Tâm sự hôm nay

Xin đừng bắt trẻ con “vác gạch”

Xưa nay cứ nhìn cái cảnh trẻ em vác gạch, xách hồ, cuốc ruộng, mò cua bắt cá... là thiên hạ lại xót xa, lại quặn thắt tấm lòng...
Những cảnh như thế chưa bao giờ là hiếm mặc dù luật pháp đã qui định và xã hội đã gióng những hồi chuông. Ừ thì xót, không xót có mà người vô tâm vô hồn à? Nhưng tại vì đấy là những trẻ ranh nơi thôn dã, nhà đã kiết xác, đã rớt mồng tơi không mò mẫm bưng bê khuân vác thì lấy gì mà đổ vào mồm? Loại nào lợi dụng trẻ ấy thì cũng là loại ngu, loại hèn, cảnh cáo, lên án và có khi xộ khám nhốt tạm vài “cục lịch” cho trắng mắt ra thì cũng chả oan ức gì. Can cái tội bắt trẻ con làm việc, làm trò người lớn.

Có một kiểu khôn rạch giời là bắt trẻ con làm việc người lớn mà vẫn được hoan hô nhiệt liệt bởi : A a a... Đây rồi tinh hoa nước ta. Khốn khổ! Nhiều đấy chứ không ít đâu, nhưng xót, thương, cười, vỗ tay và hài hước với cái cảnh trẻ con làm việc người lớn lại được bày binh bố trận đàng hoàng giữa bàn dân thiên hạ. Nẫu hết ruột gan khi xem trò rồi liên hệ với câu "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình".

Ấy là câu chuyện của những chương trình "giọng hát Việt nhí. Đồ rê mí..." Khi mà mấy bống mấy cún sún răng, nổi gân nổi cốt thể hiện tác phẩm lớn như: Xa Khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Việt Nam Quê Hương Tôi (Đỗ Nhuận), Huyền Thoại Hồ Núi Cốc ( Phó Đức Phương).... trong chương trình Giọng Hát Việt Nhí. Những tác phẩm mà: xin lỗi nhiều ca sỹ nghệ sỹ tầm tầm bậc trung chả dám mon men thể hiện. Tuổi gì mà đòi đú?

Ấy vậy mà người ta cứ khoác ách vào cổ trẻ con để rồi nó lên gân lên cốt, quặn thắt ruột gan mà rú cho đúng cung đúng quãng. Đúng làm sao được hả giời ? Nhất là khi gặp cái cung cái quãng quá cao trẻ tắc cổ nổ hầu quặn cả ruột gan không đu lên nổi thì cả giám khảo và không ít khán giả lại ngả nghiêng cười sằng sặc!

Rồi khi không thành công, không có giải thì bé bỏ ăn mà khóc ba ngày chưa cắt cơn tức tưởi. Khốn nỗi nhiều cha mẹ lại cũng muốn khoe con, muốn cái đứa bé gân cổ lên mà thỏa mãn cái mơ ước hão huyền của mình. Hình như hành trẻ cũng là một thú vui ! Con ơi, cháu ơi, vì con đi thi thố tài năng hay kiếm cơm kiếm gạo mà để đến nỗi cái hạt mít của ông bà bố mẹ phải vã mồ hôi, sôi nước mắt và tủi đến nhường này ?! Thôi thì cái "Giọng Hát Việt Nhí" dù sao mấy cái sún răng cũng đã nên vóc nên hình thì còn cố mà gò chân cho nó vừa giầy. Ai dè đến cái sân "Đồ Rê Mí" cũng lại bưng luôn cái phom cái cữ cái kiểu "trẻ con vác gạch" ấy ra.

Lại những tác phẩm đã ghi dấu ấn những Anh Thơ, Trọng Tấn, Tùng Dương, Năm Dòng Kẻ, Cỏ Lạ.... Chất lên vai lũ vắt mũi chưa sạch, nhiều đứa còn chưa kịp giã từ con gấu nhựa ở trường mầm non. Búng ra sữa thì đã biết cái gì mà ve vãn rủ rê: Em về đội chị. Rồi thì tập, rồi thì hát, hát mà chả cần biết cái bài hát ấy nội dung nó thế nào, ý nghĩa ra làm sao... Thôi thì cứ người lớn vẽ sao trẻ con làm vậy. Để rồi có bé gào thét vừa xong mồ hôi mướt mát thở không ra hơi, ông "chú Cuội" Xuân Bắc hỏi: Con có biết cái bài Ngựa Ô con vừa hát đó thì mang âm hưởng của làn điệu dân ca nào không ? Bống nhà ta hồn nhiên: Dân ca quan họ ạ. Phùuuuu... Lại nữa: Thế con có biết ngựa ô lông nó màu gì không ? Lại tự tin: Dạ lông nó màu vàng ạ. Thôi xong ! Hàn lâm và bác học hơn là "Chị Hằng" Châu Anh còn hỏi sún: Con cảm nhận thế nào về bài con vừa hát nhỉ? Hợ... Mất điện đi sún ! Câu này thì phụ huynh con cũng xin cấm khẩu ạ cô ạ chú chứ mấy cái tuổi thì làm sao phát biểu. Người hỏi không có lỗi, đứa trẻ không có lỗi mà lỗi là do cái người dạy nó hát, xui nó hát.

Công bằng mà nói nhiều bé thực sự có tài năng thiên phú, nếu như các bé được hát những bài hát của lứa tuổi mình thì sẽ gây được nhiều cảm xúc hơn làm cho lứa tuổi thiếu nhi sẽ thích xem chương trình hơn và cũng dễ đánh giá tài năng hơn. Người ta cũng quên một điều là "Giọng hát Việt nhí" hay "Đồ Rê Mí" nhưng lại rất ít trẻ em thích xem và không có hứng thú khi mà phải nghe toàn các bài hát của người lớn, các em có mấy khi để ý đến đâu mà biết đúng sai hay dở thế nào. Cuối cùng thì chủ yếu là người lớn xem, nhưng xem ra cũng chẳng mấy thích thú lắm. trẻ con không có tội và nó cũng chẳng sai đâu. Huấn luyện cho nó thế nào, bày vẽ cho nó cái gì thì nó biết cái ấy, bảo nó hát thì nó hát thôi. Bắt cái bọn trẻ ấy thét những tác phẩm ấy thì có gì khác với người lớn bắt trẻ ranh vác lúa, bốc gạch, xách hồ... đâu.

Có ai nghĩ mà xót xa tự hỏi: Có nhất thiết phải thế không ? Những bài hát của trẻ thơ, của học trò đã từng ghi dấu qua bao thế hệ đã từng là giai điệu tự hào như: Đi Học, Bụi Phấn, Đưa Cơm Cho Mẹ Đi Cày, Hạt Gạo Làng Ta... Rất nhiều những bài hát thiếu nhi ấy, đấy chính là công việc của các em đấy, vừa sức các em đấy. Các em sẽ làm sẽ hát, hát mà vui mà rộn ràng mà hồn nhiên mà lay động tâm hồn... Những bài hát ấy không có cung có quãng, không có luyến có láy, không có nhạc, không có tiết tấu giai điệu sao? Sao cứ phải vác gạch, xách hồ... mới là tài năng? Mà như thế thì từ nay luật nên bỏ cái tội bóc lột sức lao động trẻ em đi và thấy "ông trẻ" bảy tuổi vác hai chục viên gạch là nên trao giải tài năng nhí được rồi.

Trịnh Đình Nghi

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-xin-dung-bat-tre-con-vac-gach-5773.html)
Từ khóa: vác gạch

Chủ đề liên quan:

trẻ con vác gạch

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY