Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?

“Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 bị sốt hay không sốt thì tốt

Cơ chế hoạt động của vaccine như thế nào?

Vaccine thường được tạo ra từ kháng nguyên đã chết hoặc gần chết. Các nhà khoa học sẽ làm cho con virus vốn rất nguy hiểm trở nên mất khả năng “chiến đấu” hoặc “xé” một phần đặc trưng của nó, sau đó tiêm nó vào cơ thể. Khi đó hệ miễn dịch sẽ nhận diện “kẻ địch” và lập tức sản sinh các kháng thể để chống lại nó và bảo vệ cơ thể. Khi này “kẻ địch” chỉ là xác chết hoặc đã suy yếu nên không có khả năng gây hại cho cơ thể. Hay nói theo cách đơn giản hơn, tiêm vaccine chính là tạo cơ hội cho hệ miễn dịch của chúng ta “tập trận” và nhận diện "quân địch". Nếu sau này “quân địch” xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng nhận diện, khởi động các đáp ứng miễn dịch nhanh, mạnh và hiệu quả hơn để tiêu diệt chúng, bảo vệ cơ thể.

Vì sao sau khi tiêm chủng, có người sốt, có người không?

Trong não chúng ta có một vùng được gọi là “vùng hạ đồi” với chức năng nhận biết và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Thông thường nhiệt độ trung bình của chúng ta là trên dưới 37 độ C. Tuy nhiên, khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào cơ thể, chúng sẽ giải phóng ra một số hoá chất vào máu nhằm làm suy yếu cơ thể. Lúc này cơ quan “vùng hạ đồi” sẽ nhận biết có sự tấn công vào cơ thể và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường, từ 37 độ C lên 39-40 độ C, thậm chí cao hơn, đó chính là sốt.

Dù sốt hay không sốt thì hiệu quả của vaccine COVID-19 là như nhau - (Ảnh: twgreatdaily).

Sốt là triệu chứng giúp dự báo chính xác về tình trạng nhiễm trùng, tổn thương của cơ thể. Do đó, khi tiêm vaccine, cơ thể cũng sẽ nhận diện nó với cơ chế tương tự như thế. Cơ thể nóng sốt tức là hệ miễn dịch đang “đấu tranh” để bảo vệ cơ thể của mình. Thông thường, sau khi tiêm, đi kèm với sốt còn có các triệu chứng như đau nhức, chóng mặt, dị ứng, co giật… chúng đều được gọi chung là “phản ứng sau tiêm chủng”.

Tuy nhiên cần biết rằng, phản ứng sau tiêm chủng của mỗi người khác nhau. Có thể sốt, có thể không, nhưng hiệu quả của vaccine là như nhau. Cơ thể sốt sau tiêm có nghĩa là hệ miễn dịch đang chiến đấu quyết liệt với “kẻ địch”. Cơ thể không sốt, không có nghĩa là hệ miễn dịch không chiến đấu, mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn.

Lưu ý về sử dụng thuốc hạ sốt sau tiêm chủng

Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, bạn cần tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 ngày; để ý đến các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau.. tại vị trí tiêm. Nếu bạn có các dấu hiệu như sốt từ 38,5 độ C hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm thì cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường như Paracetamol theo đúng chỉ định về liều lượng, khoảng cách giữa các liều của cán bộ y tế.

Trong trường hợp, phát hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc biểu hiện bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, khi đi tiêm chủng bạn cần khai báo rõ tình trạng bệnh lý của mình khi khám sàng lọc. Trong và sau quá trình tiêm vẫn cần thực hiện tốt biện pháp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”. Vì chưa có loại vaccine nào hiệu quả bảo vệ đạt 100% nên việc tuân thủ quy tắc 5K chính là việc làm hiệu quả nhất để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/sau-khi-tiem-vaccine-phong-covid-19-bi-sot-hay-khong-sot-thi-tot-hon-31322/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY