Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cần sự đầu tư thích đáng cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

MangYTe - Các chuyên gia nhận định, tốc độ già hóa nhanh, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam từ vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe đến an sinh xã hội, việc làm cho người cao tuổi cũng như thiết kế cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Do đó, nếu không có những chính sách, bước đi phù hợp, Việt Nam rất dễ rơi vào viễn cảnh “già trước khi giàu”.

Cần chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số. Ảnh minh họa

Tốc độ già hóa của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số toàn cầu đang già hóa, dân số trên 65 tuổi tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Năm 2019, cứ 11 người thì có 1 người trên 65 tuổi (chiếm 9%). Đến năm 2050, tỷ lệ này tăng lên cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi (16%).

Bên cạnh đó, năm 2018, lần đầu tiên số người trên 65 tuổi vượt số trẻ em dưới 5 tuổi; số người trên 80 tuổi dự báo tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người năm 2019 lên 426 triệu người năm 2050. Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu học lớn nhất trên hành tinh hiện nay.

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi trở lên là 7%. Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, nhóm dân số này là 7,7%. Các nhà nhân khẩu học trong nước và quốc tế đều nhận định rằng, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nếu như ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm thì ở Việt Nam, dự báo con số này chỉ khoảng 17-20 năm.

Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, đa phần người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng "bệnh tật kép", chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Đái tháo đường, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời.

Ngày 13/2, tại buổi làm việc với các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, già hóa dân số cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những thách thức lớn mà Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt.

Các chuyên gia nhận định, tốc độ già hóa nhanh, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam từ vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe đến an sinh xã hội, việc làm cho người cao tuổi cũng như thiết kế cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Do đó, nếu không có những chính sách, bước đi phù hợp, Việt Nam rất dễ rơi vào viễn cảnh "già trước khi giàu".

Cần đầu tư thích đáng và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trước những thách thức của vấn đề dân số nói chung và già hóa dân số nói riêng, năm 2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, giao các bộ, ngành xây dựng các Đề án để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết 21. Trong đó Bộ Y tế, trực tiếp là Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt.

Nội dung Đề án tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặt ra mục tiêu tăng tuổi thọ, nhất là tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam; tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt trong đó hướng tới toàn bộ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm tại các tuyến xã/phường. Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; thăm khám tại nhà, thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; mở rộng hệ thống lão khoa; cán bộ khoa lão…

Tại cộng đồng, thực hiện các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đào tạo đội ngũ cộng tác viên dân số trở thành những người chăm sóc người cao tuổi không chính thức. Về vấn đề an sinh xã hội, tập trung khuyến khích người cao tuổi tham gia làm việc nếu có khả năng và nhu cầu đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi…

Theo người đứng đầu ngành Dân số, trong quá trình xây dựng các Đề án nói chung và Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng, Tổng cục Dân số cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Đó là hiểu biết của người dân về già hóa dân số cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa toàn diện, cần sự hỗ trợ, đào tạo của WHO, nhất là những chuyên gia đến từ các nước đã có kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, kinh phí Trung ương để xây dựng, hoàn thiện và đưa Đề án đi vào thực tiễn cuộc sống cũng bị cắt giảm rất nhiều, gây hạn chế việc mở rộng đối tượng tiếp cận của Đề án. Mặt khác, hiện nay, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hầu như không còn. Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: "Với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nếu không có sự đầu tư thỏa đáng, Đề án sẽ nằm trên giấy, khó đi vào thực tiễn".

Đào tạo ctv dân số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Trên cơ sở những thách thức trên, tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO cả về tinh thần lẫn vật chất trong công tác dân số nói chung cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nói riêng. Theo đó, Tổng cục Dân số hy vọng WHO sẽ hỗ trợ về kỹ thuật trong việc cử chuyên gia tham gia xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng tại một vài phường/xã phù hợp.

Đặc biệt, một vấn đề rất được Tổng cục trưởng quan tâm là việc đào tạo cộng tác viên dân số trở thành nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, ngành Dân số đang có đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn, xóm, bản, làng. Đội ngũ này được xem là kênh truyền thông hiệu quả, là mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số vì họ là người luôn nắm vững địa bàn, thường xuyên tiếp cận, gần gũi người dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số.

Do đó, cộng tác viên dân số hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chuyên hoặc bán chuyên tại các cộng đồng, nếu được đầu tư các khóa, buổi đào tạo về chuyên môn. Chính vì vậy, người đứng đầu ngành Dân số Việt Nam mong muốn WHO sẽ có những hỗ trợ ngành Dân số Việt Nam trong việc cử chuyên gia đến đào tạo, tập huấn hoặc tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác dân số được tham gia các khóa học để họ có chuyên môn trở thành nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Tại buổi làm việc, ông Hiromassa Okayasu, Điều phối viên về y tế và già hóa (WHO khu vực Tây Thái Bình Dương) cho biết, trong công tác chăm sóc người cao tuổi có 2 nội dung cốt lõi là: Dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, ông đánh giá cao những hướng đi của Tổng cục Dân số trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và rất sẵn lòng làm việc với Việt Nam để hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 cũng như ứng phó với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tổ chức hai sự kiện lớn của ASEAN. Sự kiện thứ nhất là Hội thảo về tăng cường phối hợp liên ngành trong chăm sóc người cao tuổi và bệnh tâm thần. Sự kiện thứ 2 là Diễn đàn ASEAN và các đối tác phát triển: Những trọng tâm ưu tiên của Dân số và Phát triển hướng đến thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Do đó, lãnh đạo Tổng cục Dân số Việt Nam mong muốn được phối hợp với WHO để có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính, cử chuyên gia tham gia báo cáo, trình bày tại hai sự kiện trên.

Mai Thùy

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/dan-so/can-su-dau-tu-thich-dang-cho-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-20200214201649381.htm)

Tin cùng nội dung

  • Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi, do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở nước ta, viêm phổi chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi.
  • Đông y gọi viêm phế quản là khái thấu, đàm ẩm. Bệnh do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt, khí táo hoặc do công năng của 3 tạng phế, tỳ, thận giảm sút. Hàn thấp làm tổn thương tỳ sinh đàm ẩm; nhiệt làm thương phế, thận; phế thận âm hư dẫn đến ho, đờm nhiều. Đông y có rất nhiều phương pháp chữa bệnh này, xin giới thiệu một số bài Thuốc theo kinh nghiệm dân gian rất đơn giản, dễ tìm mà hiệu quả.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Dịch vụ phòng ngừa là rất quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đó là vì nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tăng lên khi bạn có tuổi. Bằng cách ngăn ngừa, hoặc xác định chúng ở giai đoạn sớm, bạn có nhiều khả năng sống một cuộc sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và thỏa mãn hơn.
  • Suy dinh dưỡng là khi cơ thể bạn không nhận được đủ chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm bạn ăn để hoạt động tốt. Chất dinh dưỡng bao gồm chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Những chất này cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn. Chúng giúp cơ thể phát triển, sửa chữa mô và điều hòa các quá trình sống.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY