Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Vì sao người Việt có tín ngưỡng thờ thần Hổ mà không phải là thờ Sư Tử?

(MangYTe) Tín ngưỡng thờ thần Hổ đã có từ lâu đời và được người Việt vô cùng tôn sùng cho tới ngày nay bằng những cách gọi trân trọng như ông, ngài, cậu, chúa… Vậy tại sao người Việt lại tôn thờ thần Hổ mà không thờ Sư Tử?
    Đông đảo người tới thăm Chùa Tam Chúc bất kể những nghi ngại

1. Hình tượng thần Hổ trong văn hóa dân gian và đời sống nhân dân


- Trong văn hóa dân gian:

Trong các loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ là loài vật linh thiêng, được người dân sùng bái và tôn thờ thông qua những cách gọi trân trọng như ông, cậu, chúa, ngài…

Từ xưa, dân ta đã cho rằng thần Hổ trấn bốn phương, bốn cõi và có uy quyền mạnh mẽ trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là phải do ngài phán quyết.

Chính vì thế, thần Hổ uy linh và huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, được thờ cúng tại rất nhiều điện, phủ, đền… Đặc biệt là trong điện thờ đạo Mẫu của Việt Nam, thần Hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần, có ban thờ riêng với những nghi thức đặc trưng.

Đọc ngay: Phân biệt Phủ, Am, Quán để tránh bỡ ngỡ, hiểu nhầm đáng tiếc

Bên cạnh cách gọi chính thống, ở nước ta, hổ còn có rất nhiều danh xưng như: cọp, hùm, kễnh, khái, mãnh chúa rừng xanh, ông Cả Cọp, ông Ba Mươi, ông Ba Bị…Mỗi cách gọi lại có ý nghĩa nhất định về mặt văn hóa, tâm linh như:

+ Cách gọi “cọp” khiến người ta hình dung đến động tác ngoạm, cắn, ăn tươi, nuốt sống… của loài thú này.

+ “Hùm” biểu thị tiếng gầm dữ dội, đe dọa đối phương.

+ “Ông Ba Mươi” gợi nhớ về truyền thuyết vua Gia Long trong những ngày sống nơi rừng núi, vì hết lương thực nhưng lại may mắn có thịt thú rừng do được hổ tiếp tế.

Để tỏ lòng biết hơn hổ, nhà vua đã cho lập miếu thờ và ra lệnh ai lỡ tay giết hổ sẽ bị phạt 30 trượng hoặc bắt sống thì thưởng 30 quan tiền.

Trong các loài thú dữ, hổ là loài thú được con người vừa tôn sùng vừa sợ hãi kỵ húy nhiều nhất. Chính vì vậy nên nhiều người không dám gọi thẳng tên mà phải gọi chệch đi vì sợ thần Hổ giận và tìm cách xử phạt. Từ đó những cách gọi như ông kễnh, ông ngài, ông thầy, ông cả… được ra đời.

Xem thêm: Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có những loại "MA" nào?

- Trong đời sống nhân dân:

Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc ở nước ta đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Con người đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng.

Người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè..., kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ.

Khi gặp hổ ch*t, người Khơ mú khóc than thật sự như tổ tiên mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người ch*t một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Cho tới thời nay, nhiều gia đình Việt Nam vẫn treo tranh thờ ngũ hổ như một tá bùa trấn trạch, xua đuổi tà ma.

Tranh ngũ hổ thường được treo chính giữa gian thờ hoặc dưới ban thờ thần thổ công. Khi treo tranh phải chú ý đến địa điểm, tránh treo ở gần nơi ăn ngủ. Nơi treo tốt nhất là thẳng gian chính điện.

Mục đích của việc thờ thần Hổ trong nhà là để cầu bình an, sức khỏe, mong cho gia đình sung túc, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh cũng như xua đuổi các năng lượng xấu, tà ma.

Bên cạnh đó, trong tín ngưỡng tâm linh, người ta cũng cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở theo quy luật của đất trời.

Như vậy, có thể thấy, tín ngưỡng thờ thần Hổ có vị trí, vai trò rất đặc biệt trong mọi mặt đời sống xã hội của người Việt.

Có thể bạn quan tâm: Mơ thấy hổ là điềm báo gì, phải chăng nguy hiểm đang rình rập?

2. Vì sao người Việt tôn thờ thần Hổ mà không phải là Sư Tử?

Cả hổ và sư tử đều là những loài thú dũng mãnh nơi rừng thiêng nhưng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, hai con vật này có sự khác biệt về quan niệm tôn thờ.

Trong khi hổ được kính cẩn gọi bằng ông, bằng ngài, bằng chúa thì sư tử chỉ là linh vật trang trí trong các công trình tín ngưỡng tâm linh với vị thế là thú canh giữ công trình.

Có 3 lý do tạo nên sự khác biệt này. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất:

Trong tự nhiên, hổ là loài động vật sống đơn độc, không theo bầy đàn, trong khi sư tử có lối sống đặc trưng là sinh sống và kiếm ăn theo bầy đàn. Chính đặc tính này đã làm cho nhiều người ngộ nhận sức mạnh của hổ không bằng sư tử.

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một nhận định sai lầm. Sức bền, sự dẻo dai của hổ cao hơn hẳn sư tử.

Ngoài ra, sư tử phân bố chủ yếu ở vùng thảo nguyên châu Phi trong khi hổ lại phân bố chủ yếu ở núi rừng châu Á. Chính vì thế nên hổ là loài động vật phổ biến hơn trong tâm thức của người dân châu Á trong đó có Việt Nam.

- Thứ hai:

Nhìn theo góc độ lịch sử của nước ta, người Việt di cư từ khu vực miền Trung vào vùng Nam Bộ để mở rộng lãnh thổ về phương Nam, đây vốn là vùng đất hoang sơ và rất hiểm trở. Và sự xuất hiện của loài hổ chính là biểu hiện rõ ràng cho sự hoang sơ đó.

Trong các tác phẩm viết về lịch sử và văn hóa của vùng đất Nam Bộ, không khó để ta thấy được sự khó khăn của cư dân tại vùng đất mới khi phải đương đầu với “Ông Ba Mươi”.

Quy luật tâm lý cho thấy, khi con người phải đương đầu với những khó khăn, hiểm họa thì sẽ có xu hướng tôn sùng, lễ bái, e dè trước đó. Và sự tín ngưỡng thờ thần Hổ chính là một cách giải tỏa tâm lý, tâm linh của người Việt.

- Thứ ba:

Xét theo góc độ văn hóa, sư tử là loài vật hiện diện tại Ấn Độ. Ngay từ sớm, chúng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh trong văn hóa Ấn Độ.

Sau này, khi văn hóa Việt - Ấn có sự giao thoa đã tạo điều kiện cho sư tử du nhập vào các công trình tâm linh, tín ngưỡng ở nước ta.

Như vậy, sư tử được du nhập vào Việt Nam do sự giao thoa văn hóa, trong khi đó, việc thờ thần Hổ được ra đời như một nhu cầu tất yếu trong quá trình người Việt đấu tranh chống lại điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên.

Do đó, vị thế của hổ cao hơn sư tử cũng là điều dễ hiểu.

3. Văn hóa thờ phụng thần Hổ trong điện thờ đạo Mẫu của Việt Nam

Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần Hổ được phổ biến hơn cả là trong các điện thờ đạo Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ về bản chất là để thể hiện sự tôn sùng quyền uy, vai trò của người phụ nữ, người mẹ. Hiểu thế nào cho đúng về Tam Phủ Công Đồng Tứ Phủ Vạn Linh?

Trong điện thờ, mẫu Liễu Hạnh được coi là thần chủ, có vai trò chỉ đạo hệ thống thiên thần, nhân thần gồm các quan, chúa, hoàng, cô, cậu, ngũ hổ, ông lốt… để đảm bảo sự vận hành cho pháp đạo trường tồn.

Các tượng pháp trong điện thờ được sắp xếp theo trật tự không gian từ cao xuống thấp. Trong đó: trung điện thờ chư vị thiên thần, nhân thần; hạ điện thờ ngũ hổ. Thanh xà, bạch xà quấn trên xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện.

Có thể thấy, thần Hổ giữ vị trí quan trọng trong điện thờ đạo Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa 2 miền thiên phủ - địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện.

Trong điện thờ đạo Mẫu, ban thờ ngũ hổ đặt dưới điện thờ công đồng. Một số nơi tách riêng ban ngũ hổ như đền Mẫu Ba Cây (Sơn Tây), đền Mơ Táo (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh)…

Một số đền, phủ thờ mẫu khác lại đặt ban ngũ hổ phía dưới động sơn trang như phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cô bé Tân An (Lào Cai), đền Đồng Bằng (Thái Bình)…

Ban ngũ hổ thường được bài trí giống như một hang động lớn, có những phiến đá nhấp nhô, tạo thế của hang núi, mang dáng dấp huyền bí. Đây chính là nơi ngự trị của thần Hổ, thường thờ tranh hoặc tượng.

Nếu thờ một ngài, người phụng thờ phải xem bản mệnh, tìm hiểu căn mệnh hợp ngài hổ nào mới thờ riêng.

Trong ban thờ, cần sắp xếp vị trí theo hướng mà các ngài trấn giữ, tuân theo quy luật ngũ hành:

- Hoàng Hổ (màu vàng - hành Thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện.

- Thanh Hổ (màu xanh - hành Mộc) ứng với phương Đông

- Bạch Hổ (màu trắng - hành Kim) ứng với phương Tây

- Xích Hổ (màu đỏ - hành Hỏa) ứng với phương Nam

- Hắc Hổ (màu xám đen - hành Thủy) ứng với phương Bắc.

Hình tượng ngũ hổ trên không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh.

Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ông là vị lãnh chúa cao nhất, thâu tóm mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.

Sự phối thờ độc đáo trong điện thờ Mẫu là kết quả của tín ngưỡng đa thần của người Việt, khẳng định vai trò, sức mạnh của vạn vật trong vũ trụ và sự khuất phục của chư vị thiên thần, nhân thần, muôn thú trước quyền uy của thánh mẫu.

Hình tượng ngũ hổ tiêu biểu cho sức mạnh toàn năng, có thể cứu độ, giúp đời, trấn yên bản điện. Ngũ hổ được coi là bộ hạ đắc lực của thánh mẫu trong việc trừ tà ma, ngoại đạo.

Xem nay: Đạo Phật và Đạo Mẫu, Đạo nào "thiêng" hơn?

4. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ thần Hổ của người Việt

Trong quan niệm của người phương Đông nói chung, hổ là một loài linh thú, là sứ giả của nhà trời được phái xuống hạ giới để ban phúc cho người lành, trừng trị kẻ ác, hướng con người đi đến “chân, thiện, mỹ”.

Mỗi vùng, mỗi dân tộc lại có một sự tích, nguồn gốc và ý nghĩa thờ thần Hổ đa dạng khác nhau nhưng chung quy đều thể hiện chức năng của thần Hổ là trừ tà ma, biểu thị cho quyền uy và sức mạnh.

Tín ngưỡng thờ thần Hổ của dân tộc ta không phát triển độc lập là tồn tại song hành cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ mang bản sắc đặc trưng của người Việt, không chỉ hướng niềm tin của con người vào thế giới sau khi ch*t, mà còn hướng đến thế giới hiện tại, cầu mong sức khỏe, tiền tài, quan lộc thông qua việc cúng khấn đấng vô hình.

Khám phá thêm: Văn khấn tứ phủ bản chuẩn cho con nhang, đệ tử đi lễ

Mỗi vị thánh trong tứ phủ đều có những vai trò, nhiệm vụ riêng với mục đích chung là cứu độ chúng sinh, giữ gìn đạo hạnh.

Với riêng thần Hổ, sự hiện diện của Ngài trong điện Mẫu đã khẳng định uy quyền, sức mạnh của các vị thần tự nhiên trong hệ thống bách thần của người Việt. Hổ đã đi vào tâm thức dân gian với sự cung kính, tôn sùng bởi quyền năng trừ tà, ban phát tài lộc, công danh cho mọi người.

Lam Lam (Tổng hợp)


Mạng Y Tế
Nguồn: Lịch ngày tốt (https://lichngaytot.com/phong-tuc/tin-nguong-tho-than-ho-536-199967.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY