Chiều 2/1, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất đông bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó số người bị đột quỵ chiếm gần một nửa.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước dịp nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 160 bệnh nhân, trong đó 30-40% bị đột quỵ. Trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, số bệnh nhân đến cấp cứu giảm còn 130-140 bệnh nhân, song người đột quỵ chiếm tới 40%, tương đương 40-55 người mỗi ngày.
Theo Phó giáo sư Chi, nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân đột quỵ gia tăng là do miền Bắc đang trong giai đoạn rét đậm, rét hại. Ngoài ra, số bệnh nhân bị các bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh cũng tăng nhiều. So với ngày thường, thời gian này, bệnh nhân đột quỵ tăng 20%, số ca phải can thiệp cấp cứu và tử vong cũng cao hơn.
"Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Khi trời lạnh sẽ gây co thắt mạch làm bất ổn các yếu tố nguy cơ, là nguyên nhân gây đột quỵ", Phó giáo sư Chi giải thích.
Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ nên đặt nằm cao đầu. Trong trường hợp người bệnh nôn, rối loạn ý thức, cần cho nằm nghiêng một bên tránh sặc chất nôn.
Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, ngay cả nước lọc. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, lau sạch chất nôn, đờm dãi rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên lãng phí thời gian vàng bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu...
Mặc dù, cơn đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít triệu chứng nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo nào.
Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ bạn cần biết:
1. Mất thăng bằng
Yếu một tay, một chân hoặc cả tay và chân cùng bên làm người bệnh đi khó khăn, mất thăng bằng, ngã khuỵu. Rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cứng một bên cơ thể.
Sơ cứu cần thiết: Đỡ người bệnh để tránh bị ngã, cho nằm hoặc ngồi ở chỗ thoáng mát, có không khí, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám.
Ảnh minh họa |
2. Yếu một bên cơ mặt, miệng méo
Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy nói khó khăn hoặc hoàn toàn không nói được.
Sơ cứu cần thiết: Hãy cho người bệnh nói lại một câu đơn giản, nếu họ không thể nhắc lại tức là đột quỵ đã trở nên trầm trọng có thể dẫn đến méo mồm, liệt nửa người nên cần đưa đến viện ngay.
3. Nhìn khó khăn
Mắt mờ, mù một bên, thậm chí cả hai mắt hoặc nhìn thấy hình đôi.
Sơ cứu cần thiết: Không tự ý cho uống hoặc nhỏ các loại thuốc mắt thông dụng vì nó có thể làm tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Cách tốt nhất là nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.
4. Đau đầu dữ dội
Hoặc nhức đầu dị thường kèm theo cứng cổ, nôn.
Sơ cứu cần thiết: Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
5. Mất ý thức
Người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột.
Sơ cứu cần thiết: Triệu chứng này cho thấy cơn đột quỵ rất nguy hiểm và việc duy nhất bạn cần làm là đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì cấp cứu trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ thì khả năng cứu sống cao và ít để lại di chứng.
Bạn có biết? Mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 người bị đột quỵ và 104.000 người tử vong vì chứng bệnh này. |
An Bình (T/H)
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: