Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Vắc xin Pfizer và Moderna hiệu quả thế nào với nhóm người dễ bị suy giảm kháng thể?

Vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả thế nào với những người có hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc suy giảm là mối quan tâm của không ít người. Một nghiên cứu mới đây đã làm rõ vấn đề này.

Một nghiên cứu được công bố trên Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và T* vong của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) trong tuần này đã phân tích hiệu quả của vắc xin mRNA Pfizer-BioNTech và Moderna COVID-19 đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu. Nghiên cứu được thực hiện trên 20.101 người trên 9 tiểu bang, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1 đến tháng 9 năm 2021. Trong số những người tham gia nghiên cứu, 10.564 người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Dữ liệu được so sánh với 69.116 người lớn có hệ miễn dịch bình thường, 29.456 người trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hiệu quả của vắc xin mRNA đã được xác nhận là 77% ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, so với 90% hiệu quả đối với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Nhưng không phải tất cả những người bị suy giảm miễn dịch đều đạt được hiệu quả 77%. Các nhà nghiên cứu chỉ ra và lưu ý, "hiệu quả của vắc xin thay đổi đáng kể giữa các nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch". Cụ thể, những người đã được cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc có nhiều khả năng đạt hiệu quả hơn 59%, trong khi những người bị rối loạn viêm khớp hoặc thấp khớp như viêm khớp dạng thấp có hiệu quả lên đến 81%.

Giáo sư William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Trường Y Đại học Vanderbilt cho biết: "Những phát hiện này rất quan trọng, nhưng không quá ngạc nhiên".

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cũng đồng ý với điều này. Ông nói: "Những người bị suy giảm miễn dịch đã quen với thực tế là vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch, sẽ không hiệu quả với họ như ở những người có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn".

Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch hoặc có người thân bị như vậy, bạn có thể sẽ có thắc mắc. Đây là những gì bạn cần biết.

Suy giảm miễn dịch nghĩa là gì?

Theo CDC, người bị suy giảm miễn dịch có thể bao gồm bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư, những người đã cấy ghép nội tạng, những người đang sử dụng Thu*c ức chế miễn dịch và những bệnh nhân mắc các bệnh di truyền ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của họ.

Tuy nhiên, có nhiều loại Thu*c ức chế miễn dịch, và đó là lý do tại sao vắc xin COVID-19 có hiệu quả đối với nhóm này rất không giống nhau. Những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng chiếm khoảng 3% dân số trưởng thành, CDC nói.

Những khuyến cáo hiện tại về vắc xin cho những người bị suy giảm miễn dịch là gì?

Hiện tại, CDC đề nghị rằng những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại từ trung bình đến nghiêm trọng cần được tiêm liều thứ ba của vắc xin mRNA ít nhất 28 ngày sau liều thứ hai.

Mặc dù vậy, việc tiêm liều thứ ba không đảm bảo rằng những người bị suy giảm miễn dịch sẽ có được mức độ bảo vệ như những người khác. "Ngay cả sau liều thứ ba, những người bị suy giảm miễn dịch cần biết rằng họ vẫn thuộc nhóm dễ bị tổn thương hơn bạn bè và người thân của họ", tiến sĩ Schaffner nói.

Đó là lý do tại sao ông khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cố gắng hết sức để tránh xa các nhóm đông người bất cứ khi nào có thể.

Các chuyên gia dự đoán những người này có thể sẽ cần tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4 trong thời gian tới. Song, thời gian chưa ấn định, ít nhất là phải sang năm 2022.

Trong khi chờ đợi, AstraZeneca đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cấp phép sử dụng khẩn cấp cho phương pháp điều trị kháng thể tác dụng lâu dài để ngăn ngừa COVID-19 ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. "Điều đó có thể hữu ích trong việc bảo vệ họ khỏi mắc COVID-19 vì kháng thể do vắc xin tạo ra có thể không đủ", tiến sĩ Adalja nói.

Bạn có nên làm xét nghiệm kháng thể nếu bạn bị suy giảm miễn dịch?

Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên thực hiện các xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ bảo vệ từ vaccine Covid-19. Bởi những kết quả này không đáng tin cậy và thế giới chưa có quy định nồng độ kháng thể bao nhiêu là đủ để bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Tiến sĩ Schaffner nói: "Các xét nghiệm kháng thể không đáng tin cậy. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ cải thiện trong tương lai nhưng hiện tại, chúng không được khuyến khích".

Tiến sĩ Adalja đồng ý. Ông nói: "Xét nghiệm kháng thể thực sự không phải là thứ hữu ích cho mục đích bảo vệ bạn khỏi virus gây bệnh".

Theo Yahoonews, NYT

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/vac-xin-pfizer-va-moderna-hieu-qua-the-nao-voi-nhom-nguoi-de-bi-suy-giam-khang-the-2021111019195544.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY