Sức khỏe hôm nay

Thai 40 tuần tuổi - Ngày con chào đời đã cận kề

Vậy là hành trình mang thai của mẹ bầu đã sắp kết thúc khi thai kỳ bước sang tuần 40. Thai nhi 40 tuần tuổi đã mang đầy đủ đặc điểm của một em bé sơ sinh, sẵn sàng cùng ba mẹ bước vào một cuộc sống mới.

Khi mang thai 40 tuần, chắc hẳn trong lúc chờ đợi khoảnh khắc lâm bồn, nhiều mẹ bầu sẽ tò mò không biết thai nhi 40 tuần phát triển như thế nào, các đặc điểm, chỉ số cơ thể ra sao.

Đừng quá lo lắng bởi trong bài viết dưới đây, mẹ bầu có thể tìm kiếm tất cả các thông tin về thời điểm mang thai 40 tuần.

Những đặc điểm của thai nhi tuần 40

Đặc điểm về chiều dài, cân nặng: Bước sang tuần 40, thai nhi đã phát triển hoàn chỉnh về hình dáng như một em bé sơ sinh.

Trung bình, chiều dài và cân nặng của thai nhi 40 tuần sẽ là vào khoảng 3,338kg và 51cm, tương đương với một quả bí ngô. Mặc dù vậy, kích thước này có thể thay đổi tùy theo từng thai nhi, cơ thể người mẹ.

Làn da của trẻ sơ sinh: Da của thai nhi 40 tuần trong bụng mẹ có thể mang sắc tố hồng do các mạch máu dưới da. Sau khi sinh, em bé có thể có làn da màu đỏ tím, vùng da tay, chân có thể hơi màu xanh.

Đây là những trạng thái sắc tố da tương đối bình thường và mẹ hoàn toàn có thể yên tâm rằng làn da bé sẽ được thay đổi sau vài ngày làm quen với môi trường mới.

Hoạt động của nhau thai: Bước sang tuần 40, nhau thai vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ đó là cung cấp các dưỡng chất nuôi dưỡng bé; cung cấp kháng thể giúp bé chống lại nhiễm trùng trong 6 tháng đầu đời sắp tới.

Nhịp tim của thai nhi: Ở tuần thứ 40, nhịp tim của thai nhi vẫn không có sự thay đổi so với các tuần thai trước đó. Trung bình mỗi phút, trái tim của thai nhi có thể đập từ 120 - 160 nhịp.

Ngôi thai: Phần đa thai nhi 40 tuần tuổi đều đã quay đầu xuống dưới, sẵn sàng để chào đời. Tuy nhiên cũng có một phần nhỏ các trường hợp thai nhi ngôi ngược, tức là không quay đầu.

Với những trường hợp này, nếu không thể can thiệp từ những động tác bên ngoài, các bác sĩ thường sẽ chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.

Cử động thai: Ở tuần 40, bé sẽ tích cực hoạt động hơn với các cú đạp vào bụng mẹ. Mặc dù cảm thấy nặng nề, đôi khi là giật mình và khó chịu thế nhưng mẹ hãy tin rằng, đó là dấu hiệu thể hiện con vẫn đang khoẻ mạnh.

Mang thai tuần 40, cơ thể người mẹ thay đổi như thế nào?

Ở tuần mang thai cuối này, cơ thể mẹ bầu sẽ trở nên nặng nề, khó chịu hơn nhiều. Mẹ bầu cũng đôi khi cảm nhận được những cơn co từ tử cung và rất mong muốn đón con yêu chào đời.

Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu tuần 40 có thể kể đến như:

Bụng bầu tụt sâu: Lúc này, thai nhi đã tụt xuống sâu vùng chậu, sát vùng âm đạo của mẹ để sẵn sàng chào đời. Điều này có thể khiến mẹ gặp khó khăn khi đứng, ngồi, di chuyển.

Các cơn co thắt: Những cơn co thắt này có thể là chuyển dạ giả hoặc chuyển dạ thật. Con co có thể kéo dài từ 1 phút, thậm chí là lâu hơn. Khi cơ thể xuất hiện những cơn co, mẹ cần tới ngay bệnh viện để được theo dõi.

Biểu hiện đau ở nhiều vùng trên cơ thể: Đau dạ dày, đau lưng, đau đùi… là những biểu hiện đau mẹ bầu dễ gặp ở tuần 40.

Ngực căng hơn, sữa non tiết nhiều hơn: Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng cho biết mẹ đã rất cận kề giây phút chuyển dạ. Lúc này, mẹ hãy vệ sinh đầu vú thật kỹ càng để sẵn sàng dành dòng sữa quý giá cho con yêu nhé.

Những dấu hiệu chuyển dạ tuần 40 mẹ cần nắm rõ

Bước sang tuần thai 40, mẹ bầu có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu chuyển dạ là vô cùng cần thiết để mẹ có thể kịp thời tới bệnh viện và sinh con. Những dấu hiệu mẹ sắp sinh khi mang thai 40 tuần sẽ bao gồm:

Sa bụng, tụt bụng

Đây là dấu hiệu tương đối đặc trưng bởi lúc này thai nhi đã di chuyển vào khu vực xương chậu của mẹ. Khi bụng tụt xuống dưới, mẹ bầu có thể cảm thấy dễ thở hơi do tử cung không còn chèn nhiều lên phổi nữa. Tuy nhiên đây lại là lúc mẹ bầu thường xuyên mót tiểu do thai nhi xuống khung xương chậu thì lại chèn lên bàng quang.

Xuất hiện các cơn co thắt tử cung

Ở tuần thứ 40, thay vì những cơn co thắt giả, co thắt sinh lý xuất hiện thì những cơn co thắt thật sẽ “ập đến" với tần suất mạnh mẽ, dồn dập, mức độ đau cũng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cơn co thắt tử cung là dấu hiệu của việc chuyển dạ, diễn ra đều đặn khoảng 5 – 7 phút/ lần và kéo dài trong khoảng 1 phút. Khi thấy xuất hiện các cơn co, mẹ bầu cần chuẩn bị và tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ hướng dẫn, theo sát quá trình sinh nở.

Tăng tiết dịch nhầy ở cổ tử cung

Trong suốt 40 tuần mang thai, nút nhầy ở cổ tử cung đóng vai trò như một nút khóa, giúp bảo vệ bào thai, ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn bên ngoài.

Bước sang tuần 40, nút nhầy này sẽ có xu hướng bong ra, chuẩn bị sẵn sàng cho bé yêu chào đời.

Nếu sự xuất hiện của nút nhầy ở quần lót có màu trong, đục tự nhiên thì mẹ chưa cần quá lo lắng. Tuy vậy, nếu màu sắc của nút nhầy là nâu, hồng nhạt hay đỏ máu thì mẹ cần nhanh chóng tới bệnh viện.

Cổ tử cung mở

Chắc hẳn các mẹ bầu ở tuần thai thứ 40 đều biết về giai thoại “mở 10 phân". Thực tế, lúc này cổ tử cung sẽ dần giãn nở để mở đường cho em bé ra đời.

Việc xác định độ mở của cổ tử cung sẽ thông qua thăm khám trực tiếp. Đo độ mở của cổ tử cung cũng sẽ giúp xác định khoảng thời gian mẹ có thể lên bàn sinh con.

Mẹ mệt mỏi nhiều hơn

Đây là điều hoàn toàn bình thường bởi lúc này thai đã khá to, nặng nề. Cùng với đó, việc đi tiểu thường xuyên, khó khăn khi đi lại càng khiến mẹ mất sức. Vì vậy, mẹ hãy thư giãn tinh thần và cố gắng ngủ nhiều nhất có thể để sẵn sàng cho mốc vượt cạn sắp tới nhé.

Hiện tượng chuột rút, đau lưng

Càng gần tới thời điểm sinh thì những hiện tượng như chuột rút, đau lưng, đau sút hông sẽ diễn ra nhiều hơn. Điều này được giải thích là bởi thai nhi lớn, các cơ khớp bị kéo căng hết mức, từ đó dẫn tới hiện tượng đau mỏi.

Rỉ ối, vỡ ối

Đây là dấu hiệu đặc trưng nhất. Túi ối bị rỉ, vỡ cũng là “thông báo" của thai nhi về việc đã sẵn sàng chào đời. Nếu nước ối của mẹ trong, mẹ có thể yên tâm, bình tĩnh tới bệnh viện.

Tuy nhiên nếu nước ối có màu, có mùi khác thường, mẹ bầu cần lập tức nhập viện cấp cứu vì nếu chậm trễ, bé có thể bị ngạt ối, hít phân su…

Mang thai tuần 40, mẹ bầu nên ăn gì để dễ sinh?

Ở tuần thứ 40, mẹ sẽ không cần phải kiêng những thực phẩm gây co bóp tử cung trong suốt thai kỳ nữa. Trái lại lúc này, những thực phẩm như mè đen, dứa, rau răm… rất được khuyến khích sử dụng.

Lá tía tô

Tía tô có tác dụng làm cổ tử cung mềm và mở nhanh, mẹ sẽ dễ dàng sinh thường trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy khi mang thai ở tuần thứ 40, mẹ hãy lấy lá tía tô rửa sạch, đun và uống nước ấm để giúp quá trình sinh nở thuận lợi hơn nhé.

Ăn chè mè đen

Mè đen hay vừng đen có tác dụng rất lớn trong kích thích cổ tử cung mở. Vì vậy, các bà bầu tuần 40 thường được khuyến khích ăn chè mè đen cùng bột sắn dây để vừa làm mát cơ thể, vừa dễ sinh hơn.

Uống nước dứa

Dứa tươi hay nước dứa ép đều có công dụng vô cùng lớn giúp chuyển dạ nhanh và nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, mẹ đừng quên bổ sung dứa chín và chế độ ăn khi mang thai tuần 40 nhé.

Uống nước dừa nóng

Nước dừa nóng cùng với trứng gà luộc sẽ giúp giúp cổ tử cung mở nhanh hơn, giúp dễ sinh thường. Nếu mẹ bầu có dấu hiệu chuyển dạ hay đơn giản là mong muốn quá trình sinh được thuận lợi, mẹ đừng bỏ qua gợi ý này nhé.

Ăn rau lang

Rau lang cũng là một loại thực phẩm giúp cổ tử cung nhanh mềm, rút ngắn thời gian chuyển dạ để dễ sinh thường hơn. Đặc biệt, rau lang còn rất lợi sữa, giúp mẹ có nhiều sữa sau sinh.

Mang thai tuần 40, mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Những ngày cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý tới những vấn đề sau để đảm bảo quá trình sinh con diễn ra thuận lợi.

Không nên đi xa khi thai tuần 40

Ở thời điểm này, mẹ bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Vì vậy, các hoạt động đi chơi, di chuyển xa khỏi khu vực sinh sống cần được hạn chế.

Không chỉ có mẹ bầu mà cả người hỗ trợ mẹ trong lúc sinh như chồng, bố mẹ cũng cần túc trực ở bên để sẵn sàng cùng mẹ tới bệnh viện sinh em bé.

Tránh căng thẳng

Với những mẹ mang thai lần đầu, cảm giác lo lắng, căng thẳng khi bước sang tuần thai 40 là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi bên cạnh mẹ còn có người thân và các y bác sĩ hỗ trợ.

Vì vậy, mẹ bầu mang thai 40 tuần cần giữ tâm lý thoải mái, thư giãn, không căng thẳng. Đây cũng là bí quyết giúp mẹ có thêm động lực, sức mạnh vượt cạn thành công.

Chuẩn bị đồ đi sinh khi thai nhi 40 tuần tuổi

Cùng với tâm thế sẵn sàng, mẹ bầu khi mang thai 40 tuần cũng cần chuẩn bị trước các món đồ đạc. Khi có dấu hiệu, mẹ chỉ cần xách làn lên để tới bệnh viện là được.

Những món đồ mẹ bầu có thể tham khảo trong giỏ đồ tới bệnh viện sinh nở đó là:

Các loại giấy tờ cần có:

  • Sổ khám thai, các phiếu siêu âm, X quang, ECG (nếu có) và các phiếu xét nghiệm trong thời kỳ mang thai (khám tại bệnh viện hoặc các nơi khác).

  • Sổ hộ khẩu bản chính và bản photocopy

  • Chứng minh thư dân dân/thẻ căn cước bản chính và bản photocopy

  • Thẻ bảo hiểm (có dán ảnh) bản chính và bản photocopy

  • Thẻ Thẻ gia hạn BHYT (không dán ảnh) bản chính và bản photocopy

Các vật dụng cho bé khi đi sinh

  • Tã giấy trẻ nhỏ: 20 chiếc.

  • Quần đóng tã: 3 chiếc.

  • Áo sơ sinh: 3 chiếc.

  • Tã chéo: 3 chiếc.

  • Bao tay, bao chân: 3 đôi.

  • Mũ mềm: 2 chiếc.

  • Khăn xô: 1 chiếc

  • Khăn xô lớn lau bé khi tắm: 4 – 6 chiếc

  • Khăn bông tắm, để đắp người cho bé: 1 chiếc.

  • Sữa

  • Nước muối sinh lý để rửa mắt cho bé.

  • Bình sữa, cốc, thìa loại nhỏ.

  • Khăn quấn bé : 6 – 8 cái

  • Khăn sữa (nhỏ): 15 – 20 cái

  • Khăn ướt: 2 gói

  • Băng rốn: 4 – 5 cái

  • Rơ lưỡi: 5 – 7 cái

  • Băng rốn: 4 – 5 cái

  • Bông y tế: 1 gói nhỏ

  • Nước muối sinh lý: 1 lọ nhỏ 10ml dùng lau mắt mũi cho bé vào mỗi buổi sáng.

  • Máy hút sữa đề phòng trường hợp mẹ chưa thể trực tiếp cho bé bú

  • Tã giấy hoặc bỉm sơ sinh: 30 cái (1-2 ngày đầu mới sinh bé đi phân su nhiều nên cần thay tã bỉm liên tục).

  • Tấm chống thấm: 10 cái (lót cho bé)

Các vật dụng cần cho mẹ khi đi sinh

  • Băng vệ sinh sau sinh: khoảng 6 cái.

  • Bỉm: 2 cái

  • Bông gòn

  • Sữa tươi và sữa đặc.

  • Cốc có nắp và thìa.

  • Quần lót cotton mỏng (loại dùng 1 lần): 20 cái (đủ cho cả sản phụ sinh mổ).

  • Giấy vệ sinh: 3 – 4 cuộn (dùng lúc chuyển dạ).

  • Giấy và khăn ướt.

  • Trang phục: Mặc dù có sẵn đồ bệnh nhân tại bệnh viện nhưng sản phụ vẫn nên mang theo dự phòng cho mình từ 1 – 2 bộ để chủ động hơn. Trang phục mang theo nên là loại mỏng nhẹ, rộng rãi và đặc biệt là có nút, thuận tiện cho bé bú.

  • Kính râm để bảo vệ mắt bạn không bị chói mắt, ảnh hưởng đến thị lực sau này.

  • Một chiếc chậu nhỏ.

  • Bàn chải đánh răng và nước súc miệng.

  • Túi nhỏ để gói đồ bẩn.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều bệnh viện đã trang bị các vật dụng cho hành trình sinh trọn gói. Vì vậy mẹ nên tìm hiểu kỹ ở bệnh viện mình dự sinh để có được sự chuẩn bị phù hợp nhất.

Thai nhi 40 tuổi đã hoàn thiện và sẵn sàng chào đời, bắt đầu một cuộc sống mới. Với những mẹ bầu 40 tuần, lúc này mẹ hãy giữ một sức khỏe tốt, một tinh thần thật thoải mái để sẵn sàng chào đón con yêu nhé.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-40-tuan-tuoi--ngay-con-chao-doi-da-can-ke-33120/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY