Tim mạch hôm nay

Khoa tim mạch là một phân ngành quan trọng thuộc khối y học lâm sàng, với mọi hoạt động chẩn đoán và điều trị chuyên môn về các bệnh lý liên quan đến hệ thống tuần hoàn, là một cơ quan có tính quyết định và ảnh hưởng lớn đến sự sống của con người. Khoa tim mạch được phân thành Nội Tim mạch và Ngoại Tim mạch.

Trò chuyện với bác sĩ thực hiện ca mổ tim trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam

Sự giúp đỡ của chuyên gia thông qua nền tảng Telehealth rất quan trọng với chúng tôi. Đôi khi trong quá trình thực hiện phẫu thuật, có những tình huống ngoài dự kiến, khó, bất thường thì có khi nó góp gần 100% vào sự thành công.

PV: Chào BS Dương Xuân Phương! Chúc mừng anh vừa thực hiện xong ca mổ tim can thiệp từ xa đầu tiên tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các bác sĩ BV Tim Hà Nội và hệ thống Telehealth. Xin anh cho biết, ca phẫu thuật có thành công không? Hiện tại tình trạng của bệnh nhân ra sao?

BS Dương Xuân Phương: Ca mổ rất thành công. Hiện tại, bệnh nhân 55 tháng tuổi đã được phẫu thuật vá lỗ thông liên thất. Tình trạng của cháu bé khá ổn định, các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp đều tốt, lỗ thông liên thất đã được vá kín.

Ca mổ tim trực tuyến đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Tim Hà Nội thông qua nền tảng Telehealth.

PV: Lần đầu tiên tiến hành một ca mổ tim, mà chuyên gia lại hỗ trợ ở khoảng cách xa hàng trăm cây số, anh có hồi hộp, lo lắng không?

BS Dương Xuân Phương: Vâng, đây là lần đầu tiên cả ekip hơn 10 người của chúng tôi thực hiện một ca phẫu thuật tim dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nhưng không trực tiếp đứng cạnh hướng dẫn mà ở khoảng cách xa thông qua hệ thống Telehealth nên tôi cũng có chút lo lắng, hồi hộp. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra rất thuận lợi, cho kết quả tốt không khác gì những ca phẫu thuật có chuyên gia trực tiếp ở đây. Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ làm quen với sự khác biệt này nhanh thôi, tâm trạng lo lắng, hồi hộp sẽ mất đi khi trải qua vài ca mổ nữa.

PV: Anh đánh giá ra sao về mức độ phức tạp của ca phẫu thuật này?

BS Dương Xuân Phương: Nói tới mổ tim là phức tạp rồi, không phải bệnh viện tỉnh nào cũng có thể mổ được. Trước đây chúng tôi đã làm nhiều ca phức tạp hơn nhưng là có chuyên gia trực tiếp "cầm tay chỉ việc". Tuy nhiên, lần này là chúng tôi tự chủ, chuyên gia ở BV Tim Hà Nội vẫn hỗ trợ nhưng ở khoảng cách gần 100km thông qua hệ thống Telehealth.

PV: Quá trình chuẩn bị cho ca mổ của các bác sĩ ở 2 bệnh viện và các kỹ sư của Viettel diễn ra như thế nào?

BS Dương Xuân Phương: Toàn bộ e kíp đã phối hợp rất nhịp nhàng, ăn ý để đem lại sự thành công của ca bệnh. Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã khám rất kỹ cho bệnh nhân và làm các cận lâm sàng cần thiết, hội chẩn Trung tâm Tim mạch trước khi hội chẩn với các chuyên gia, đồng thời cũng lên các phương án để đảm bảo phẫu thuật thành công. Chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội hội chẩn, phân tích đưa ra các chiến lược cụ thể cho chúng tôi, hỗ trợ bất kỳ thời điểm nào cần xin ý kiến. Phía kỹ thuật của Viettel đảm bảo đường truyền nhanh, thông suốt, hình ảnh rõ nét, âm thanh trong... để giúp cuộc phẫu thuật được diễn ra thuận lợi nhất.

PV: Bình thường nếu không có sự hỗ trợ của Telehealth thì một ca mổ cần thiết có sự hỗ trợ của chuyên gia giống như ca phẫu thuật tim lần này sẽ diễn ra như thế nào? Liệu có phải chuyển lên tuyến trên không?

BS Dương Xuân Phương: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ rất ít khi phải chuyển bệnh nhân nên tuyến trên, nhưng trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của hệ thống Telehealth thì chúng tôi phải mời chuyên gia về tham gia trực tiếp vào các ca mổ. Bệnh lý tim phải phẫu thuật có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, đa số sẽ được chuẩn bị và hội chẩn rất kỹ lưỡng, hiếm khi phải mổ cấp cứu, nên chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia. Có một khó khăn là các chuyên gia thường rất bận. Với sự hỗ trợ của Telehealth, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, sự sắp xếp phối hợp với chuyên gia sẽ được thuận lợi, chủ động hơn, bệnh nhân cũng không phải chờ đợi.

Bác sĩ Phẫu thuật Dương Xuân Phương - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật

PV: Ở cách xa phòng mổ đến cả trăm kilomet, anh có thấy sự hỗ trợ của các chuyên gia BV Tim Hà Nội có bị hạn chế phần nào so với những lần hỗ trợ trực tiếp không?

BS Dương Xuân Phương: Đối với phẫu thuật tim, người mổ không chỉ cần có trình độ, kinh nghiệm mà còn cần bao quát toàn bộ cả ekip, có sự trao đổi thường xuyên với ekip, liên tục phối hợp với kíp gây mê, kíp chạy máy tim phổi nhân tạo, dụng cụ viên, quan sát màn hình các chỉ số, quan sát quả tim bóp... Do vậy, khi một phần ekip không ở bên cạnh thì sự hỗ trợ cũng hạn chế một phần. Nhưng theo tôi đánh giá, tuy không đứng cạnh "cầm tay chỉ việc", sự hỗ trợ của chuyên gia, từ khâu hội chẩn, đưa ra chiến lược mổ đến khâu thực hiện phẫu thuật... thông qua hệ thống Telehealth cũng đáp ứng được > 90% so với hỗ trợ trực tiếp. Khi tiến hành mổ thì thông qua Telehealth, chuyên gia cũng có thể hỗ trợ chúng tôi từ lúc rạch da đến khi kết thúc cuộc mổ.

PV: Nhiều người ví Telehealth là cánh tay thứ 3 trong phòng phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật tim này, anh đánh giá Telehealth góp bao nhiêu % vào sự thành công?

BS Dương Xuân Phương: Vâng, mổ tim có khi cần 20 - 30 cánh tay để thực hiện. Trong trường hợp này, sự giúp đỡ của chuyên gia thông qua nền tảng Telehealth rất quan trọng với chúng tôi. Nhưng đóng góp bao nhiêu % thì còn tuỳ vào ca bệnh. Đôi khi trong quá trình thực hiện phẫu thuật, có những tình huống ngoài dự kiến, khó, bất thường thì có khi nó góp gần 100% vào sự thành công.

PV: Tôi nghe nói, thông qua Telehealth, các bác sĩ đầu ngành ở cách xa bệnh nhân hàng trăm kilomet cũng có thể chính tay xử lý ca mổ. Đã có trải nghiệm thực tế là ca mổ vừa hoàn thành, anh có cho rằng điều này là đúng không?

BS Dương Xuân Phương: Việc thao tác trong ca mổ vẫn là kíp phẫu thuật tại chỗ phải đảm bảo nắm vững kỹ thuật, thao tác chính xác, còn các chuyên gia thông qua hệ thống Telehealth là hỗ trợ từ xa. Còn nói là từ xa hàng trăm kilomet mà vẫn có thể chính tay xử lý ca mổ thì chỉ có phẫu thuật bằng Robot. Tuy nhiên, ở giai đoạn khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, những điều "kỳ diệu" như vậy đều có thể xảy ra.

Những hình ảnh của ca phẫu thuật được thể hiện trên nền tảng trực tuyến Telehealth

PV: Nền tảng Telehealth rất mới. Có lẽ nó đã tồn tại dưới dạng ý tưởng trong nhiều năm cho đến gần đây, khi Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel hiện thực hoá nó trong đợt dịch Covid-19. Anh nghĩ, Telehealth sẽ giúp hỗ trợ cho những người làm chuyên môn như anh thế nào?

BS Dương Xuân Phương: Triển khai Telehealth là chủ trương của Bộ y tế, đặc biệt trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19 càng cho thấy vai trò, hiệu quả của nó. Qua Telehealth giúp chúng tôi được hội chẩn, trao đổi, phân tích ca bệnh cùng các chuyên gia đầu ngành, cùng các bạn đồng nghiệp ở nhiều điểm cầu, từ đó chúng tôi được học tập rất nhiều, nâng cao trình độ chuyên môn giúp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, họ không phải đi xa mà vẫn được chăm sóc, điều trị trong điều kiện gần như tốt nhất, giúp giảm chi phí đi lại, ăn ở, giúp giảm thời gian chờ đợi... Điều đó cũng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên vì bệnh nhân không cần chuyển lên tuyến trên nữa...

PV: Sau ca phẫu thuật này, anh có nghĩ đến việc sử dụng Telehealth vào việc học tập, nâng cao trình độ của mình không?

BS Dương Xuân Phương: Đương nhiên rồi, thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, công nghệ thông tin mang lại quá nhiều lợi ích cho con người. Ngành y nói riêng hiện nay đã có rất nhiều buổi đào tạo, trao đổi chuyên môn thông qua hệ thống Telehealth. Cá nhân tôi có thể trao đổi, học tập rất nhiều từ các chuyện gia, đồng nghiệp của mình trên khắp mọi miền đất nước...

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/tro-chuyen-voi-bac-si-thuc-hien-ca-mo-tim-truc-tuyen-dau-tien-tai-viet-nam-20200807163426794.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY