Kinh tế xã hội hôm nay

Rộn ràng mùa lễ hội

Cũng như các địa phương khác trên cả nước, sau Tết Nguyên đán, nhân dân các dân tộc ở Lâm Ðồng lại rộn ràng bước vào mùa lễ hội.
Cũng như các địa phương khác trên cả nước, sau Tết Nguyên đán, nhân dân các dân tộc ở Lâm Ðồng lại rộn ràng bước vào mùa lễ hội. mùa lễ hội ở Lâm Ðồng hàng năm diễn ra đúng vào mùa du lịch Tây Nguyên nên thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham gia; một loại hình văn hóa độc đáo tồn tại bao đời nay…

Lễ hội - Di sản văn hóa

Trong quá trình hình thành và phát triển, Lâm Đồng đã thu hút nhiều dân cư, dân tộc trong cả nước về đây chung sống; cùng với 3 tộc người bản địa có nguồn gốc lâu đời (Kơ Ho, Mạ, Churu), sự cộng cư của các dân tộc khác góp phần hình thành ở Lâm Đồng một nền văn hóa hết sức đa dạng, phong phú. Trong quá trình sinh sống, lao động có sự giao thoa văn hóa giữa dân cư các vùng miền và giữa các dân tộc; Song, mỗi dân tộc vẫn lưu giữ nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình. Với đặc trưng đa dân tộc và tín ngưỡng đa thần đã chi phối toàn bộ đời sống văn hóa của cư dân Lâm Đồng và được thể hiện trong các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm.

Liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán cho đến tháng 3 (AL), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hàng chục lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian được tổ chức; đặc biệt, trong tháng 3 có nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng: Lễ cúng Thần Suối, Thần Sông, Lễ cúng cơm mới, Lễ cúng Thần Bơ Mung, Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng...

Sau Tết Nguyên đán, tại các địa phương trong tỉnh, đồng bào các dân tộc lại nôn nao đón chờ lễ hội để được khoe xiêm áo, trang sức, trang phục mới với đủ màu sắc và để được hòa mình vào tiếng chiêng, tiếng cồng, điệu múa và ngất ngây trong hương vị rượu cần ngọt lịm thơm hương. Đây là thời điểm khá lý tưởng đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng: mùa nắng - mùa du lịch Tây Nguyên, đất trời xanh tươi, hoa thơm mật ngọt “Tháng ba mùa con ong đi hút mật, mùa con voi xuống sông uống nước…”. Đây còn là thời gian rảnh rang, nông nhàn mùa vụ nương rẫy - mùa con gái các dân tộc Tây Nguyên đi bắt... chồng!

“Khai mùa” lễ hội năm nay là Lễ hội Lồng tồng (ngày hội xuống đồng) của người Tày, Nùng, Dao... các tỉnh phía Bắc hiện đang sinh sống tại huyện kinh tế mới Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Lễ hội được tổ chức tại Sân vận động xã Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên). Lễ hội Lồng tồng có 2 phần chính: phần “Lễ” và phần “Hội”. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước 10 mâm lễ vật của nhân dân ở 10 thôn về trung tâm lễ hội. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trong một năm, bà con sản xuất, chăn nuôi được sản phẩm gì thì dâng cúng trời đất, thần linh để mong được phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Các mâm lễ vật có: gà luộc, thịt lợn quay, bánh chưng, xôi, ngũ quả, bánh khảo, bánh khẩu si, rượu, nước... Vui nhộn nhất là phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc: ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập heo đất, hát then... thu hút đông đảo nhân dân trong huyện Cát Tiên, các huyện lận cận và du khách tham gia.

Tại làng người Mông của thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) nô nức diễn ra Lễ hội Mùa xuân. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào người Mông sinh sống tại đây được duy trì, tổ chức hàng năm sau Tết Nguyên đán. Các hoạt động trong Lễ hội Mùa xuân phần lớn là các trò chơi truyền thống: ném còn, leo cột mỡ, đẩy gậy, đâm bù nhìn, giao lưu văn nghệ ... Đến hẹn lại lên - ngày Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu), khi các nhà thơ và công chúng yêu thơ trên cả nước tìm đến các “sân thơ” để được giao lưu, thưởng thức những bài thơ hay, những tình khúc phổ thơ (Ngày Thơ Việt Nam) thì đông đảo du khách và nhân dân, nhất là thanh niên tìm về xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để tham gia Lễ hội thác Pongour. Năm nay, từ rất sớm, đường dẫn vào thác đã chật cứng người đi trẩy hội. Lãnh đạo khu du lịch sinh thái dã ngoại thác Pongour cho biết, năm nay có hơn 5.000 người đã đến với lễ hội. Tại đây, ngoài được chiêm ngưỡng dòng thác hùng vĩ - thác Bảy tầng (thác Pongour) đổ xuống từ độ cao 40 mét, trải rộng hơn 100 mét chảy qua những tảng đá lớn trắng xóa, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian được đồng bào các dân tộc lưu truyền, gìn giữ như ném còn, múa sạp, múa xòe Thái, đánh đu…

Quản lý và tổ chức lễ hội

Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, chủ thể của lễ hội là quần chúng nhân dân; lễ hội phục vụ đời sống tinh thần, thể hiện mơ ước, khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thể hiện sự tôn kính về thần linh, trời đất, tỏ lòng biết ơn đối với những nhân vật có công với nước, với dân... Lễ hội truyền thống là mạch nguồn của văn hóa, góp phần hình thành bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh một số lễ hội truyền thống dần bị mai một, ngày càng xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực, những biến tướng, thái quá trái với thuần phong mỹ tục, trái với các quy định của pháp luật có xu hướng phát triển trong một số lễ hội. Để hoạt động lễ hội phát triển đúng hướng, phục vụ cuộc sống tinh thần lành mạnh của nhân dân, công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn...về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Song, những hiện tượng tiêu cực, hoạt động mê tín dị đoan, một số hình ảnh phản cảm, phi văn hóa... vẫn diễn ra trong một số lễ hội được tổ chức gần đây gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phải nghiêm khắc ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời những tiêu cực lợi dụng lễ hội để mưu cầu lợi ích cá nhân, hoạt động mê tín dị đoan, những cảnh bát nháo trong các lễ hội; trả lễ hội về đúng với vai trò, vị trí và giá trị đích thực của nó; hướng lễ hội vào phục vụ đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng và phát triển văn hóa nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Ở Lâm Đồng, phần lớn các lễ hội được tổ chức ở quy mô nhỏ hẹp và nhìn chung đảm bảo theo quy định của Nhà nước và địa phương; Song, trước thực trạng chung về hoạt động lễ hội trong cả nước, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp ủy đảng trong tỉnh vào cuộc để có những lễ hội văn minh, văn hóa, tránh những hiện tượng tiêu cực ở một số lễ hội gần đây.

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ron-rang-mua-le-hoi-6098.html)
Từ khóa: mùa lễ hội

Chủ đề liên quan:

lễ hội mùa lễ hội

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY