12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

WHO khẳng định virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên đến từ loài dơi

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới lại tiếp tục khẳng định virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên đến từ loài dơi.

Virus gây dịch Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên

Đó là phát biểu của bà Maria Kerkhove - Trường nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức y tế Thế giới trên kênh truyền hình BCC (Anh). Bà Maria cũng nhấn mạnh việc chúng ta cần làm lúc này là phải xác định được vật chủ trung gian truyền bệnh, loài động vật nào nhiễm bệnh từ dơi rồi lây sang con người. Việc tìm ra vật chủ truyền bệnh là cực kỳ quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng và nguy hiểm hơn.

WHO khẳng định virus gây ra dịch Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên từ loài dơi.

Trước đó, ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra nghi vấn virus gây dịch Covid-19 có liên quan tới Viện virus Vũ Hán, thậm chí ông Trump còn từng ám chỉ nguồn gốc của loại virus này bằng tên gọi "virus Trung Quốc", dù các cơ quan tình báo nước này cho rằng không phải do con người chế tạo hay bị chỉnh sửa gen.

Tuy nhiên các cơ quan tình báo Mỹ cũng cho biết họ đang tiếp tục làm rõ việc liệu có hay không việc virus này có bắt nguồn từ các loài động vật bị nhiễm hay là do một tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Việt Nam thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên chuột

Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn phức tạp và khó có thể lường hết được các kịch bản có thể xảy ra thì việc sản xuất vắc xin ngừa dịch là một yêu cầu cấp thiết. Nhất là khi nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy Covid-19 không thể biến mất hoàn toàn mà có thể xuất hiện hằng năm như cúm mùa và họ lo ngại thế giới sẽ khó trở lại bình thường như trước khi có dịch.

Bởi vậy, nhiều nước đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin chống Covid-19. Trong tháng qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người như Anh, Mỹ, Trung Quốc nhưng các chuyên gia của WHO cho rằng, phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vắc xin để bán ra thị trường.

Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 nhưng dự kiến nhanh nhất cũng phải đầu năm 2021 mới có vắc xin bán ra thị trường.

Tại Việt Nam, mới đây, Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đã nghiên cứu thành công việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2 và đã bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột vài tuần qua.

Trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus gây ra dịch Covid-19.

Sau giai đoạn này, vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được thử nghiệm trên động vật để đánh giá thêm tính an toàn cũng như tính sinh kháng thể trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự án vắc xin ngừa Covid-19 này của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp cùng ĐH Bristol (Anh) nghiên cứu hơn 2 tháng qua dựa trên công nghệ vector virus. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc xin.

Tuy nhiên, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc xin với nhiều giai đoạn thử nghiệm nên dù nhanh và thuận lợi nhất cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả, điều này đồng nghĩa sớm nhất phải đầu 2021 mới có vắc xin.

Được biết, Việt Nam hiện là 1 trong 39 nước trên thế giới đạt Tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất vắc xin, tức vắc xin sản xuất ra có thể xuất khẩu.

Trước đó, một số bệnh viện trong nước cũng đã tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu sử dụng điều trị cho người bệnh nặng. Đồng thời, Bộ Y tế đã giao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp cùng BV Bệnh nhiệt đới Trung ương xây dựng hướng dẫn về việc tiếp nhận huyết tương, điều chế, bảo quản, lưu trữ cung cấp cho các cơ sở y tế nơi có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Đây là phương pháp mới nên các chuyên gia cần thời gian để nghiên cứu kỹ các tài liệu, lường trước những tác dụng không mong muốn để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm.

Phong Vũ

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/who-khang-dinh-virus-sars-cov-2-co-nguon-goc-tu-nhien-den-tu-loai-doi-29148/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY