Tâm linh hôm nay

Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.4)

Tự tính thanh tịnh Niết bàn là một thứ Niết bàn tự tính thường vẳng lặng mà thường sáng suốt vượt ra ngoài tâm lượng hẹp của phàm phu và của hàng Nhị thừa. Nó thường bộc lộ sáng suốt ở chư Phật mà cũng vẫn thường sẵn có ở mọi chúng sinh.

Chương thứ Tư

DIỆT ĐẾ

(CHÂN LÝ VỀ SỰ DIỆT KHỔ)

I. Mở đầu:

Toàn bộ hai phần đầu của Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã nói trước về nỗi khổ của chúng sinh (Khổ đế), rồi sau mới nói đến nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra những nỗi khổ ấy (Tập đế). Sau khi đã nhận diện các nguyên nhân, nguồn gốc của chứng bệnh khổ đau trầm kha của chúng sinh trên đời là do vô minh, do ba độc tham, sân, si, do bám vào ngũ dục, lục trần thì vấn đề đặt ra là căn bệnh trầm kha ấy, những nỗi đau khổ ấy của chúng sinh có thể chữa trị được không? Và khi đã chữa dứt được bệnh rồi thì cuộc sống của họ sẽ ra sao? Câu trả lời nằm trong phần thứ ba của Tứ Diệu Đế, đó là phần Diệt đế. Trong kinh Chuyển pháp luân, Đức Phật đã từng dạy: “Bây giờ, này các tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ. Đó là sự xa lìa trọn vẹn, tận diệt tham dục, là sự dứt bỏ, khước từ, thoát ly và tách rời khỏi tâm ái dục”.


Do đó Diệt đế là chân lý của sự diệt tận, diệt tận những khổ đau của chúng sinh trên đời.

II. Định nghĩa Diệt đế:

Diệt đế chữ Phạn gọi là Nirodha Dukkha Satyã. Nirodha là sự tiêu diệt, Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những đau khổ như ốm đau, đói khát, buồn bực, sợ hãi, lo lắng…Còn Satyã nghĩa là sự chân thực không hư vọng, là sự thật, là chân lý, ta dịch nghĩa là đế. Vì vậy, Diệt đế là sự thật đúng đắn về hoàn cảnh tốt đẹp mà con người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi vô minh, phiền não gây ra đau khổ của con người.

Diệt đế mang ý nghĩa là sự chấm dứt khổ đau, đó là Niết bàn, là cực lạc hay giải thoát, là giác ngộ, là bất sinh, không còn luân hồi sinh tử. Muốn đạt được cái đó, chúng sinh phải loại trừ mọi phiền não, vọng tưởng để đi đến an trú tâm bất sinh. Đức Phật đã nói: “Kẻ nào còn vướng mắc vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức[1] thì kẻ đó được gọi là chúng sinh”. Hầu hết các kinh điển Phật giáo, kể cả Nam tông và Bắc tông, Tiểu thừa hay Đại thừa đều dịch cụm từ Diệt đế là Niết bàn. Mà muốn đạt đến Niết bàn thì ta phải diệt cho bằng được “cái Tôi”, “cái của Tôi” và “cái tự ngã của tôi”, phải diệt cho được cái tham, cái sân, cái si và biết bao cái phiền não, chấp trước, mà phải diệt trừ cho được toàn bộ những cái đó mới gọi là Niết bàn. Cảnh giới Niết bàn thật vắng lặng, tĩnh tịch và an lạc, đoạn diệt hết thảy hoặc nghiệp luân hồi nên gọi là Diệt đế.

III. Các bước hành trì để đạt đến Niết Bàn:

Ta đã biết, muốn tận diệt hết các nỗi khổ trên đời để đạt đến cảnh giới Niết bàn, thì ta phải diệt hết các nguyên nhân sinh ra đau khổ. Những nguyên nhân ấy nằm ngay bên trong con người chúng ta chứ không phải do bên ngoài gây nên. Đó là do ta còn vô minh, không thấu hiểu quy luật vô thường của tạo hóa, không hiểu biết đến vô ngã, luật nhân quả, mà mắc phải những phiền não, ái dục, tham, sân, si và các nghiệp chướng khác gây nên. Những cái đó nằm trong tâm ý chúng ta, tạo nên nghiệp lực truyền từ kiếp này sang kiếp khác.


Muốn tận diệt hết những nguồn gốc đau khổ đó, chỉ có tự mình phải giải quyết lấy, chứ không thể nhờ ai khác, không có ai ngoài ta có thể làm chuyện ấy cho ta, kể cả đức Phật và các Bồ tát, các vị Thánh cũng không trực tiếp làm thay cho ta được. Muốn vậy, chính con người chúng ta phải biết tận lực gia trì công lực từng giờ, từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc để dần dần tháo gỡ, thoát dần ra khỏi sức ràng buộc dẻo dai của nó, tìm cách xa lìa và tách rời khỏi nó.


Con đường đưa ta đến diệt tận đau khổ, đạt đến Niết Bàn được Đức Phật nói trong phần Đạo đế (sẽ trình bày trong Chương thứ Năm), mà chủ yếu là thực hiện được những lời dạy bảo của Đức Phật về 37 phẩm trợ đạo, trong đó Bát Chính đạo là con đường chính.

[1] Xem Ngũ Uẩn, bài học về diệt khổ. Phạm Đình Nhân. MXB Hồng Đức 2013.

[2] Dục giới: Một trong ba cõi. Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là nơi ở của những loài hữu tình mạnh về dục vọng, gồm có Địa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, loài người và 6 cõi thiên. Sắc giới là cõi của thế giới không còn dục vọng, thế giới của các thiên nhân trong cõi thiền, gồm có 4 cõi sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Vô sắc giới là cõi được tạo dựng thuần túy bằng tâm thức và gồm 4 xứ là không vô biên xư, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ.

[3] Về Tư hoặc thì cõi Dục giới có bốn: tham, sân, si mạn. Cõi sắc giới và vô sắc, mỗi cõi có ba (vì không còn sân). Cộng chung lại là mười món Tư hoặc ở cả ba cõi . Vì chúng có cấp độ vi tế và sâu sắc khác nhau nên phân ra 3 phẩm: thượng, trung, hạ phẩm. Mỗi phẩm lại phân ra ba phẩm nữa là:Thượng, trung, hạ, tổng cộng thành chín phẩm. Tư hoặc gồm có chín phẩm. Quả vị Tư đà hàm mới đoạn diệt trừ được sáu hoặc, quả vị A na hàm đoạn diệt thêm ba hoặc; đến A La Hán quả là đoạn hết).

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



Phạm Đình Nhân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tu-dieu-de-bai-hoc-dau-tien-p4-d15001.html)

Tin cùng nội dung