Dinh dưỡng hôm nay

Top những thực phẩm nên và không nên ăn sau khi tiêm vaccine COVID-19

Để cơ thể nhanh hồi phục, sau khi tiêm vaccine COVID-19 bạn nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh. Vậy cụ thể, bạn nên và không nên ăn gì khi tiêm vaccine COVID – 19

Tương tự các loại vaccine khác, khi tiêm vaccine COVID-19 bạn có thể gặp các phản ứng phụ như: Sưng đau ở chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, đau khớp/cơ, sốt nhẹ (từ 38 độ trở xuống)... Thông thường, các triệu chứng vừa kể trên sẽ thuyên giảm, tự khỏi trong khoảng 1-2 ngày sau tiêm và không gây vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Và theo một số nghiên cứu lâm sàng, các phản ứng sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19 thậm chí còn có lợi, vì đó là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch cơ thể đang phản ứng tốt với vaccine.

Vì thế, sau khi tiêm bạn không nên quá lo lắng, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, có chế độ chăm sóc, theo dõi sức khỏe một cách hợp lý, đặc biệt nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp với các món dễ tiêu và tốt cho sức đề kháng… Cụ thể, hãy tham khảo top những thực phẩm nên và không nên ăn khi tiêm vaccine COVID – 19 sau đây để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và khỏe mạnh hơn.

Bữa ăn của người sau tiêm vaccine COVID-19 nên có những món lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp...

THỰC PHẨM NÊN BỔ SUNG KHI TIÊM VACCINE COVID-19

1. Nước

Bạn biết không, nước không những đảm bảo hoạt động sống của cơ thể, mà còn góp phần điều chỉnh nhiệt độ, đảm bảo quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải độc tố. Vì thế, trung bình mỗi người cần 6-8 cốc nước/ngày, lượng nước này tương đương 1,5 lít nước. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào thời tiết, mức độ lao động, tình trạng sinh lý... mà nhu cầu và cách bổ sung nước có thể thay đổi.

Ngoài nước lọc, bạn nên bổ sung nước thông qua các loại nước ép.

Điển hình như trước và sau khi đã tiêm vaccine COVID-19, bạn cần bổ sung nhiều nước, chia nhỏ lượng nước cần uống trong ngày để uống từ từ, tránh tình trạng cảm thấy khát mới bổ sung.. Vì khi tiêm vaccine COVID -19 có thể bạn sẽ cảm thấy mệt, đau đầu, sốt, việc bổ sung nước đầy đủ sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh hơn. Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung các loại nước ép như cam, chanh, bưởi để bổ sung lượng vitamin C tốt cho sức đề kháng.

2. Cá

Cá không những giàu đạm dễ tiêu, tốt cho hệ tiêu hóa, mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: Vitamin A, D, magie, kẽm… Vì thế, bạn nên ăn bổ sung cá ít nhất 3 lần/tuần. Đặc biệt, bạn nên ưu tiên bổ sung các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Vì chúng rất giàu Omega-3 có tác dụng tuyệt vời trong việc chống viêm, tăng cường sức đề kháng.

3. Thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A giúp bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch.

Trước và sau khi tiêm, bạn nên bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin A như: gấc, bí đỏ, cà rốt, khoai lang, ớt chuông, rau bina, bông cải xanh, dầu gan cá… Vì Vitamin A là dưỡng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp, đây đều là tuyến phòng ngự đầu tiên giúp bảo vệ cơ thể trước các mầm bệnh nguy hiểm.

4. Thực phẩm giàu vitamin C, E

Không riêng gì vitamin C, vitamin E cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào và góp phần tăng cường sức đề kháng. Vì thế, bạn nên bổ sung hai dưỡng chất này thông qua các loại rau, củ, quả như: Vitamin C (cam, chanh, bưởi, ổi, kiwi, đu đủ, bông cải xanh…); Vitamin E (các loại đậu, rau có lá màu xanh đậm, dầu hướng dương/oliu…).

5. Thực phẩm giàu vitamin D

Thiếu vitamin D, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có nguy cơ bị biến chứng nặng.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ chuyển biến nặng và nhập viện ở bệnh nhân COVID-19. Vì ngoài tác dụng giúp hệ xương phát triển khỏe mạnh, vitamin D còn có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Vậy nên, bạn đừng quên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá, lòng đỏ trứng, sữa… vào chế độ ăn hàng ngày nhé! 6. Thực phẩm giàu kẽm

Tương tự các dưỡng chất vừa kể trên, kẽm cũng là vi khoáng chất cần thiết, giúp tăng cường sức đề kháng, giúp vết thương mau lành, đồng thời duy trì vị giác và khứu giác. Một số thực phẩm giàu kẽm bạn có thể tham khảo như: Hải sài (tôm, cua, hàu), các loại ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, óc chó)…

NHỮNG THỰC PHẨM NÊN TRÁNH BỔ SUNG KHI TIÊM VACCINE COVID-19

1. Rượu

Nên tránh uống rượu sau khi tiêm vắc xin COVID-19, vì rượu có thể ức chế miễn dịch, làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.

2. Thức ăn chưa chín

Không nên ăn thực phẩm chưa chín khi tiêm vaccine COVID-19.

Trước và sau khi tiêm, bạn nên ưu tiên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối tránh ăn những món chưa chín như: món tái, món gỏi, tiết canh, trứng sống, trứng lòng đào… Trong quá trình chế biến, nên chú ý vệ sinh dao, thớt sạch sẽ để tránh bị nhiễm khuẩn nhé!

3. Thức ăn nhanh

Khi tiêm vaccine COVID-19 có thể nhiều người sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, vì thế bạn cần tránh ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích… Vì đây là những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, vừa không tốt cho đường tiêu hóa, vừa có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, khiến sức khỏe yếu hơn.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/top-nhung-thuc-pham-nen-va-khong-nen-an-sau-khi-tiem-vaccine-covid-19-31212/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY