Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tiêm phòng cúm giúp tránh nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 ở nhóm người lớn tuổi

Mới đây, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đưa ra nhận định, nhóm người cao tuổi và có nhiều bệnh nên khi tiêm phòng cúm đầy đủ có khả năng tránh được các bệnh về đường hô hấp, hỗ trợ miễn dịch và hạn chế các di chứng về bệnh có thể xảy ra.

Người cao tuổi thường đi kèm với nhiều bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm đi kèm với sức đề kháng kém, chính vì vậy, họ dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cúm. Người lớn tuổi mắc cúm sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng phổi, gây suy hô hấp.

Chủ động tiêm phòng cúm sẽ giúp giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong

Dựa trên thống kê của CDC (Mỹ), số liệu cho thấy, nhóm người từ 65 tuổi trở lên dễ bị tử vong hơn khi mắc bệnh hoặc có các di chứng liên quan đến bệnh cúm mùa với tỷ lệ khoảng 70 - 85%, riêng về trường hợp nhập viện có liên quan đến cúm mùa ở nhóm tuổi này thì khoảng 50 - 70%.

WHO đã chứng minh được rằng, chủ động tiêm phòng cúm mùa có thể làm giảm khả năng tử vong lên tới 70 - 80%, đồng thời việc ngăn ngừa biến chứng, hạn chế bệnh tật liên quan đến cúm mùa lên tới 60%, cũng như giúp giảm tỷ lệ nhập viện bởi các bệnh nền đi kèm như tim mạch, đái tháo đường hay người có hội chứng suy giảm miễn dịch. Người đã tiêm vaccine nếu mắc cúm sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn, ít có nguy cơ tử vong hơn người chưa tiêm vaccine.

Cúm mùa là bệnh lý về thời tiết, tuy phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng với người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người có sức khoẻ yếu, có bệnh lý nền, bệnh mãn tính. Do đó, việc tiêm phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng với các nhóm đối tượng này.

Virus cúm có ái tính đặc biệt đối với tế bào biểu mô đường hô hấp, virus này thường nhân lên mạnh mẽ khi xâm nhập vào đường hô hấp và phá hủy các tế bào. Khi vượt qua hàng rào miễn dịch virus cúm đi vào máu, tới các cơ quan và gây tổn thương tại đó.

Với người mắc cúm, nếu ở thể vừa và nhẹ bệnh nhân thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, chóng mặt, viêm đường hô hấp, viêm thanh quản... Mặt khác, nếu nhiễm cúm thể ác tính (bệnh cúm A/H5N1), người bệnh sẽ gặp tình trạng mệt mỏi, lo lắng, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, tổn thương gan, thận, phổi. Nếu không được điều trị tích cực, người bệnh có thể tử vong sau 1 - 3 ngày do suy hô hấp và trụy tim mạch.

Tiêm vaccine cúm giúp tạo miễn dịch chéo với vaccine COVID-19

Tại Việt Nam, vào khoảng tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hằng năm cúm mùa thường đạt đỉnh, đồng thời có xu hướng gia tăng vào những tháng cuối năm.

Thời điểm thích hợp tiêm vaccine cúm là khoảng 2 tuần – 1 tháng trước khi vào mùa dịch vì sau khi tiêm, cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm, tức là khoảng tháng 8, tháng 9 hằng năm (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vaccine cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm thường có tính đột biến và khả năng thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vaccine cúm nhắc lại hàng năm. Hiện nay, vaccine cúm có đầy đủ ở các độ tuổi, trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vaccine cúm mũi đầu tiên.

Ngoài ra, việc tiêm vaccine cúm được chứng minh là có khả năng tạo ra "miễn dịch chéo không đặc hiệu" với COVID-19, giảm tỷ lệ mắc bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng và tử vong, nhất là ở người già, người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên không chỉ định sử dụng vaccine cúm thay thế vaccine COVID đối với tất cả các nhóm đối tượng, khuyến cáo tiêm cùng buổi tiêm hoặc xen giữa lịch tiêm vaccine COVID sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh các biện pháp dinh dưỡng khoa học, rèn luyện nâng cao thể trạng, việc tiêm vaccine phòng cúm mùa giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ người cao tuổi hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh đồng thời đảm bảo miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh hiệu quả cho những người xung quanh. Rất cần cộng đồng sẽ hình thành thói quen tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tiem-phong-cum-giup-tranh-nguy-co-dong-nhiem-covid-19-o-nhom-nguoi-lon-tuoi-33447/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY