các cụ theo kịp thời đại”.

Dù là hàng nội hay hàng ngoại, truyền thống hay hiện đại, thì cũng là đồ hàng mã. Cúng xong đem đốt hết. Những đồ “giả” ấy đều mua bằng tiền thật. Vậy chúng ta đốt hàng mã hay đốt tiền?

Một hậu quả nữa, các thứ tro than đốt xong được gói vào giấy ni lông, tất cả túi lớn, túi nhỏ đều tống hết xuồng ao, hồ. Người dân “36 phố phường” mắt trước mắt sau, bảo vệ quay lưng đi là quẳng xuống hồ Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, Tây Hồ thì quăng xuống Hồ Tây, hồ Trúc Bạch là tiện nhất. Họ ném cả bình thủy tinh đựng cá, đồ hàng mã nguyên đai nguyên kiện. Túi ni lông nổi lềnh phềnh trên mặt hồ, rơi vãi cả đống trên bờ hồ. Sau ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, nước các hồ đều đổi màu, bốc mùi xú uế, làm ô nhiễm môi trường sống. Vậy mới có thơ rằng: “Ngày xuân ông Táo lên trời/ Ni lông ở lại chịu nhiều đắng cay”.

LÊ SỸ TỨ

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ong-tao-len-troi-ha-gioi-o-nhiem-5972.html)

Chủ đề liên quan:

ô nhiễm ông táo lên trời

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY