Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ kiểm tra sức khỏe nhân sự quy hoạch vào Trung ương

(MangYTe)- Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chủ trì tổ chức thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe, kết luận, phân loại sức khỏe định kỳ; trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương.

Trường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký Quyết định số 215-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Theo đó, quy định Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ theo phân cấp. Đồng thời, là cơ quan chủ trì điều phối hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao theo quy định của Ban Bí thư.

Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương được giao 9 nhiệm vụ cụ thể: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cả đương chức và nguyên chức).

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe, theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm; kiểm tra sức khỏe cán bộ quy hoạch cấp chiến lược; tổ chức khám, điều trị bệnh, nhất là điều trị tích cực bệnh lý; phục hồi chức năng, điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý và thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ban chủ trì tổ chức thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe, kết luận, phân loại sức khỏe định kỳ; trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương. Ban là đầu mối thống nhất quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thông tin sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện việc khám và điều trị bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh trong nước và ngoài nước. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng chuyên môn về tình trạng sức khỏe cán bộ, về chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh lý; chỉ đạo tổ chức tập trung các nguồn lực kỹ thuật cao để điều trị bệnh đối với cán bộ thuộc diện quản lý tại các cơ sở trong nước; báo cáo, trình Ban Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư quyết định gửi đi nước ngoài khám, chữa bệnh khi cần thiết. Chủ trì lập kế hoạch điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý để cán bộ cấp cao bị mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo thực hiện.

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan huy động mọi nguồn lực để thực hiện tình huống cấp cứu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; có phương án bảo đảm y tế đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khi đi công tác trong và ngoài nước. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các bệnh viện, các cơ quan, đơn vị có liên quan và huy động các chuyên gia đầu ngành khi cần thiết trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cán bộ cấp cao. Thẩm định, phê duyệt, quy định trách nhiệm đối với đội ngũ bác sĩ tiếp cận chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước do các bệnh viện đề xuất...

Cơ cấu tổ chức của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương có Trưởng ban và 3 Phó trưởng ban, trong đó 1 phó trưởng ban chuyên trách là bác sĩ giúp Trưởng ban trực tiếp điều hành công việc hằng ngày của Ban; 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm là Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phụ trách chính sách cán bộ; 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm là lãnh đạo Bộ Y tế.

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương có các ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các ủy viên là Giám đốc các Bệnh viện: Trung ương Quân đội 108, Hữu Nghị, Thống Nhất; Cục trưởng Cục Quản trị A, Văn phòng Trung ương Đảng; Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng. Ban có từ 2 đến 3 ủy viên chuyên trách.

Quyết định số 215-QĐ/TW thay thế Quyết định số 242-QĐ/TW, ngày 15-4-2014 của Ban Bí thư khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hiện nay là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế. Bà Tiến được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương từ đầu tháng 7-2019 thay ông Nguyễn Quốc Triệu.

B.T.V (Theo TTXVN)

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/thoi-su/ban-bao-ve-cham-soc-suc-khoe-can-bo-tu-kiem-tra-suc-khoe-nhan-su-quy-hoach-vao-trung-uong-20200216090344366.htm)

Tin cùng nội dung

  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Người chăm sóc sức khỏe là người chăm sóc cơ bản cho một người có bệnh mạn tính. Bệnh mạn tính là một căn bệnh kéo dài trong một thời gian dài hoặc không thể khỏi được
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY