Trong thế kỷ 21, COVID-19 đã làm "đảo lộn" cuộc sống hàng ngày của con người mà trước đây chưa hề có tiền lệ. Tính từ đầu năm ngoái đến nay, nó đã khiến các nền kinh tế bị "đóng băng", hàng triệu người rơi vào tình trạng bất ổn về kinh tế và 4,5 triệu người thiệt mạng.
Vì những lý do khác nhau mà dịch COVID-19 đã "thống trị" nội dung của mọi cuộc thảo luận xung quanh vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nhưng các chuyên gia y tế đang cảnh báo về một mối đe dọa thậm chí còn tồi tệ hơn cả COVID-19.
Đại diện của hơn 230 tạp chí y khoa đã có một cuộc họp vào hôm 5/9/2021 và họ đã gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu". Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần phải hành động ngay lập tức để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và sự tàn phá của thế giới tự nhiên.
Ngập lụt ở LaPlace, Louisiana, sau cơn bão Ida. Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP/Getty Images
Bài xã luận trong cuộc họp hôm đó cho rằng: Thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân trên toàn thế giới, và mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn 1,5 độ C (2,7 độ F). Hiện nay, thế giới đã nóng lên 1,1 độ C (2 độ F) rồi.
Các tác giả cảnh báo rằng: "Không có sự gia tăng nhiệt độ nào gọi là "an toàn", nếu không hành động ngay bây giờ thì sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp và không thể khắc phục được đối với sức khỏe con người. Ngay cả khi Covid-19 hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của thế giới thì chúng ta cũng không thể chờ đại dịch qua đi mới tiến hành giảm nhanh lượng khí thải được".
Những báo cáo đã dẫn chứng bằng một mùa hè đã xảy ra rất nhiều các thảm họa liên quan đến khí hậu trên khắp thế giới, từ vòm nhiệt ch*t người ở British Columbia cho đến những trận mưa xối xả ở Trung Quốc. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 388 người và ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số. Ở Bờ Tây, những đám cháy rừng kinh hoàng đã tỏa khói xa tới tận châu Âu, và điều này có khả năng làm trầm trọng thêm những mối đe dọa từ COVID-19.
Trước khi các cụm từ như "cách ly" và "giãn cách xã hội" được sử dụng một cách phổ biến hiện nay thì đã từ rất lâu rồi, các cuộc khủng hoảng khí hậu đã bắt đầu gây hại cho mọi người trên khắp thế giới. Bài xã luận cho biết: Đối với những người trên 65 tuổi, trong 20 năm qua, họ đã chứng kiến tỷ lệ Tu vong liên quan đến nhiệt độ tăng tới 50%. Nhiệt độ tăng cũng đã góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư da, mất nước, suy thận, bệnh truyền nhiễm, biến chứng thai kỳ, sức khỏe tâm thần, dị ứng và Tu vong do bệnh tim và phổi.
Một trận cháy rừng ở vùng núi phía trên Colorado Springs, khiến hơn 32.000 cư dân phải sơ tán. Ảnh Gaylon Wampler / Getty
Họ cũng đã chỉ ra những hậu quả lớn hơn thế. Ví dụ, năng suất của những loại cây trồng trọng điểm giảm đã khiến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng của cây tăng lên và sự tàn phá môi trường sống trên diện rộng đang tạo tiền đề cho các đại dịch trong tương lai. Cũng giống như COVID-19, các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh sẽ bị ảnh hưởng theo cách không cân xứng - bao gồm trẻ em, người già, dân tộc thiểu số và những người nghèo.
Nếu không có những hành động cấp thiết từ phía các nhà lãnh đạo thế giới, kết quả có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên 2 độ C và đây sẽ là một "thảm họa".
Trong nhiều năm nay, ngành y đã tìm ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe. Lancet, một tạp chí y khoa hàng đầu trên thế giới, đã gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất" của thế giới kể từ ít nhất là năm 2009 và Tổ chức Y tế Thế giới đã dành nhiều thập kỷ để tính toán các thiệt hại của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người. Gần đây nhất, tổ chức này đã dự đoán rằng áp lực từ sự tăng nhiệt của khí hậu, suy dinh dưỡng và các bệnh như sốt rét sẽ là nguyên nhân của 1/4 triệu ca Tu vong trong giai đoạn 2030-2050.
Ảnh chụp từ trên không của Erftstadt-Blessem, Đức, vào ngày 16 tháng 7 năm 2021 sau trận lũ lụt nghiêm trọng. Ảnh: Rhein-Erft-Kreis/Reuters
Các tác giả của bài xã luận cho biết, đối phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu đòi hỏi những thay đổi cốt lõi trong xã hội và nền kinh tế của hành tinh này – chứ không chỉ là sự hoán đổi đơn giản giữa công nghệ bẩn lấy công nghệ sạch hơn. Họ nhấn mạnh rằng chính phủ các nước cần "đối xử" với cuộc khủng hoảng khí hậu với mức độ khẩn cấp cũng giống như đại dịch COVID-19, cam kết đầu tư lớn - "ngoài những thứ đang được quan tâm hoặc chuyển giao ở bất kỳ đâu trên thế giới" - hướng tới việc thiết kế lại các thành phố, mạng lưới giao thông, hệ thống thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, và hơn thế nữa. Theo bài xã luận, những lợi ích về sức khỏe và kinh tế đi kèm với những thay đổi như vậy sẽ là vô cùng to lớn, dễ dàng bù đắp chi phí để giảm lượng khí thải.
Bài xã luận kêu gọi các nhà lãnh đạo tại các hội nghị liên quan đến khí hậu và đa dạng sinh học sắp tới hãy hành động để bảo vệ sức khỏe thế giới. Các nước giàu đặc biệt phải làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng công bằng và bền vững - thông qua các khoản tài trợ, thay vì các khoản vay, nhằm cải thiện phần nào đó khả năng phục hồi của hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ trước những biến đổi khí hậu.
Theo Grist, Nejm