Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam bị tràn dịch khớp gối nghiêm trọng khi cố gắng chạy bộ giữ dáng: Đừng mắc phải 8 sai lầm hại thân nếu bạn cũng đang chạy bộ để giữ dáng

Thí sinh này tiết lộ rằng để cải thiện vóc dáng và chuẩn bị cho cuộc thi lần này, cô đã từng chạy bộ liên tục 13km/ngày không ngơi nghỉ, dẫn tới việc bị tràn dịch khớp gối rất nghiêm trọng.

Chayxamlet Vatsana, năm nay 20 tuổi và cao 1m68, có bố người Lào, mẹ người Việt, là một thí sinh khá nổi bật trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Với ngoại hình và gương mặt khá ấn tượng, Chayxamlet Vatsana được đánh giá là đối thủ đáng gờm với các thí sinh còn lại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được sự đánh giá cao như vậy, Chayxamlet Vatsana cũng đã phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí trải qua không ít đau đớn.

Chayxamlet tiết lộ rằng để cải thiện vóc dáng và chuẩn bị cho cuộc thi lần này, cô đã từng chạy bộ liên tục 13km/ngày không ngơi nghỉ, dẫn tới việc bị tràn dịch khớp gối rất nghiêm trọng. Hậu quả là Chayxamlet phải dành 3 tháng để hồi phục và tĩnh dưỡng tại nhà. Rất may ở thời điểm hiện tại, người đẹp đã hoàn toàn hồi phục và sẵn sàng để dốc toàn lực cho đấu trường nhan sắc lần này.

Mặc dù bị chấn thương do chạy bộ nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, Chayxamlet Vatsana đã rất thông minh khi lựa chọn phương pháp này để luyện tập. Tuy nhiên, cũng giống như các phương pháp khác, để đạt được hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên phải là tập luyện đúng.

Chạy bộ là một hoạt động thể chất phổ biến giúp bạn giữ được vóc dáng cân đối. Các bằng chứng khoa học đã xác nhận rằng cách chạy chậm ít tác động này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, trầm cảm và lo lắng. Nó cũng làm tăng sức chịu đựng và năng suất của bạn. Do đó, không nghi ngờ gì nữa, bắt đầu chạy bộ có thể là quyết định tốt nhất trong cuộc đời bạn.

Những lợi ích nổi bật của chạy bộ phải kể đến:

- Giúp giảm cân và đốt cháy calo

- Cải thiện sức khỏe tim mạch

- Cải thiện sức khỏe phổi

- Cải thiện sức mạnh của xương

- Giúp săn chắc cơ bắp

- Cải thiện sức khỏe tâm thần, giảm trầm cảm và căng thẳng

- Cải thiện tính linh hoạt của cột sống, tăng sức chịu đựng và sức bền

Nhiều người mắc phải 8 sai lầm sau khiến việc chạy bộ không những không hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho bản thân

Bạn thích chạy và không ngại ngần chạy bộ sáng chiều cũng không có nghĩa là chắc chắn bạn đã chạy đúng cách. Chỉ cần mắc phải những lỗi sau, công cuộc chạy bộ của bạn hoàn toàn có thể trở thành công cốc.

1. Chọn sai giày

Chọn sai giày có thể dẫn đến đau, chấn thương, và sau đó không được chạy.

Cùng quan điểm, huấn luyện viên thể dục và sức khỏe toàn diện có trụ sở tại Thành phố New York, Dennis Hoop, một chuyên gia về thể dục cao cấp và y tế khuyên bạn: "Tốt nhất, bạn nên đến một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm cho chạy bộ hoặc giày thể thao để được tư vấn và chọn giày chạy bộ phù hợp nhất với mình, tùy thuộc vào hình dạng bàn chân, kích thước, bước đi và trọng lượng cơ thể".

2. Thắt dây giày quá chặt

Mặc dù một đôi giày buộc lỏng có thể khiến bạn dễ bị chấn thương hơn, nhưng buộc dây quá chặt cũng có thể gây ra ảnh hưởng xấu. Một đôi giày quá chật có thể gây áp lực lên xương ở bàn chân, buộc bạn phải có dáng đi không đồng đều, đồng thời có khả năng hạn chế tuần hoàn của bạn.

3. Không biết điều chỉnh nhịp độ bản thân

"Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải khi bắt đầu chạy là chọn sai tốc độ và quãng đường chạy phù hợp thể lực của mình. Nếu bạn là người mới chạy bộ, thay vì bắt đầu với chạy nước rút, hãy chạy các quãng đường ngắn. Bạn không muốn cảm thấy hoàn toàn mệt mỏi hoặc đau nhức trong những ngày tiếp theo. Hãy chọn chạy quãng đường dài thêm một chút với tốc độ chậm hơn. Tăng dần tốc độ và quãng đường chạy của bạn, vì nếu bạn tăng tải quá nhanh, chấn thương có thể xảy ra", Hoop nói.

4. Thở không đúng cách

Hoop nói: "Hít thở là bản chất của mọi chuyển động. Hãy tìm một kiểu thở tạo cảm giác thoải mái cho bạn và duy trì nhịp thở ổn định trong suốt quá trình chạy của mình mà không cần nỗ lực gì sẽ tốt hơn cho bạn". Nếu thở không đúng cách, bạn sẽ nhanh mất sức, dễ mệt mỏi và hiệu quả chạy bộ không cao. Ông cũng gợi ý một cách thở cho những người thích chạy bộ là: Hai lần hít vào ngắn và một lần thở ra dài.

5. Chọn sai trang phục

Có thể bạn cho rằng trang phục bên ngoài không mấy quan trọng, cái chính là việc chạy nhưng các huấn luyện viên lại thấy khác. Huấn luyện viên Alejandro Terrazas, người sáng lập và Giám đốc điều hành của UnleashFit cho biết: "Khi nói đến việc chạy và thực hiện các hoạt động tim mạch, tôi khuyên khách hàng của mình nên chạy với chiếc áo hơi rộng để cơ thể được thở". Terrazas khuyên bạn nên tránh xa những trang phục quá bó sát, có thể gây khó chịu và mặc quần sooc thay vì quần dài để tránh quá nóng.

6. Bỏ qua việc khởi động trước khi chạy và hạ nhiệt sau khi chạy

Bỏ qua việc khởi động và hạ nhiệt có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng.

Hoop nói: "Nếu bạn không dành vài phút để giãn cơ hoặc khởi động trước khi chạy, bạn đang tăng khả năng bị thương. Khi bạn làm nóng cơ thể trước khi chạy, lưu lượng máu của bạn tăng dần và ngăn bạn kéo cơ. Một nguyên tắc nhỏ cần tuân theo là hãy dành 10 phút để khởi động trước mỗi lần chạy".

"Cũng giống như khởi động trước khi chạy, hạ nhiệt cũng quan trọng không kém. Nếu bạn không giảm dần tốc độ sau khi chạy bằng cách dành thời gian để đi bộ, hạ nhịp tim và kéo căng cơ thể, thì bạn đang cảm thấy buồn nôn, chóng mặt hoặc chuột rút ở chân", ông nói thêm.

7. Không bổ sung nước cho cơ thể

Hoop nói: "Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất 5% nước trong cơ thể sẽ kìm hãm hiệu suất tập luyện của bạn đến 30%. Do đó, hãy đảm bảo uống nhiều nước trong suốt thời gian tập luyện của bạn: Trước, trong khi tập (đặc biệt là nếu bạn tập lâu hơn với tốc độ cao), và sau đó.

8. Không theo dõi nhịp tim

"Nhịp tim là một thiết bị theo dõi và công cụ tuyệt vời để điều chỉnh cường độ chạy của bạn, cũng như nó cho thấy sự tiến bộ về mức độ thể chất của bạn. Hãy tưởng tượng bạn đang chạy với tốc độ 12/giờ, với nhịp tim là 140. Sáu tháng sau, bạn sẽ có nhịp tim 120 ổn định, cùng một tốc độ - một tiến bộ rất lớn! Hãy sử dụng máy theo dõi nhịp tim tốt và tận dụng thông tin bạn có được từ nó", Hoop nói.

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang chạy bộ sai cách

Nếu đã chạy bộ được một thời gian mà vẫn gặp những dấu hiệu này thì chứng tỏ bạn đang chạy sai cách đấy, hãy thay đổi ngay thôi:

- Cổ của bạn bị đau: "Nhiều người khi mới bắt đầu chạy thường có xu hướng nhìn chằm chằm vào chân của họ vì họ đang cố gắng xem những gì đang diễn ra ở đó, bởi vậy họ dễ bị đau cổ", Cat Fitzgerald, một nhà trị liệu vật lý và chuyên gia tư vấn chạy tại New York Custom Physical Therapy cho biết.

- Bạn thở hổn hển: Khi bạn là một vận động viên mới, bạn có thể luôn cảm thấy hụt hơi khi chạy. Nhưng khi đã biết cách thở đúng bạn sẽ thấy nhịp thở của mình đều đặn hơn.

- Bạn bị chuột rút: Nhiều vận động viên mới chạy có thể gặp phải tình trạng chuột rút trong những lần đầu tiên. Điều này không có gì lạ. Những cơn chuột rút này dường như không biết từ đâu mà ra, nhưng chúng thực sự có thể tránh được sau khi bạn đã chạy đúng.

- Bạn bị đau đầu gối: Đau đầu gối là điều quá phổ biến đối với cả những người mới chạy nhưng nếu bạn đã dày dạn kinh nghiệm mà vẫn đau đầu gối mỗi khi chạy thì hãy xem lại toàn bộ quá trình chạy của mình, bao gồm cả đôi giày và trang phục bạn đang mặc nhé.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/thi-sinh-hoa-hau-viet-nam-bi-tran-dich-khop-goi-nghiem-trong-khi-co-gang-chay-bo-giu-dang-dung-mac-phai-8-sai-lam-hai-than-neu-ban-cung-dang-chay-bo-de-giu-dang-20200813141039762.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY